+
Aa
-
like
comment

Không vũ trang hóa nhiệm vụ của ngành dân sự trong việc Bộ Công an sát hạch, cấp GPLX

Thành Nhân - 30/09/2020 09:59

Việc chuyển giao nhiệm vụ sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT sang Bộ Công an không có chuyện ‘vũ trang hóa nhiệm vụ của ngành dân sự’. Đó cũng chính là lời khẳng định của Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng C08.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng C08

Ngày 29.9, Cục CSGT (C08, thuộc Bộ Công an) đã thông tin với báo chí về dự thảo luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Dự án luật này được tách ra từ luật Giao thông đường bộ năm 2008, do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, cùng với đó là dự án luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo.

Tại hội nghị, đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng C08, khẳng định việc chuyển giao nhiệm vụ sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT sang Bộ Công an không có chuyện “vũ trang hóa nhiệm vụ của ngành dân sự” như nhiều ý kiến đã nêu mà là sự thay đổi để thực hiện đúng chức năng, vì lợi ích của người dân và đất nước.

Lãnh đạo C08 cho rằng việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đang có nhiều sơ hở, dẫn đến mất trật tự, an toàn giao thông và cần phải có sự thay đổi cơ quan quản lý để kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông, lập lại trật tự giao thông tại VN. Để tiếp nhận nhiệm vụ mới, Bộ Công an đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành trong công tác quản lý với mục tiêu cải cách hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, giải quyết công việc nhanh chóng, thuận lợi nhất cho người dân.

Theo phương án của Chính phủ, Bộ Công an chịu trách nhiệm sát hạch, cấp bằng lái xe /// ẢNH GIA KHIÊM
Theo phương án của Chính phủ, Bộ Công an chịu trách nhiệm sát hạch, cấp bằng lái xe

Ngoài ra, dự thảo luật đã đưa ra đủ các thiết chế để kiểm soát hoạt động của lực lượng CSGT, tránh việc “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, trong đó có quy định xử phạt qua hình ảnh và sự giám sát của nhân dân.

Lãnh đạo C08 cũng cho biết sẽ công khai dữ liệu về đào tạo, sát hạch GPLX, thậm chí cả vấn đề tài chính của cơ sở đào tạo. Những giáo viên đào tạo sát hạch sẽ được phân cấp, ai đào tạo mà tài xế ra đường vi phạm giao thông sẽ được công khai, để học viên có thể lựa chọn.

Cảnh sát giao thông bụng to sẽ không được làm nhiệm vụ ngoài đường

“Trong năm nay, chúng tôi sẽ nghiên cứu đưa ra các bài kiểm tra sức khỏe, năng lực, các tiêu chí về cân nặng, chiều cao và số đo vòng 2 của cán bộ, chiến sĩ trước khi tuyển chọn làm nhiệm vụ ngoài đường”, đại tá Bình nói, và cho biết dù chưa có thống kê cụ thể nào nhưng trên thực tế đã đang có cán bộ, chiến sĩ có vòng bụng to làm nhiệm vụ.

“Cảnh sát bụng to sẽ gặp khó khăn trong những tình huống khẩn cấp như truy bắt tội phạm, giải cứu người gặp nạn hay giải quyết các công việc cần sức bền và sự nhanh nhạy”, đại tá Đỗ Thanh Bình nói.

Đại diện Cục CSGT cho biết, thông qua các bài kiểm tra và rà soát những cán bộ không đủ điều kiện ngoài đường, trong đó có lý do “vòng bụng to”, sẽ điều chuyển làm công việc văn phòng hoặc vị trí khác phù hợp hơn.

Quy định này dự kiến sau khi được triển khai tại Cục CSGT sẽ được áp dụng trên toàn quốc.

Quy định trẻ em đủ tuổi ngồi ghế trước của xe hơi – “Mục đích chính không phải xử phạt”

Trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT, Bộ Công an đề xuất quy định trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 1,35 m khi được chở trên ô tô chở người thì không được ngồi ở hàng ghế trước (ghế cạnh người lái xe), trừ trường hợp xe chỉ có một hàng ghế.

Đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận, liên quan đến việc xác định độ tuổi cũng như chiều cao của trẻ liệu có khả thi.

Về vấn đề này, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho rằng trước hết phải đưa quy định vào luật để hình thành thói quen văn hóa. Ví dụ khi CSGT hỏi cháu bé bao nhiêu tuổi, nếu trả lời 10 tuổi thì mời cháu ngồi sau, nếu cháu không nhớ tuổi thì hỏi cháu cao bao nhiêu?

“Đó là yếu tố nhân văn, mục đích chính không phải là để xử phạt” – Cục phó C08 nói.

Thành Nhân

Bài mới
Đọc nhiều