+
Aa
-
like
comment

Không thích đánh nhau nhưng nếu phải đánh, Việt Nam cũng chẳng sợ!

27/04/2020 15:01

Trong lịch sử dân tộc đối đầu với các thế lực Phương Bắc, tính ra Việt Nam đã tiến hành không dưới 8 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong số cuộc chiến tranh này nước ta luôn đối đầu với đội quân xâm lược đông gấp 5 đến 10 lần ta. Điều đặc biệt trong những lần đụng độ này, vũ khí trang bị thì ta và địch cơ bản ngang nhau (cung tên dao kiếm). Như vậy, có thể nói, nếu so sánh lực lượng giữa ta và địch thì ta chỉ thua kém địch một tiêu chí duy nhất là: Ta ít mà địch thì nhiều.

Hình ảnh minh họa.

Ngày nay, trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển, trước một đối tượng thách thức trực tiếp đến an ninh chủ quyền của Việt Nam, Hải quân Việt Nam với lực lượng trang bị hiện đại, vũ khí công nghệ cao cũng không kém địch là bao nhiêu, nhưng rõ ràng, thực lực vẫn ít hơn địch, cho nên, về đại thể, Hải quân Việt Nam cũng phải “lấy ít địch nhiều” và chắc chắn trong tương lai, nếu có chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thì Việt Nam luôn luôn phải tiến hành trong tình trạng “lấy ít địch nhiều”.

Đương nhiên, Việt Nam chẳng thích thú gì khi phải “lấy ít địch nhiều”, bởi đó là một cuộc chiến không cân sức, bị đối phương “lấy thịt đè người”, rất bất lợi cho chúng ta. “Lấy ít địch nhiều” là tư tưởng quân sự Việt Nam xuyên suốt trong quá trình tác chiến, truyền lại từ xưa cho đến nay mà không thế khác.

Nguyễn Trãi thế kỉ XV đã tổng kết: “Lấy ít địch nhiều, thường dùng mai phục”. Điều này chỉ cho ta thấy mối liên hệ mật thiết của tư tưởng, nghệ thuật quân sự Việt Nam với địa thế Việt Nam mà thời hiện đại, dân tộc Việt đã phát triển lên một tầm cao mới là chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân trong bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện một cuộc chiến tranh du kích (CTDK) trên đất liền thì không ai bàn cãi. CTDK có 2 lối đánh đặc trưng đó là phục kích và tập kích. Hai lối đánh này luôn dựa vào lợi thế địa hình để tổ chức thực hiện, trong đó yếu tố bí mật, bất ngờ, quyết định thành bại của đòn đánh. Vậy, trên không, trên biển địa hình trống trải thì liệu có xuất hiện chiến tranh du kích trên biển hay hải chiến du kích (HCDK) hay không và có thì hình thức nó ra sao?

Dù ở địa hình nào thì Việt Nam cũng có thể áp dụng linh hoạt các nghệ thuật chiến đấu (nếu có chiến tranh xảy ra).

Phục kích theo lối truyền thống thì chủ thể là con người, con tàu, ẩn nấp chờ giặc đến (thế tĩnh chờ thế động) đúng tầm là tấn công, nhưng theo lối hiện đại thì máy bay, tên lửa và thậm chí cả pháo binh (luôn ở thế động) vẫn có thể là chủ thể của trận phục kích. Khi đó, phục kích trên biển theo lối truyền thống đã biến thể, hòa tan vào hình thức tập kích. Tập kích là bí mật, bất ngờ, dùng lực lượng cơ động nhanh, uy lực mạnh, tấn công dồn dập vào quân địch khiến chúng tê liệt, tan rã hay thiệt hại nặng. Đây là đòn đánh sở trường của Việt Nam mà bất kỳ lực lượng nào, từ đặc công cho đến không quân, hải quân đều sử dụng.

Hải chiến hiện đại ngày nay, các lực lượng đối địch hiếm khi đối mặt nhau mà chỉ tiêu diệt nhau khi khoảng cách còn rất xa. Tuy nhiên, nhìn xa hơn, vũ khí có tầm bắn xa hơn, độ chính xác cao hơn, thường được dùng để phô tương thanh thế…mới chỉ là một lợi thế, không quyết định sự thành bại của các trận hải chiến. Kiếm dài, kiếm ngắn không quan trọng, quan trọng là kiếm pháp, nghĩa là, bằng cách nào đó mà bên nào đưa tên lửa vào trúng mục tiêu trước là thắng.

Những vũ khí tầm gần được cho là lựa chọn hợp lý cho chiến lược phòng thủ đảo của Việt Nam.

Vì thế, hải chiến, không chiến, trong phòng thủ từ hướng biển của Việt Nam, vấn đề quan trọng có tính quyết định trong đòn tấn công là các vị trí đợi chờ thời cơ, vị trí xuất phát tấn công ở đâu mà khi đối phương phát hiện ra thì chúng cũng đã nằm trong tầm hỏa lực (kiếm ngắn) của ta. Có thể thấy, yếu tố bí mật trong hải chiến hiện đại được nâng lên một khái niệm rộng hơn, đó là, bí mật không những do thế địa lý tạo ra trực quan mà bí mật còn do thế địa lý tạo ra bằng công nghệ (radar, thông tin liên lạc) để “che mắt, bịt tai địch”, nhằm đưa lực lượng ta vào gần nhất có thể, trong tầm hỏa lực, để công kích mục tiêu.

Tên lửa Kh-35E Uran-E do Nga sản xuất.

Đây là lợi thế cực lớn của không quân Việt Nam khi nhờ các trạm radar trên bờ như Sơn Trà mà không cần bật radar sục sạo tìm kiếm mục tiêu-yếu tố để lộ bí mật cao nhất, mà chỉ cất cánh, tiếp cận mục tiêu dưới sự chỉ huy từ mặt đất và chỉ bật radar là khóa mục tiêu.

Trận tập kích của 2 MIG-17 không quân Việt Nam ngày 16/4/1972 vào 04 tàu chiến của hạm đội 7 Mỹ (1 tuần dương, 2 khu trục, 1 hộ tống), trên vùng biển Quảng Bình từ một sân bay dã chiến bí mật trên bờ biển hẹp Quảng Bình. Chỉ trong vòng 17 phút lịch sử, 2 MIG-17 đã làm xé nát đội hình, gây thiệt hại nặng cho 1 tàu tuần dương và 1 khu trục bị trúng bom, trong khi 2 MIG-17 an toàn trở về. (Đây là lần đầu tiên kể từ thế chiến 2, HĐ7 của Mỹ bị tấn công).

Hiệu suất chiến đấu rất cao, chứng tỏ lợi thế địa lý khi các sân bay trên bờ đã, đang và sẽ tạo ra những quả đấm cực mạnh, cực nhanh, cực hiểm. Rõ ràng, khi có vũ khí hiện đại kết hợp với lợi thế địa lý đã làm thăng hoa lối đánh và lực cho Việt Nam gấp bội. Vì vậy, dù trong trong hoàn cảnh nào thì cũng hãy tin rằng Việt Nam cũng sẽ kiên quyết chiến đấu bảo vệ chủ quyền quốc gia đến cùng bằng mọi biện pháp, hóa dữ thành lành. Thế nhưng, chiến tranh là điều mà không một ai muốn xảy ra. Việt Nam luôn mong muốn giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn bằng biện pháp hoà bình. Như lời đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần đã tuyên bố, khẳng định quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong giải quyết các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông đều theo “con đường đối thoại hòa bình”, trên cơ sở luật pháp quốc tế và thái độ tôn trọng lẫn nhau.

LNT

Bài mới
Đọc nhiều