‘Không thể xác định thủy điện nhỏ có xả lũ trộm hay không’
Hồ thủy điện lớn không có chuyện xả lũ trộm, còn hồ nhỏ thì “không thể xác định được”, theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp.
Ngày 19/10, ông Nguyễn Hoàng Hiệp trả lời phỏng vấn về nguyên nhân mưa lũ và ngập lụt diện rộng ở miền Trung.
– Ông nhận định thế nào về đợt mưa lũ đang diễn ra ở miền Trung?
– Từ đầu tháng 10 đến nay, hai cơn bão, một áp thấp nhiệt đới đổ bộ dồn dập. Mưa đặc biệt lớn kéo dài liên tục, tổng lượng mưa trong đợt vừa rồi có những nơi trên 3.000 mm. Mặc dù các cơ quan chức năng đã di chuyển được hơn 120.000 hộ dân đến nơi an toàn, nhưng lũ trên địa bàn quá rộng. Nhiều nơi lụt đến mức mà người dân không biết chạy vào đâu nữa. Với trận mưa đêm qua và sáng nay (19/10), diện ngập lụt tiếp tục tăng lên.
Trên các tuyến sông chính, lũ đều vượt mức lịch sử, như sông Hiếu ở Quảng Trị vượt lũ lịch sử 1983 là 1 m, đỉnh lũ sông Bồ ở Thừa Thiên Huế ngày 9/10 vượt lũ lịch sửa năm 1979 là 0,6 m. Hôm nay, lũ trên trông Thạch Hãn (Quảng Trị), sông Kiến Giang cũng đều vượt mức lũ lịch sử năm 1979.
Mưa lũ đã khiến 134 người chết, mất tích; thiệt hại về tài sản của người dân vẫn chưa thống kê được hết.
Trong khi đó, mưa lớn vẫn tiếp diễn, thêm một áp thấp nhiệt đới đang hình thành và sẽ đi vào Biển Đông, hướng vào miền Trung từ 24 đến 26/10, dự báo sẽ gây mưa rất lớn, từ 300-800 mm.
Miền Trung có nguy cơ lũ chồng lũ, bão chồng bão. Hệ thống hạ tầng bị ngâm nước kéo dài, đất đai cũng bở bục, chỉ cần một tác động nhỏ cũng có thể gây ra sạt lở nguy hiểm. Với tình trạng ngập lụt diện rộng, kéo dài, chúng tôi đang lo đến sức chịu đựng của người dân trong điều kiện sinh hoạt rất khó khăn.
– Ngoài mưa lớn, nhiều ý kiến cho rằng, nước lên nhanh gây ngập lụt diện rộng ở miền Trung do thủy điện xả lũ. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
– Nói ngập lụt do hồ chứa xả lũ thì vừa đúng vừa sai. Tại sao lại vậy? Hồ chứa thủy lợi và hồ thủy điện khu vực này rất nhiều. Toàn bộ khu vực Trung Bộ, Nam Trung Bộ và một phần Bắc Trung Bộ có 2.332 hồ chứa. Trong đó khoảng 250 hồ chứa thủy điện, còn lại là hồ thủy lợi. Nguyên tắc của các hồ là tích nước vào mùa lũ, cấp nước vào mùa khô.
Nhưng chúng ta cần phải phân biệt rõ thế nào là xả lũ và cắt lũ. Khi lượng nước về hồ lớn hơn lưu lượng xả ra, tức là nạp vào rất nhiều mà xả ít, khi đó hồ chứa đang cắt lũ cho hạ du.
Trong một số trường hợp khẩn cấp, lượng nước xả xuống hạ du nhiều hơn lượng đổ về hồ, đó là xả lũ.
Ở miền Trung hai lưu vực sông rất quan trọng là sông Hương và lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn. Đợt mưa lũ vừa qua ở Thừa Thiên Huế, bằng cách điều hành của chúng tôi, đã cắt cho Huế lũ giảm xuống lúc tối đa 0,85 m. Chúng ta cứ hình dung như thế này, không có sự điều hành hồ chứa thì lũ ở TP Huế sẽ cao hơn gần 1 m nữa. Như vậy có thể thấy, nếu các hồ chứa, thủy điện phối hợp chặt chẽ và thực hiện nghiêm quy định tích nước, xả nước thì sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc cắt lũ.
Thực tế, các thủy điện phối hợp thực hiện rất nghiêm theo lệnh của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Nhưng một số thủy điện, đặc biệt thủy điện nhỏ công suất lắp máy từ 10 đến15 MW, hồ chứa không có dung tích phòng lũ. Nguyên tắc vận hành của thủy điện nhỏ là trước khi có lũ phải xả bớt đi, hạ du không có lũ cứ xả, lũ về mới tích nước lại.
Tuy nhiên, khi dự báo lũ, thủy điện nhỏ có thể tiếc nước, xả rất ít, hoặc xả không theo quy trình. Lũ về lớn, họ buộc phải xả, gây ra hiện tượng lũ chồng lũ cho hạ du.
Một số người đặt vấn đề, thủy điện có xả lũ trộm hay không. Với hồ thủy điện lớn, tôi khẳng định là không, còn hồ nhỏ thì không thể xác định được. Bởi hầu hết thủy điện nhỏ đều chưa có thiết bị đo lưu lượng nước vào và ra, truyền tự động về trung tâm điều hành địa phương.
Trong quy trình hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực lớn cả nước, hồ thủy điện lớn đều nằm ở đây nhưng chỉ vận hành trong điều kiện bắt đầu có thiên tai. Còn trạng thái bình thường, chủ đầu tư và địa phương chịu trách nhiệm. Thủy điện nhỏ thuộc quản lý, điều hành của các tỉnh.
Chúng tôi đã nhận ra những bất cập trong quản lý các thủy điện nhỏ và đã bàn với Bộ Công Thương để khắc phục trong tương lai gần.
– Quan điểm của ông về việc phát triển thủy điện ở Việt Nam hiện nay?
– Thủy điện đang hỗ trợ rất lớn cho kinh tế. Trong cơ cấu năng lượng của nước ta thủy điện chiếm 35%, đồng thời là nguồn năng lượng sạch.
Mỗi lần mưa lũ, nhiều người lại đặt vấn đề, lũ do thủy điện. Tôi cũng nghĩ rằng cần có những nghiên cứu khách quan hơn. Đắp đập, dành ra 50 đến 70 ha rừng để làm hồ, xây thủy điện chắc chắn ảnh hưởng đến môi trường. Quy định phải trồng thay thế nhưng rừng mới chỉ có độ che, không có thảm thực vật bao phủ.
Hiện những khu vực xây dựng được thủy điện đã xây dựng hết. Việc cấp phép mới để xây dựng thủy điện nhỏ rất ít. Luật Lâm nghiệp với quy định mới rất chặt chẽ, gần như không cho phép chuyển đổi rừng phòng hộ, rừng tự nhiên sang mục đích khác.
Khi cấp phép xây dựng thủy điện, các tỉnh phải tính toán rất kỹ, đặt biệt về thiên tai, tránh trường hợp lợi dụng thủy điện làm việc khác. Đối với thủy điện nhỏ đã được cấp phép, theo tôi phải tính toán tận dụng cột nước, thu hẹp diện tích lòng hồ. Lấy thế năng cột nước để phát điện, có thể tốn kém hơn nhưng giảm thiểu ảnh hưởng môi trường.
– Hai ngày qua, nước lũ ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị lên nhanh. Nhiều người dân không kịp di dời, phải lên mạng xã hội kêu cứu trong đêm. Vì sao như vậy?
– Ở tỉnh Quảng Trị mưa gần 800 mm trong ngày 17/10, và chỉ một đêm qua Quảng Bình và Hà Tĩnh mưa to đến gần 500 mm.
Tại Hà Tĩnh, hôm qua các hồ thủy lợi như Kẻ Gỗ, Ngàn Trươi, hồ thủy điện Hương Khê đều xả song với lượng không lớn. Lượng mưa cao đến mức kỷ lục khiến lũ lên nhanh, không phải hoàn toàn do hồ chứa xả lũ.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã yêu cầu địa phương cảnh báo người dân di chuyển lên chỗ an toàn. Tổng số di dời ở ba tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị là hơn 15.400 hộ.
Chúng ta cũng phải xem xét hết sức khách quan, bởi mưa lớn, lũ ở các tỉnh này đã được dự báo trước cả tuần. Có thể một số người dân ở lại để trông coi tài sản, khi lũ lên không kịp đi hoặc họ chưa nắm bắt được thông tin.
Tuy nhiên, cảnh báo sớm mà vẫn để tình trạng người dân kẹt lại, kêu cứu như thế thì chúng tôi sẽ phải kiểm tra, xem xét lại vấn đề cứu hộ cứu nạn, vai trò của chính quyền địa phương.
Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính hỗ trợ 5 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo để cứu trợ khẩn cấp; tạm cấp mỗi tỉnh này 100 tỷ đồng để thực hiện cứu hộ, cứu nạn và an sinh xã hội.
Tất Định/VNE