Không thể tự chủ công nghệ chip, Trung Quốc chỉ có thể nhờ vả Mỹ
Trung Quốc hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ chip Mỹ và khó có thể phát triển thành công ngành công nghiệp bán dẫn nội địa.
Theo South China Morning Post, ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những “chiến trường” khốc liệt nhất trong cuộc đối đầu thương mại – công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Các chuyên gia công nghệ nhận định rất khó để Trung Quốc chấm dứt sự phụ thuộc gần như hoàn toàn vào công nghệ chip Mỹ.
Trên thực tế, Trung Quốc từng nỗ lực phát triển công nghệ bán dẫn nhưng không thành công. Chiến dịch đầu tiên diễn ra vào thập niên 1980. Khi đó, Trung Quốc mời các công ty điện tử châu Âu thành lập liên doanh tại Thượng Hải. Chiến dịch thứ hai hồi thập niên 1990 cũng không đi về đâu.
SMIC hiện là nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, nhưng phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ nước ngoài. Hồi tháng 9, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng ra lệnh hạn chế xuất khẩu đối với SMIC.
Theo hướng dẫn của Bộ Thương mại Mỹ, các nhà cung cấp phải xin giấy phép xuất khẩu từ Washington nếu muốn tiếp tục làm ăn với tập đoàn Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng đây là cú đòn nặng giáng thẳng vào tham vọng tự chủ công nghệ của Trung Quốc.
Các chuyên gia công nghệ cho rằng rất khó để Trung Quốc bắt đầu từ đầu mà không có sự hỗ trợ kỹ thuật của nước ngoài. Với Trung Quốc, việc tách rời hoàn toàn khỏi ngành công nghệ bán dẫn Mỹ là nỗ lực kéo dài hàng chục năm.
Sự khởi đầu của Trung Quốc tỏ ra không mấy hứa hẹn. Thời gian qua, hàng nghìn công ty Trung Quốc với kinh nghiệm bằng không đã nộp đơn xin trợ cấp từ chính phủ để phát triển công nghệ bán dẫn.
Giới quan sát cho rằng đa phần chủ các công ty này chỉ mong trở nên giàu có sau một đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) và bong bóng sớm muộn cũng sẽ vỡ vụn. Các công ty nghiêm túc thực sự sẽ phải tìm cách mới để thiết kế và sản xuất bán dẫn có chất lượng tương đương sản phẩm của những đại gia như TSMC, Intel và Samsung.
Theo giới chuyên gia, thách thức lớn nhất đối với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc không phải là tiền đầu tư, mà là nhân lực chất lượng cao, Việc chiêu mộ vài trăm kỹ sư bán dẫn từ Đài Loan có thể giúp Trung Quốc sản xuất chip mới, nhưng chừng đó là không đủ để xây dựng một hệ sinh thái bán dẫn.
Các chuyên gia cho rằng một khi nhận ra bản thân không thể xây dựng ngành công nghệ bán dẫn thành công, Trung Quốc sẽ chỉ còn một sự lựa chọn duy nhất. Đó là hàn gắn lại quan hệ với Mỹ và tìm cách nhờ vả công nghệ bán dẫn Mỹ.
Hương Giang/ZN