Không thể trông chờ vào quỹ bình ổn xăng dầu, cách nào để ghìm giá xăng?
Các chuyên gia cho rằng hiện tại không thể trông chờ vào quỹ bình ổn xăng dầu nữa, mà phải tính toán các biện pháp khác.
Chiều 25/9, giá xăng E5 RON 92 trong nước tăng lên 20.716 đồng/lít, xăng RON 95 lên 21.945 đồng/lít, người ta nói nhiều về việc giá xăng cao nhất 3 năm. 15 ngày sau, giá nhiên liệu tăng thêm gần 1.000 đồng/lít và lên cao nhất 7 năm, các chuyên gia bàn luận về tác động tiêu cực đến phục hồi kinh tế, đời sống nhân dân, tình hình kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Lúc này, Bộ Công Thương lên tiếng trong công thức tính giá cơ sở, các loại thuế phí đang chiếm tỷ trọng quá lớn trong việc cấu thành giá xăng. Do vậy, Bộ này đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính sớm rà soát, giảm các loại thuế đối với mặt hàng này.
Tuy nhiên đến nay, trao đổi với báo chí, ông Trương Bá Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho biết Bộ Tài chính “đang thực hiện theo thẩm quyền, nghiên cứu trước đề xuất này để báo cáo Chính phủ. Thời điểm này chưa có thông tin gì”.
Tại sao lại là giảm thuế phí?
Trong khi Bộ Tài chính vẫn đang nghiên cứu đề xuất của Bộ Công Thương, giá xăng lại có thêm 2 lần tăng “phi mã”, hiện chỉ còn kém đỉnh lịch sử 1.971 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92 và kém 1.144 đồng đối với xăng RON 95 (thời điểm ngày 7/7/2014, xăng E5 RON 92 có giá 25.640 đồng/lít, xăng RON 95 giá 26.140 đồng/lít).
Cơ cấu giá xăng RON 95 phải “cõng” 4 sắc thuế gồm thuế nhập khẩu 10% (tương ứng 1.464 đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt 10% (tương ứng 1.464 đồng), VAT 10% theo giá bán (khoảng 2.500 đồng) và thuế bảo vệ môi trường cố định 4.000 đồng/lít.
Mỗi lít xăng cũng phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức (1.050 đồng/lít), lợi nhuận định mức (300 đồng/lít), mức trích lập quỹ bình ổn (300 đồng/lít) và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Lúc này, xăng RON 95 có giá bán lẻ trên thị trường tối đa 24.996 đồng/lít. Vậy tổng chi cho các khoản thuế, phí chiếm tới 44%, còn tính riêng tổng chi từ thuế thì chiếm 38% giá thành bán ra của một lít xăng RON 95.
Theo một quan chức Bộ Công Thương, để ghìm giá xăng xuống, hiện tại không thể trông chờ vào quỹ bình ổn xăng dầu, mà phải tính toán các biện pháp cao hơn như giảm 10-30% các loại thuế phí cấu thành vào giá xăng. Quan điểm này thực tế được nhiều chuyên gia và doanh nghiệp ủng hộ.
Bởi lẽ ở kỳ điều hành giá ngày 10/11, liên Bộ Tài chính – Công Thương đã phải tiếp tục chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với xăng E5 RON 92 ở mức 800 đồng/lít, xăng RON 95 là 100 đồng/lít. Nếu không tăng chi quỹ bình ổn, giá các mặt hàng xăng sẽ tăng 758-1.359 đồng/lít.
Thời gian qua, liên Bộ cũng đã sử dụng quỹ bình ổn giá theo hướng linh hoạt, giúp cho mặt hàng xăng dầu trong nước tăng thấp hơn đà tăng của thế giới. Tuy nhiên, hướng giải pháp này hiện không còn phù hợp khi với đà tăng liên tục của giá xăng, quỹ bình ổn xăng dầu tại 15 doanh nghiệp đầu mối lớn đang bị âm tới gần 1.480 tỷ đồng.
Trong đó, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) âm nặng nhất với 697,6 tỷ, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) âm 262 tỷ.
Giảm thuế gì, giảm thế nào và khi nào giảm?
Vị quan chức của Bộ Công Thương cho biết trong các loại thuế phí cấu thành lên giá xăng, không thể giảm thuế nhập khẩu bởi theo các cam kết tại hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, mức thuế này sẽ giảm dần về 0%.
Ở thời điểm hiện tại, mới chỉ có thuế nhập khẩu của dầu diesel gần về 0%, còn của xăng sẽ giảm về 0% vào năm 2024 theo cam kết Hiệp định thương mại tự do ASEAN. Do đó, phương án giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ là khả quan hơn.
“Việc hạ thấp thuế xăng dầu cần phải được tính toán một cách kỹ lưỡng, giảm loại thuế nào, bao nhiêu phần trăm và thời hạn ra sao. Bởi lẽ, việc hạ thấp thuế đối với xăng dầu cũng có những mặt hạn chế, như không khuyến khích các doanh nghiệp trong nền kinh tế sử dụng tiết kiệm năng lượng nói chung và xăng dầu nói riêng”, vị này nói.
Phát biểu khi Quốc hội thảo luận về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 ngày 30/10, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng giá xăng dầu đang tăng rất nhanh, trong khi đó hiện nay Chính phủ vẫn còn công cụ để kiềm chế.
Ông lấy ví dụ giá xăng chịu nhiều loại thuế phí như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường… Đại biểu Ngân cho rằng các công cụ trên cần được sử dụng khi giá dầu thế giới có xu hướng vẫn còn tăng lên.
Đồng quan điểm, PGS TS Ngô Trí Long nhận định thuế bảo vệ môi trường đang ở mức quá cao, hơn nữa lại được tính một cách cơ học theo giá trị tuyệt đối, với xăng E5 RON 92 là 3.800 đồng/lít, xăng RON 95 là 4.000 đồng/lít.
Việc áp thuế bảo vệ môi trường lên xăng sinh học bằng 95% thuế áp lên xăng RON 95 cũng chưa đúng với mục tiêu bảo vệ môi trường. Trên thế giới, nhiều nước khi áp dụng thuế bảo vệ môi trường, họ tính theo mức giảm phát thải carbon (độ giảm thải carbon đối với nhiên liệu sinh học khi có 5% ethanol thì giảm thải so với xăng khoáng khoảng 60-70%).
Đây là thời điểm thích hợp để xem xét, miễn giảm một số loại thuế phí liên quan đến mặt hàng xăng dầu.
TS Vũ Đình Ánh
TS Vũ Đình Ánh thì đánh giá đây là thời điểm thích hợp để xem xét, miễn giảm một số loại thuế phí liên quan đến mặt hàng xăng dầu.
Gần nhất, vào ngày 1/11, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, từ ngày 2/1/2022, kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ được giảm từ 15 ngày xuống còn 10 ngày, tức là mỗi tháng điều chỉnh ba lần. Đồng thời, công thức tính giá cơ sở mới sẽ dựa trên giá và tỷ trọng của cả nguồn sản xuất trong nước (từ các nhà máy lọc hóa dầu) và nguồn nhập khẩu.
Tuy các loại thuế, phí trong cơ cấu giá xăng ở Nghị định 95 không được cắt giảm, công thức tính giá cơ sở mới không chỉ còn phụ thuộc vào giá thế giới. Do đó, một phần thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT dựa trên giá cơ sở xăng dầu có thể được cắt bớt, giảm áp lực lên giá bán lẻ.
Khai Tâm