Không thể “nhìn mặt mà bắt hình dong”
Ở Việt Nam có hình thức bầu cử khác và ở Mỹ cũng có hình thức bầu cử khác nhau. Thể chế chính trị, tổ chức bộ máy của hai quốc gia cũng không giống nhau. Vậy nhưng một số kẻ lại cố tình tiến hành so sánh khập khiễng cách thức lựa chọn lãnh đạo giữa hai đất nước để từ đó tấn công chống phá chế độ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đã có cuộc tranh luận trên truyền hình đầu tiên tại bang Ohio. Nếu nhìn một cách thẳng thừng, đây là công việc nội bộ của nước Mỹ và chẳng có liên quan gì đến tình hình kinh tế, chính trị cũng như sự ổn định xã hội tại Việt Nam. Ấy vậy nhưng một số “đứa con lạc loài” lại cố tình lợi dụng việc này để so sánh một cách khập khiễng với vấn đề bầu cử tại Việt Nam và từ đó quy chụp tiêu cực cho bản chất của chế độ.
Qua mạng xã hội, một số kẻ “con rơi của nước Mỹ” tung ra các luận điệu như: “Không bàn về ai chiếm ưu thế trong cuộc tranh luận giữa TT Trump và cựu Phó TT Biden tối ngày 29/9/2020, mà chỉ hỏi bao giờ Việt Nam có một cuộc tranh luận tương tự cho chức vụ Chủ tịch nước?” hay “Chừng nào Việt Nam chưa có tranh cử loại trực tiếp giữa các ứng viên cho chức vụ Chủ tịch nước, thì chừng đó Việt Nam vẫn còn mãi tụt hậu xa so với các nước đi đầu”. Những người này liên tục cổ vũ, ca ngợi cho nền “dân chủ” của nước Mỹ và không ngần ngại chỉ trích, phê phán tình hình bầu cử tại Việt Nam.
Sự dân chủ của nước Mỹ?
Việc bầu cử ở Mỹ diễn ra khá phức tạp. Trước khi bầu cử diễn ra, các ứng cử viên sẽ tiến hành vận động tranh cử. Đồng thời, những cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên cũng sẽ được diễn ra để họ thể hiện và bảo vệ quan điểm lãnh đạo đất nước của mình. Mới nghe qua, chúng ta sẽ có cảm giác đây là cuộc bầu cử thực sự dân chủ, người dân được trực tiếp thể hiện quyền lựa chọn Tổng thống của bản thân.
Tuy nhiên, khi nhìn vào bản chất của vấn đề thì sự “dân chủ” ở trên cũng chỉ là tương đối. Ở nước Mỹ có sự phân biệt giữa phiếu phổ thông và phiếu đại cử tri. Phiếu phổ thông là lá phiếu của tất cả cử tri, được bầu theo cách thức phổ thông, đa số tương đối, trực tiếp và kín. Lá phiếu phổ thông chỉ có nhiệm vụ chọn ra đại diện cử tri, hay còn gọi là đại cử tri cho bang mình. Các đại cử tri tập hợp lại thành cử tri đoàn của bang.
Đại cử tri là những người đã công khai cam kết ủng hộ cho một ứng cử viên từ trước. Mỗi bang sẽ cử ra số đại cử tri bằng đúng tổng số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ của bang, tuy nhiên, sẽ không có một thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ hoặc một quan chức nào đang đảm nhiệm chức vụ có lợi tức được bầu làm đại cử tri. Và sau đó, các đại cử tri sẽ bỏ phiếu bầu Tổng thống.
Thực tế, không phải ứng viên nào thắng phiếu phổ thông cũng sẽ được ngồi vào vị trí Tổng thống. Điều này cũng có nghĩa không phải lá phiếu của người dân quyết định trực tiếp đến việc ai là Tổng thống.
Trong lịch sử, đã có ít nhất 5 trường hợp không thắng phiếu phổ thông nhưng vẫn lên ngôi Tổng thống vì thắng phiếu đại cử tri gồm các ông John Quincy Adams (1824), Rutherford B. Hayes (1876), Benjamin Harrison (1888), George W. Bush (2000) và Donald Trump (2016).
Như vậy thử hỏi, liệu sự dân chủ ở Mỹ mà các đối tượng vẫn rêu rao có phải là tuyệt đối?
Mọi so sánh đều là khập khiễng
Tại Việt Nam, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, đại diện cho nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.
Đây là hình thức dân chủ đại diện. Theo đó, toàn thể nhân dân Việt Nam sẽ bầu ra các đại biểu Quốc hội và sau đó, những đại biểu Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam.
Đặc biệt, với đặc thù thể chế chính trị tại Việt Nam là một Đảng lãnh đạo. Đảng cộng sản là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Do đó, việc bầu Chủ tịch nước như trên là phù hợp với đặc điểm, tình hình, truyền thống của Việt Nam.
Việc các đối tượng so sánh vấn đề bầu cử tại Việt Nam và Mỹ để từ đó bôi nhọ, tấn công chống phá chế độ là điều không thể chấp nhận được. Mỗi quốc gia đều có những đặc điểm riêng, những lựa chọn tổ chức quyền lực riêng. Không thể có một hình mẫu cứng nhắc về cái gọi là “dân chủ” để bê nguyên, áp đặt từ nước này vào nước khác.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả