+
Aa
-
like
comment

Không thể làm ngơ với phóng viên “làm tiền” doanh nghiệp

Khánh Đăng - 31/07/2022 16:48

Những ngày gần đây, sự việc 3 phóng viên bị Công an tỉnh Cao Bằng bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi tống tiền doanh nghiệp có dấu hiệu sai phạm ở Cao Bằng. Câu chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu những sai phạm của doanh nghiệp đó được tố giác, trình báo lên cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Ba phóng viên bị bắt quả tang tống tiền doanh nghiệp ở Cao Bằng.

Sự việc vừa qua tại Cao Bằng chỉ là một trong vô vàn những sự việc có liên quan đến hành vi tống tiền doanh nghiệp, ép ký kết hợp đồng quảng cáo… của các phóng viên, nhà báo bị tha hóa phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp. 3 phóng viên trên là đại diện cho một “thế lực” mới nổi trong những năm gần đây, khi vai trò và vị thế của báo chí và truyền thông ngày một lớn. Họ lợi dụng danh nghĩa phóng viên để tống tiền một số lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp dưới cái mác của công cuộc phòng, chống tham nhũng. Họ lạm dụng vai trò nghề nghiệp của mình để lôi kéo, xúi bẩy cộng đồng thực hiện chiến dịch tẩy chay doanh nghiệp với động cơ xấu xí. Chưa hết, họ còn tự cho phép mình thực hiện hành vi phá hoại, đe dọa khi những doanh nghiệp này không đáp ứng được các yêu cầu lợi ích do họ đưa ra. Nhờ những chiêu trò này, chỉ sau vài năm hành nghề, không ít phóng viên, nhà báo đã trở nên giàu có và rất “quyền lực”. Bởi không chỉ là ngòi bút, mà lúc này, lời nói của cánh truyền thông cũng có “sức nặng” đáng kể đến sự ổn định, tương lai của nhiều doanh nghiệp.

Những năm qua, sai phạm của một bộ phận phóng viên với hàng loạt sự việc đa dạng về hành vi và mức độ là một thực tế không thể phủ nhận. Điều đáng nói, phóng viên mang trách nhiệm và bổn phận to lớn trong việc phản ánh hiện thực, cung cấp thông tin trung thực cho cộng đồng lại không giữ đạo đức nghề báo, bóp méo ngòi bút và trở thành nô lệ cho đồng tiền. Những hành vi ấy đã và đang tác động tiêu cực tới uy tín, hình ảnh của người làm báo cũng như ngành báo chí nói chung. Thậm chí, tâm lý ngại phóng viên, không muốn tiếp xúc với phóng viên đã trở thành cảm xúc thường trực của không ít cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”.

Kể từ năm 2021, theo tinh thần của Đại hội XIII về việc xây dựng và phát triển một nền báo chí, truyền thông “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”, Việt Nam đã và đang xây dựng các văn bản, quy định nhằm tăng cường quản lý đối với lĩnh vực báo chí. Trong đó, nổi bật hơn cả là nỗ lực triển khai thực hiện thành công “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025”. Cùng với những quy định của pháp luật, việc Hội Nhà báo Việt Nam ban hành “Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo” và “Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam” cũng đã góp phần giúp sinh hoạt báo chí có bước chuyển biến nhất định. Nhiều sai phạm đã được xử lý, bài viết kém chất lượng, sai sót đã kịp thời được đính chính, nhiều cá nhân, tổ chức bị kỷ luật với nhiều mức độ khác nhau. Sự việc vừa qua tại Cao Bằng là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận từ cơ quan chức năng thời gian qua.

Trước tình hình trong nước và thế giới ngày càng chuyển biến mau lẹ, vai trò và trách nhiệm của người làm báo phải ngày một nâng cao. Mỗi nhà báo cần có ý thức nghiêm túc về trách nhiệm xã hội của mình, từ đó nỗ lực nâng cao trình độ và giữ vững tác phong, đạo đức nghề nghiệp, kiên quyết nói “không” với tiêu cực trong quá trình lao động và cống hiến. Các bộ ban ngành, đặc biệt là Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin và truyền thông cũng cần sớm có những văn bản, quy định cụ thể hơn nữa về giải pháp và chế tài để hoạt động báo chí nước ta thêm lành mạnh, để những sự việc như ở Cao Bằng không còn cơ hội diễn ra và quan trọng hơn cả, để niềm tin của nhân dân được củng cố.

Đăng Võ

Bài mới
Đọc nhiều