Không thể để thị trường thực phẩm bị thao túng bởi những kẻ mua chuộc
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phạm Thị Loan, Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Quốc tế Canada Việt Nam, và Trần Quang Hải, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Thực phẩm Quốc tế Fosy về hành vi đưa hối lộ.

Đây là bước tiến mới trong quá trình mở rộng điều tra vụ án hình sự làm giả tài liệu, đưa và môi giới hối lộ xảy ra tại Công ty TNHH Khoa học TSL, cùng nhiều tổ chức, cá nhân khác trên địa bàn Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo thông tin từ Bộ Công an, các lực lượng nghiệp vụ đã khám xét khẩn cấp 25 địa điểm liên quan đến các cá nhân và đơn vị có liên quan, trong đó có Cục An toàn thực phẩm và Cục Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thuộc Bộ Y tế.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, đây là đường dây tội phạm có tổ chức, kéo dài gần một thập kỷ, thực hiện việc cấp khống hơn 10.000 giấy công bố sản phẩm thực phẩm cho các doanh nghiệp không đủ điều kiện pháp lý – đổi lại là hàng chục tỉ đồng tiền “bôi trơn”.
Cơ quan điều tra xác định, chỉ riêng ông Nguyễn Thanh Phong – nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, giai đoạn 2015–2024 đã nhận hơn 60 tỉ đồng.
Tiền “lại quả” được chia theo tỷ lệ: 50% cho lãnh đạo cục, phần còn lại phân bổ về các phòng, cá nhân liên quan. Theo lời khai của bị can Phạm Văn Hinh – đại diện một doanh nghiệp, “khi ký giấy xong thì doanh nghiệp sẽ gửi tiền cho chuyên viên, sau đó gửi lại cho lãnh đạo cục”.
Các khoản hối lộ được hợp thức hóa thông qua hình thức “chi phí hồ sơ”, “phí hỗ trợ xét duyệt”, nhưng thực chất là tiền mua chuộc quy trình kiểm duyệt, làm giả hồ sơ, đưa sản phẩm kém chất lượng ra thị trường.
Những giấy công bố sản phẩm được cấp trái quy định đã giúp hàng loạt thực phẩm chức năng, bảo vệ sức khỏe tràn lan trên thị trường, không qua kiểm định thực tế. Đáng nói, nhiều sản phẩm quảng cáo có công dụng đặc biệt như tăng cường chức năng gan, tim mạch, đề kháng… nhưng không có bằng chứng khoa học rõ ràng.
Điều này đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương như người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh nền… khiến vụ án không chỉ mang tính chất kinh tế – hành chính mà trở thành vấn đề an sinh xã hội nghiêm trọng.
Với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng trên diện rộng, vụ án đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo. Đây là minh chứng rõ ràng cho quyết tâm chính trị trong việc xử lý triệt để những sai phạm có tổ chức, làm sạch bộ máy công quyền và bảo vệ lợi ích người dân.
Việc khởi tố, bắt tạm giam các đối tượng đầu vụ như Phạm Thị Loan, Trần Quang Hải hay việc điều tra trách nhiệm hình sự của các lãnh đạo trong Bộ Y tế cho thấy cơ quan điều tra đang kiên quyết làm rõ toàn bộ chuỗi sai phạm, không né tránh, không bao che.
Vụ án là hồi chuông cảnh tỉnh với toàn ngành y tế và các cơ quan quản lý nhà nước: không thể để những sai phạm như “chạy giấy phép”, “hợp thức hóa hồ sơ” làm ảnh hưởng đến sức khỏe hàng triệu người.
Hành vi đưa và nhận hối lộ, làm giả tài liệu cơ quan nhà nước không chỉ vi phạm pháp luật nghiêm trọng, mà còn phản bội niềm tin của nhân dân. Do đó, xử lý nghiêm minh không chỉ là hành động cần thiết về mặt pháp luật, mà còn mang giá trị giáo dục, răn đe và tạo hiệu ứng lan tỏa về tăng cường đạo đức công vụ, phòng chống tham nhũng.
Đại án “chạy giấy công bố thực phẩm” là một trường hợp điển hình về sự tha hóa trong quản lý nhà nước, đồng thời cũng là cơ hội để rà soát, cải cách mạnh mẽ quy trình cấp phép, hậu kiểm sản phẩm thực phẩm và thực phẩm chức năng.
Trong bối cảnh xã hội ngày càng quan tâm tới chất lượng sống, vụ án này đặt ra yêu cầu cấp bách về xây dựng cơ chế minh bạch, công khai, số hóa quy trình quản lý thực phẩm, không để “giấy phép” trở thành công cụ trục lợi.
Đồng thời, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng và chỉ đạo sát sao từ Ban Chỉ đạo Trung ương, người dân hoàn toàn có cơ sở tin tưởng rằng: pháp luật sẽ xử lý nghiêm minh, đúng người – đúng tội, và những ai làm sai sẽ phải trả giá xứng đáng.
Thảo Nguyên