Không thể có chuyện lợi ích ăn chia rồi “tàng hình” trách nhiệm!
Thiết nghĩ, việc chống tham nhũng, chống tiêu cực cần triệt để, không tạo khoảng trống pháp lý để các nhóm lợi ích luồn lách, trục lợi, “ăn” trên quyền lợi của nhân dân.
Bất cập này vừa được đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu ra tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 19/11 vừa qua về Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP).
Trước hết, cần phải khẳng định rằng, việc thu hút đầu tư theo đối tác công – tư (PPP) là một chủ trương đúng và phù hợp với xu thế, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn ngân sách Nhà nước đang ngày càng eo hẹp. Việc kêu gọi xã hội hoá với sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân vào các công trình (trong đó có giao thông) mang lại lợi ích cho người dân, xã hội và Nhà nước.
Báo Đầu tư số ra ngày 2/10/2019 dẫn số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện đã có hơn 300 dự án PPP được triển khai thực hiện tại Việt Nam, tập trung chủ yếu là hình thức BT (xây dựng – chuyển giao), hay còn gọi là đổi đất lấy hạ tầng và hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) trong lĩnh vực giao thông, năng lượng điện và một số lĩnh vực khác.
300 dự án là con số không hề nhỏ. Mỗi dự án với quy mô nhiều tỷ đồng (không ít dự án có tổng vốn đầu tư hàng chục đến hàng trăm nghìn tỷ đồng), nếu không thu hút được nguồn lực tư nhân thì gánh nặng lên ngân sách thật khủng khiếp.
Tuy nhiên, phải nhìn thẳng, từ chủ trương đến thực tế vẫn còn một khoảng cách lớn. Thời gian qua, nhiều “góc khuất” trong thực hiện PPP đã dần “lộ sáng”.
Chuyện những công trình giao thông vừa mới bàn giao đã hỏng không phải hiếm xảy ra. Rồi dự án BOT “đội vốn”, “móc túi” người dân; chủ đầu tư dự án BOT “tay không bắt giặc”, thời gian thu phí dự án BOT sau kiểm toán bị rút ngắn hàng chục năm, thất thoát tài sản Nhà nước từ các dự án “đổi đất lấy hạ tầng” v.v…
Thành ra, từ một chủ trương tốt đẹp, nhiều hình thức như BT, BOT trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Đáng nhẽ ra, phải là biểu tượng của sự minh bạch thì các dự án này lại là cơ hội để các nhóm lợi ích “bắt tay” kiếm chác, trục lợi.
Vấn đề là, đúng như đại biểu Phạm Văn Hoà chỉ rõ, bất chấp dự án gây thiệt hại cho nhà nước, nhân dân nhưng người thẩm định dự án vẫn vô can, họ “tàng hình” một cách khó hiểu, không bị truy cứu.
Do đó, không thể để kéo dài thêm nghịch lý “lợi ích chia nhau” còn “trách nhiệm thì trốn tránh”.
Từ thực tế nói trên, đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng, việc thành lập Hội đồng thẩm định dự án là rất cần thiết, nhưng phải tính tới các thành viên của Hội đồng, ngoài quyền lợi còn phải tính đến trách nhiệm của mỗi thành viên.
Phải làm rõ quy định Hội đồng được thuê tư vấn hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ thẩm định dự án trong đó cân nhắc trường hợp Hội đồng thẩm định thuê hay để cho cơ quan quản lý Nhà nước thuê để đảm bảo khách quan, phòng ngừa đơn vị tư vấn là “sân sau” của Hội đồng.
Người viết cho rằng, đây là những nội dung cần được lưu ý trong dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Thiết nghĩ, việc chống tham nhũng, chống tiêu cực cần triệt để, không tạo khoảng trống pháp lý để các nhóm lợi ích luồn lách, trục lợi, “ăn” trên quyền lợi của nhân dân.
Bích Diệp