+
Aa
-
like
comment

Không thể chứng minh người thân đã chết do Covid đã khiến Ấn Độ chịu “khủng hoảng”

10/10/2021 19:49

Họ mất đi trụ cột gia đình trong đại dịch, và rồi phải kiệt quệ đeo đuổi một khoản tiền không biết khi nào mới xuất hiện. Đó là tình trạng của rất nhiều người dân Ấn Độ hiện giờ.

Mùa xuân năm 2021, Ấn Độ trải qua làn sóng Covid-19 lần 2, cũng là làn sóng chết chóc nhất. Ankit Srivastava khi đó vất vả chạy khắp các bệnh viện, kiếm tìm sự trợ giúp cho người mẹ của mình.

Nhưng thời điểm đó, giả như có ai muốn giúp đỡ thì cũng lực bất tòng tâm. Các bệnh viện đều kín chỗ, oxy y tế, thuốc men, kit xét nghiệm, tất cả mọi thứ đều cạn kiệt.

“Họ bảo là ở đâu cũng vậy, bệnh nhân còn phải nằm trên sàn, không còn giường trống nào cả,” – người đàn ông 33 tuổi thở dài. Rồi mẹ anh ra đi, trước khi kịp xét nghiệm Covid-19.

Tuần qua, chính phủ Ấn Độ công bố chương trình bồi thường cho gia đình các nạn nhân tử vong vì Covid-19. Họ sẽ nhận được 50.000 rupee (khoảng hơn 15 triệu đồng tiền Việt) – hơn một nửa số tiền mà một người bình thường có thể kiếm trong 1 năm theo số liệu thu nhập bình quân Ấn Độ năm 2019 – 2020.

Những cái chết không được thừa nhận: Dân Ấn Độ đang phải trả giá vì không thể chứng minh người thân đã chết do Covid - Ảnh 1.

Về lý thuyết, chương trình này có thể giúp đỡ những người như Srivastava. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ các chuyên gia tin rằng số người chết vì Covid-19 tại Ấn Độ trong giai đoạn ấy cao hơn con số ghi nhận chính thức (450.000) rất nhiều. Nói cách khác, nhiều gia đình chắc chắn sẽ không thể nhận tiền bồi thường, vì họ không có giấy chứng tử liên quan đến Covid-19.

Những cái chết không được thừa nhận

Tiêu chuẩn nhận khoản tiền bồi thường này thoạt nhìn thì rất rõ ràng. Các gia đình sẽ được nhận tiền nếu người thân của họ tử vong trong vòng 30 ngày kể từ khi có triệu chứng Covid-19, bất kể là chết tại nhà hay bệnh viện. Ngoài ra, các gia đình có người thân tử vong tại bệnh viện khi đang được chữa Covid-19 – bất kể có vượt 30 ngày hay không – cũng đủ tiêu chuẩn nhận tiền.

Để được ghi nhận là một ca nhiễm Covid, nạn nhân phải có kết quả xét nghiệm dương tính, hoặc được chứng nhận chẩn đoán từ bác sĩ. Và để đăng ký nhận bồi thường, thân nhân cần có giấy chứng tử ghi Covid là nguyên nhân gây tử vong.

Những cái chết không được thừa nhận: Dân Ấn Độ đang phải trả giá vì không thể chứng minh người thân đã chết do Covid - Ảnh 2.

Rất rõ ràng, nhưng với rất nhiều người Ấn Độ, các quy định như vậy là một vấn đề lớn. Bởi ngay từ trước khi đại dịch bùng nổ mạnh mẽ, số ca tử vong tại Ấn Độ cũng không được ghi nhận đầy đủ.

Thời kỳ bình thường tại Ấn Độ, chỉ có khoảng 86% ca tử vong trên toàn quốc được ghi nhận trong hệ thống của chính phủ, do vấn đề thiếu hụt kinh phí. Và chỉ 22% là có ghi nguyên nhân tử vong được chứng thực bởi bác sĩ.

Câu chuyện này trở nên nghiêm trọng hơn khi Covid xuất hiện. Một số nghiên cứu từ Mỹ cho rằng có thể đã có hàng triệu người giống như mẹ của Srivastava đã chết mà không được ghi nhận vào con số chính thức. Như hồi tháng 7, nghiên cứu từ Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Hoa Kỳ) ước tính con số tử vong thực tế tại Ấn Độ có thể nhiều hơn năm ngoài từ 3,4 đến 4,9 triệu người.

Những cái chết không được thừa nhận: Dân Ấn Độ đang phải trả giá vì không thể chứng minh người thân đã chết do Covid - Ảnh 3.

Nhưng rất nhiều người dù có giấy chứng tử nhưng phần nguyên nhân lại không liên quan đến Covid-19, vì họ không được chính thức làm xét nghiệm. Thay vào đó, nguyên nhân tử vong thường sẽ là suy phổi, bệnh hô hấp, suy tim… – theo Jyot Jeet, chủ tịch quỹ SBS chuyên hỗ trợ hỏa táng miễn phí cho người dân trong đại dịch.

Dù chính phủ Ấn Độ hứa rằng sẽ không có gia đình nào bị bỏ lại phía sau chỉ vì không có giấy chứng tử Covid. Theo đó, một hội đồng cấp địa phương sẽ tiến hành xem xét, giám định từng trường hợp dựa trên bệnh án, rồi sẽ cấp một giấy chứng tử mới.

Nhưng nhiều ngày trôi qua, việc quy định không rõ ràng đã khiến nhiều người Ấn Độ cảm thấy mệt mỏi. Không có bất kỳ thông tin nào về tiêu chuẩn được sử dụng, hay bằng chứng mà các gia đình cần cung cấp. Họ mất đi trụ cột gia đình vì đại dịch, giờ lại vất vả tranh đấu mong nhận được khoản hỗ trợ mà không biết có thành công hay không.

Muốn nhận tiền thì phải… chi tiền

Tháng 4/2021, Pooja Sharma cảm thấy cô đơn đến cùng cực sau khi chồng cô qua đời vì Covid-19. Cô mất phương hướng, không biết phải làm sao để nuôi được 2 cô con gái đang tuổi ăn tuổi lớn.

Chồng cô là một cửa hàng, cũng là trụ cột gia đình cho đến khi nhiễm bệnh và tình trạng xấu dần đi. Trước lúc không còn tỉnh táo, anh chỉ còn có thể dặn cô hãy chăm sóc tốt cho 2 con.

“Nhưng tôi không biết phải làm sao nữa,” – người mẹ 33 tuổi tại Delhi đau khổ nói. “Tôi không được đi học, cũng không biết làm thế nào mới kiếm được tiền.”

Những cái chết không được thừa nhận: Dân Ấn Độ đang phải trả giá vì không thể chứng minh người thân đã chết do Covid - Ảnh 4.
Pooja Sharma và hai con

Trong giấy chứng tử của chồng cô có ghi nguyên nhân là vì Covid-19. Nghĩa là, cô đủ điều kiện để được nhận trợ cấp. Nhưng không, cuộc chiến ấy vẫn còn rất dài.

Dù chương trình cam kết các gia đình sẽ nhận được tiền trong vòng 30 ngày kể từ khi cung cấp đủ giấy tờ, nhưng kỳ hạn ấy chắc chắn sẽ bị chậm trễ vì hệ thống hành chính quan liêu đến lạ kỳ.

“Những gia đình nghèo khổ là nhóm bị tổn hại nặng nề nhất – từ dịch bệnh cho đến hệ thống hành chính,” – Jeet nhận xét. Bởi rất ít người biết chữ (khoảng 73% người Ấn Độ mù chữ theo số liệu năm 2011), họ khó lòng làm đúng được các quy định hành chính lòng vòng, phức tạp – bao gồm việc thu thập giấy tờ, điền đúng đơn và cung cấp đủ thông tin cho nhà chức trách.

Những cái chết không được thừa nhận: Dân Ấn Độ đang phải trả giá vì không thể chứng minh người thân đã chết do Covid - Ảnh 5.
Và hơn nữa, các thủ tục càng lằng nhằng, nghĩa là người dân sẽ phải chi những khoản tiền nhất định để làm đúng.

“Chi phí nhận bồi thường không nên lớn hơn khoản bồi thường,” – Pranay Kotasthane, phó giám đốc tổ chức tìm giải pháp Ấn Độ Takshashila Institution cho biết.

Sharma đã chạy theo các thủ tục này trong mệt mỏi, suốt từ tháng 6 đến giờ. “Tôi đã điền mọi giấy tờ nhờ sự giúp đỡ của mọi người. Tôi đến các văn phòng công hàng ngày, mà vẫn chẳng nghe thấy tin tức gì. Không biết có được nhận tiền không nữa.”

“50.000 rupee cũng chẳng thể mang chồng tôi trở lại. Cuộc đời tôi vốn đã không còn như trước.”

Sai người, sai thời điểm

Nhiều người Ấn Độ có chung một cảm xúc với Sharma. Họ cảm thấy số tiền bồi thường là quá ít, và đến cũng quá chậm.

Làn sóng dịch bệnh lần 2 đã đày đọa người Ấn Độ theo cái cách kinh hoàng nhất. Nó phơi bày những sai lầm của nhà chức trách, khi để dịch bệnh vượt ngoài khả năng kiểm soát và gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Có nhiều nguyên nhân gây ra thảm kịch lần đó. Nhà chức trách phản ứng quá chậm trễ, không chuẩn bị trước dẫn đến thiếu hụt vật tư y tế. Dịch bệnh lây nhiễm mạnh trong cộng đồng khiến số ca tăng vọt và làm hệ y tế sụp đổ. Những ngày đỉnh dịch, mỗi ngày có hơn 4000 người chết được ghi nhận, trong đó nhiều người phải chết ngoài đường.

Những cái chết không được thừa nhận: Dân Ấn Độ đang phải trả giá vì không thể chứng minh người thân đã chết do Covid - Ảnh 6.

Vật tư y tế thiếu hụt cũng là lúc thị trường chợ đen lên ngôi, đội giá oxy và thuốc men. Khi các bệnh viện chẳng còn gì, nhiều người Ấn Độ không còn cách nào khác ngoài việc dốc hết tiền tiết kiệm hoặc đi vay mượn để mua thuốc hoặc oxy, những mong giữ lại mạng sống người thân của mình.

Hệ quả là sau dịch, một số người phải đối mặt với những khoản nợ chồng chất, trong khi trụ cột gia đình đã mất và phải nuôi nhiều đứa trẻ một mình

“Chỉ sau một đêm, họ trở thành con nợ ‘khủng’, từ chỗ có tiền mỗi tháng trở thành vô sản,” – trích lời Simran Kaur, nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ góa phụ thời Covid-19 Pins and Needles.

Những cái chết không được thừa nhận: Dân Ấn Độ đang phải trả giá vì không thể chứng minh người thân đã chết do Covid - Ảnh 7.

“Số tiền trả một lần từ chính phủ sẽ không giải quyết được gì. Nó không giúp các góa phụ cho con đi học, trả được tiền nhà hay mua được đồ ăn. Nghe thì ổn trên giấy tờ, nhưng nó không đủ.”

Số tiền ấy chắc chắn sẽ tốt cho những người thuộc dạng nghèo nhất đất nước. Nhưng rất nhiều gia đình – đặc biệt là ai mất đi quá nhiều người thân, thì 50.000 chẳng giải quyết được gì.

Lại nói về Srivastava, anh và em gái cũng đã nhiễm bệnh trong làn sóng dịch lần 2, và đều đã phục hồi.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều