Không thể chờ sạch bóng virus mới nối lại hoạt động kinh tế
Chuyên gia kinh tế cho rằng các địa phương không thể mãi chờ đợi đến khi sạch bóng virus mới nối lại các hoạt động, vì trở về trạng thái “Zero Covid” là điều không thể ở nhiều nơi.
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt mục tiêu cơ bản kiểm soát dịch ở tất cả địa phương trong tháng 9. Lãnh đạo Chính phủ cũng xác định quan điểm “chung sống lâu dài với dịch” để sẵn sàng bước vào trạng thái bình thường mới.
Trong cuộc trò chuyện với PV, TS Lê Duy Bình (chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Vietnam), cho rằng quan điểm này là cơ sở để thay đổi biện pháp chống dịch hiệu quả hơn.
Trở về “Zero Covid” là điều không thể trong ngắn hạn
– Theo ông, khái niệm “bình thường mới” trong giai đoạn hiện nay sẽ thay đổi thế nào?
– Bình thường mới hay chung sống lâu dài với Covid-19 không có nghĩa là chúng ta từ bỏ mục tiêu “Zero Covid”. Song chúng ta phải chấp nhận thực tế rằng kịch bản “Zero Covid” là điều không thể với nhiều địa phương trong thời gian trước mắt.
Các địa phương này không thể mãi chờ đợi đến khi sạch bóng virus hay khi chỉ còn một vài ca mới bắt đầu nối lại các hoạt động kinh tế và sinh kế của người dân. Đó là sự lãng phí về cơ hội và nguồn lực trong khi chúng ta hoàn toàn có lựa chọn tốt hơn.
Sống chung lâu dài với Covid-19 cũng không có nghĩa là chúng ta lập tức mở cửa lại hoàn toàn các hoạt động kinh tế một cách vô điều kiện, bất chấp những rủi ro dịch bệnh.
Đó là quá trình chúng ta học cách sống chung với virus, điều chỉnh linh hoạt chiến lược và mô hình chống dịch, mục tiêu là khống chế hoàn toàn Covid-19 nhưng với một cách thức khác, một con đường khác thực tiễn hơn, bớt tốn kém hơn, ít thiệt hại, bớt căng thẳng hơn cho doanh nghiệp, người dân và chính quyền.
Chuyển sang quan điểm thích ứng và chung sống lâu dài với Covid-19 cũng là cơ sở để chúng ta thay đổi biện pháp chống dịch theo hướng có thể mang lại hiệu quả kể cả về phương diện sử dụng nguồn lực và về dịch tễ.
– Kinh tế Việt Nam đã bị tác động nặng nề qua 4 đợt dịch, đặc biệt đợt dịch lần thứ 4 khiến thời gian giãn cách xã hội ở nhiều địa phương kéo dài, các hoạt động “đóng băng”. Để dần khôi phục các hoạt động trong giai đoạn bình thường mới, chúng ta cần những điều kiện gì?
– Mở rộng tiêm chủng vaccine, đảm bảo các giải pháp dịch tễ, nâng cao ý thức chống dịch của người dân, doanh nghiệp và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở vẫn là những điều kiện hàng đầu.
Bình thường mới đòi hỏi mỗi cá nhân hay thực thể trong xã hội phải thích ứng với việc sinh sống, làm việc trong điều kiện khó khăn hơn, khắc nghiệt hơn với tinh thần cảnh giác cao hơn, bởi dịch vẫn đang diễn ra và có thể bùng phát trở lại bất kỳ nơi nào, lúc nào.
Chúng ta cũng cần chuẩn bị các kịch bản điều hành kinh tế, quản trị xã hội khác nhau tương ứng với từng cấp độ của dịch bệnh. Bằng cách này, chúng ta sẽ luôn ở thế chủ động.
Nhưng dù với kịch bản nào, chỉ nên sử dụng biện pháp tương xứng. Chủ quan hoặc không thực hiện đầy đủ biện pháp chống dịch là một ví dụ của việc ứng xử bất cân xứng với mức độ rủi ro của dịch.
Nhưng ở chiều ngược lại, thận trọng quá mức và sử dụng biện pháp chống dịch quá mạnh mẽ sẽ làm mất đi cơ hội kinh doanh của hàng trăm nghìn doanh nghiệp, hàng triệu hộ kinh doanh cá thể, hàng chục triệu người lao động.
“Thẻ xanh vaccine” phát huy tác dụng nếu thực hiện trên toàn quốc
– Với đầu tàu kinh tế TP.HCM, nhiều chuyên gia đề xuất áp dụng “thẻ xanh vaccine” để dần mở cửa và khôi phục lại sản xuất kinh doanh, ông nghĩ sao về đề xuất này?
– “Thẻ xanh vaccine” sẽ giúp việc đi lại, lưu thông an toàn và đóng góp đáng kể cho việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh tại TP.HCM.
Tuy nhiên, “thẻ xanh vaccine” hay nhiều sáng kiến khác chỉ phát huy tác dụng tốt nhất nếu được thực hiện trên toàn quốc, vì hàng hóa hay nguyên liệu đầu vào không chỉ lưu thông trong phạm vi một địa phương mà phải qua nhiều nơi để đến được thị trường.
Tấm thẻ xanh đó phải đủ quyền lực để đi qua tất cả trạm kiểm soát của các tỉnh, thành phố mà không làm doanh nghiệp, người kinh doanh mất thêm thời gian, chi phí xét nghiệm hay chi phí không cần thiết khác.
Và một điều quan trọng nữa là việc cấp “thẻ xanh vaccine” phải thực sự dễ dàng, có thể thực hiện hoàn toàn trực tuyến, sử dụng công nghệ 4.0, không tạo thành cơ chế xin – cho hay một thủ tục hành chính gây khó cho doanh nghiệp, người dân.
– Để kinh tế dần phục hồi, nhiều chuyên gia cho rằng “cứu doanh nghiệp quan trọng như cứu người”, theo ông, đâu là những giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc này?
– Biện pháp hỗ trợ thiết thực nhất hiện nay là tìm mọi cơ hội có thể để hoàn trả lại các không gian và dư địa sản xuất, kinh doanh an toàn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân trên cơ sở cân nhắc đúng và hợp lý các rủi ro về dịch bệnh.
Cần dỡ bỏ những biện pháp chống dịch quá mạnh mẽ, cứng nhắc và bất cân xứng với rủi ro dịch bệnh. Những quy định, thủ tục hành chính bất hợp lý ảnh hưởng tới sản xuất, lưu thông hàng hóa cần được thu hồi.
Các sáng kiến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hóa như thẻ xanh vaccine, chuỗi cung ứng xanh nên sớm được xem xét áp dụng.
Áp lực tăng trưởng rất lớn những tháng cuối năm
– Ông nhận định thế nào về “mục tiêu kép” trong giai đoạn hiện nay?
– Chúng ta đặt mục tiêu hàng đầu là khống chế dịch bệnh, song vẫn cần tạo không gian cho hoạt động kinh doanh và sản xuất an toàn, vì không có nguồn lực thì khó có thể chống dịch lâu dài, chăm lo an sinh xã hội và đầu tư tạo tiềm lực cho tương lai.
Ngay khi các biện pháp chống dịch ở mức cao nhất được áp dụng tại một địa phương, cũng cần có giải pháp để hoạt động kinh tế cơ bản, thiết yếu được diễn ra một cách an toàn.
Có thể chúng ta sẽ phải học cách làm quen với việc một khu vực được dỡ bỏ giãn cách, bị tái áp dụng các biện pháp giãn cách, rồi lại được dỡ bỏ.
Nhưng việc dỡ bỏ hay tái lập giãn cách đó sẽ thành một quy trình và kịch bản rõ ràng, giúp mọi thực thể trong xã hội có tâm thế chủ động và luôn chuẩn bị tốt nhất, và do vậy sẽ ảnh hưởng thấp nhất tới cuộc sống.
-Trong trường hợp khả quan nếu dịch được kiểm soát trong tháng 9, ông đánh giá thế nào về áp lực tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm?
– Nếu dịch được kiểm soát trong tháng 9, chúng ta sẽ có một quý để hiện thực hóa nhiều cơ hội do nhu cầu tăng mạnh của thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước vào những tháng cuối năm.
Các doanh nghiệp sẽ sử dụng những tháng cuối năm để ổn định sản xuất, thu hút người lao động trở lại, khôi phục những đơn đặt hàng đã mất và chuẩn bị cho năm sản xuất kinh doanh tiếp theo.
Nhưng áp lực về tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm chắc chắn là rất lớn với diễn biến dịch hiện nay.
Ưu tiên phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm nên là sự ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và áp dụng dần các mô hình điều hành kinh tế, quản trị xã hội, sản xuất kinh doanh thích ứng với hoàn cảnh là Covid-19 vẫn còn tồn tại, với nhiều kịch bản khác nhau.
Linh hoạt, thích ứng sẽ giúp chúng ta giảm bớt áp lực về tăng trường kinh tế trong những tháng cuối năm và tạo tiền đề tốt cho năm 2022 sắp tới.
Xin cảm ơn ông!
Hoài Thu