“Không sử dụng tầng hầm làm nơi để xe”, đề xuất gây tranh cãi
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đề xuất các chung cư cao tầng, nhà nghỉ, khách sạn không sử dụng tầng hầm làm nơi để xe vì nhiều phương tiện như vậy sẽ biến tầng hầm thành kho chứa xăng dầu, rất nguy hiểm. Đề xuất không để xe dưới hầm chung cư của Đại biểu Quốc hội gây nhiều tranh cãi.
Đề xuất “không sử dụng tầng hầm làm nơi để xe” gây nhiều tranh cãi
Ngày 13.11, tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 – 2018, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) cho rằng phòng cháy chữa cháy là vấn đề rất hệ trọng của mỗi quốc gia và chỉ ra một số nguyên nhân gây ra sự cố cháy, nổ; đồng thời, đề xuất điều chỉnh quy hoạch xây dựng các khu chung cư, khách sạn cao tầng có khu dừng đỗ xe riêng, không cho đỗ đậu dưới tầng ngầm.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: “Từng xe đều có bình xăng và nhiều xe đậu dưới tầng hầm thì nơi đậu xe sẽ trở thành kho xăng dầu, khi cháy thì không thể ứng cứu được. Kể cả có phun nước vào thì xăng nổi lên, xăng vẫn cháy”.
Đề xuất của đại biểu Phương gây ra nhiều tranh cãi, xin được bàn thêm về vấn đề này.
Sự cảnh báo về các loại xe máy, ôtô đậu dưới hầm chung cư, khách sạn có nguy cơ gây cháy và thiệt hại lớn là hoàn toàn đúng. Trên thực tế, đã từng có những vụ cháy ở hầm đầu xe như vụ xảy ra tại tầng hầm tòa nhà Carina Plaza làm 13 người tử vong vào tháng 6.2018. Vụ cháy từ tầng hầm chung cư CT4 Xa La – hà Nội tháng 10.2015.
Cho nên, việc xây dựng một nhà để xe bên cạnh chung cư cao tầng, khách sạn là một giải pháp lý tưởng. Có điều, trong điều kiện thực tế hiện nay, liệu có thực hiện được hay không lại là chuyện khác.
Có thể nói với ý kiến của vị ĐBQH đưa ra như vậy là phiến diện, không hợp lý. Bởi vì nếu như không để xe tại các tầng hầm chung cư, khách sạn cao tầng thì lượng xe máy, xe ô tô sẽ để đi đâu.
Hiện tại, Hà Nội chỉ đáp ứng được từ 5-7% nhu cầu gara, bãi đỗ xe nên khi đưa ra ý kiến như vậy là rất phiến diện, mình muốn không xảy ra tình trạng cháy nổ nhưng lại đặt ra những vấn đề không chấp nhận được.
Các nước trên thế giới họ đều để xe dưới hầm, nhưng tại sao ở Việt Nam lại hay xảy ra những vụ cháy nổ lớn, chẳng qua là mình sắp xếp giữa các xe với các thiết bị điện, chức năng của các bộ phận chưa hợp lý chứ không phải xe cứ để trong hầm, trong gara là cháy nổ được.
Hơn nữa đất đô thị rất đắt tiền, đặc biệt là Hà Nội, TPHCM. Tìm được một lô đất xây chung cư, khách sạn đã quá khó vì quỹ đất hạn hẹp, vậy thì rất khó có đất dư thừa để xây thêm một nhà để xe bên cạnh. Hãy thử hình dung, tất cả các tòa nhà cao tầng tại TPHCM, Hà Nội hiện nay phải xây dựng một nhà để xe bên cạnh, vậy thì đất đâu?
Trên thế giới, tuy rất ít, nhưng cũng có những nơi xây dựng nhà để xe bên cạnh tòa nhà cao tầng. Tuy nhiên, đa số tận dụng không gian chiều cao và tầng hầm để sử dụng. Đây là cách tiết kiệm quỹ đất, khai thác có hiệu quả dự án xây dựng.
Chẳng lẽ các vụ cháy xảy ra là do lỗi của “hầm để xe”
Về nguyên tắc, các công trình xây dựng phải bảo đảm diện tích đỗ xe bản thân theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam và các quy định có liên quan của Bộ Xây dựng, đồng thời nghiên cứu bố trí diện tích đỗ xe công cộng của khu vực tùy theo tính chất dự án, quy mô, vị trí xây dựng công trình, nhằm tăng cường diện tích đỗ xe cho thành phố.
Tài liệu của Sở Quy hoạch và Kiến trúc cũng hướng dẫn các dự án nghiên cứu bổ sung diện tích tầng hầm là các chung cư cao cấp, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, tái định cư… Với các công trình phục vụ an ninh quốc phòng, cơ quan Đảng, cơ quan Chính phủ, trụ sở bộ, ngành… thì khuyến khích bổ sung diện tích tầng hầm. Việc xác định quy mô diện tích tầng hầm đỗ xe được tính trên cơ sở tỷ lệ với diện tích sàn công trình, trong trường hợp mở rộng diện tích tầng hầm so với diện tích xây dựng công trình hoặc áp dụng công nghệ đỗ xe thông minh thì phải bảo đảm đúng tỷ trọng hoặc quy mô diện tích (không phụ thuộc số tầng hầm).
Cuối tháng 8-2017, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận và thống nhất nội dung để Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội ban hành tài liệu “Hướng dẫn xác định quy mô tầng hầm phục vụ đỗ xe đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội” nhằm bổ sung diện tích đỗ xe công cộng. Đây được xem là giải pháp tích cực, từng bước góp phần xóa tình trạng sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi đỗ xe, dành không gian mặt đất cho các nhu cầu công cộng của người dân.
Vậy thì chúng ta vẫn sử dụng tầng hầm để đậu xe, nhưng tuân thủ các quy chuẩn về xây dựng tầng hầm, đảm bảo an toàn cháy nổ. Ngoài ra, công tác phòng cháy chữa cháy phải được chú trọng, các hệ thống camera theo dõi, nhân sự phục vụ an toàn phòng chống cháy nổ tại các tòa nhà phải chuyên nghiệp, cùng với trang thiết bị hiện đại.
Trao đổi với báo chí, Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành Nguyễn Văn Đực – một chuyên gia từng có nhiều ý kiến phản biện trong lĩnh vực bất động sản nhận định: “Tôi thấy đề xuất không để xe dưới tầng hầm nhà cao tầng là vô lý và một cái nhìn hết sức ấu trĩ. Bởi, chúng ta không thể nhìn vào một số cái tầng đã bị cháy để cấm hết tất cả tầng hầm không cháy”.
Giải thích thêm về nhận định trên, ông Đực lấy ví dụ: “Nếu thấy máy bay bị tai nạn, chúng ta không bao giờ đi máy bay nữa. Điều này rất là vô duyên”. Đề xuất không để xe ở tầng hầm là đang đi ngược xu thế.
Đặt thêm giả định về vấn đề này, ông Đực cho rằng, nếu đề xuất không để xe dưới tầng hầm chung cư đi vào thực tế, lượng xe “khổng lồ” của người dân sẽ để đâu, trong khi đất đô thị ngày càng hạn hẹp. “Chúng ta không thể bố trí được các bãi đất trống quy mô lớn để làm chỗ đỗ xe trong các khu đô thị được. Điều đó là quá khó”.
Ngoài ra, theo ông Đực, theo xu hướng hiện đại, tất cả đô thị có cao ốc đều phải bố trí hầm gửi xe. Thậm chí là 1 tầng hầm, 5 tầng hầm và cả 10 tầng hầm. Ở nhiều nơi, tầng hầm là cuộc sống của đô thị, người ta không chỉ bố trí tầng hầm làm chỗ để xe mà còn làm các dịch vụ kinh doanh, giải trí khác.
“Thay vì cấm để xe tầng hầm, thì chúng ta cần phải có các quy định để làm sao tầng hầm phải thông thoáng, làm sao tầng hầm không bị cháy. Và, nếu có bị cháy thì chỉ gây thiệt hại về tài sản chứ không thiệt hại về người, chủ đầu tư có trách nhiệm đền bù thiệt hại. Đây mới là toà nhà giải quyết vấn đề xe cộ ở đô thị”, ông Đực nhấn mạnh.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng thừa nhận, các quy định pháp luật về công tác này còn nhiều hạn chế, nội dung lạc hậu, thiếu quy định đáp ứng nhu cầu phát triển rất nhanh của việc phát triển đô thị. Đặc biệt, còn nhiều bất cập ở khâu tổ chức thực hiện các quy định về PCCC trong công tác quy hoạch xây dựng, thẩm định dự án, thiết kế, nghiệm thu công trình…
Việc nghiên cứu có sử dụng tầng hầm làm nơi đỗ xe hay không, Bộ trưởng cho biết sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy chuẩn về PCCC… “Hiện nay, ở Việt Nam đã đủ sức thiết kế công trình đến 100 tầng, vì vậy cần bổ sung một số quy định quy chuẩn liên quan về công trình này, hay thêm quy định về các công trình đa năng, hỗn hợp… Chúng tôi sẽ tổng hợp lại quy chuẩn, tiêu chuẩn để dễ tra cứu, áp dụng, đáp ứng yêu cầu vừa bảo đảm PCCC, vừa thuận lợi cho doanh nghiệp. Quan điểm của chúng tôi là ưu tiên PCCC, tài sản, tính mang con người là trên hết”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định.
Hồng