+
Aa
-
like
comment

‘Không ra đường, không tập thể dục một ngày có chết không?’

21/07/2021 14:08

‘Không ra đường, không tập thể dục một ngày có chết không?’, bác tổ trưởng U80 bất lực gào vào chiếc loa khi đi xua từng người dân về nhà.

Hàng trăm người đạp xe, đi bộ quanh Hồ Gươm lúc 4h.

Gần nhà tôi có một hồ điều hòa, vì khá sạch sẽ, thoáng mát nên người dân xung quanh vẫn có thói quen ra đây tập thể dục vào mỗi sáng và chiều. Khi thành phố có chỉ đạo siết chặt công tác phòng chồng dịch, không cho tụ tập nơi công cộng, tôi còn nhớ rất rõ dáng của bác tổ trưởng, vừa cầm loa tay, vừa hò hét, đi xua từng người đang tập thể dục về nhà: “Không ra đường một ngày có chết không? Không tập thể dục một ngày có chết không mà cứ đổ xô ra đường thế? Các bác, các anh, các chị về nhà làm gương cho con cháu đi nào”. Vậy rồi đâu vẫn vào đấy, tổ trưởng đi khuất là họ lại lẻn ra ngay.

Theo công điện 15 được Hà Nội đưa ra ngày 18/7, người dân không được tụ tập quá năm người ngoài công sở, trường học và bệnh viện cũng phải giữ khoảng cách hai mét khi trao đổi, tiếp xúc. Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân chỉ thật sự cần thiết mới nên ra đường và tránh hội họp đông người để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Thế nhưng, nhiều người dân vẫn tìm cách “luồn lách” để được ra đường tập thể dục.

Nếu đi tập vào khung giờ thông thường, chắc chắn sẽ bị lực lượng công an “tuýt còi”. Vậy nên, trong “cái khó ló cái khôn”, một số người dân đã chọn “múi giờ Châu Âu” để được thỏa mãn niềm đam mê bất tận của mình. Thay vì tập vào 5 giờ sáng hay chiều tối như mọi khi thì nay họ chuyển sang hẳn nửa đêm hoặc rạng sáng, khi cả thành phố vẫn còn đang chìm trong giấc ngủ. Có lẽ họ chắc mẩm các chiến sĩ công an đã “ngủ cả rồi”, chẳng ai đi kiểm tra hay xử phạt cả, nên thản nhiên ra đường. Chỉ có điều, họ quên mất rằng virus không ngủ đêm.

Những hình ảnh này là tiêu biểu cho một bộ phận người dân thiếu ý thức, luôn tìm mọi cách để lách luật, đặt lợi ích cá nhân mình lên trên an nguy của cộng đồng, xã hội. Tôi nói vậy vì đa phần những người này đều có điều kiện tiếp cận với tri thức và thông tin, họ đủ khả năng để hiểu sự nguy hiểm của Covid-19 nhưng không thể vượt qua nổi những đam mê, ham muốn tầm thường của bản thân, để rồi biết sai mà vẫn làm, bất chấp tất cả.

Để thay đổi được tư tưởng của những người này không hề đơn giản. Càng cấm họ sẽ càng tìm cách để lách luật, trốn tránh, theo kiểu “đuổi thì chạy, phạt thì trốn, đen thì đóng phạt”.

Nhiều người đi bộ, trò chuyện trên vỉa hè ven hồ đoạn qua Bưu điện Hà Nội.

“Tập thể dục để có sức khỏe chống dịch bệnh”, “tập lúc vắng người, giữ khoảng cách tối thiểu thì có sao đâu”, “tôi khỏe mới ra đường chứ có phải có triệu chứng gì đâu mà sợ lây người khác”… Mấy lời biện minh như vậy với tôi chẳng có chút giá trị nào cả. Họ chỉ đang tìm cách lấp liếm cho thói tùy tiện, ích kỷ, “điếc không sợ súng” của bản thân mình.

Hay như mới trưa nay, tôi thấy quán phở cạnh nhà thản nhiên nhận khách ăn tại quán dù thành phố đã có chỉ đạo dừng hoạt động kinh doanh ăn uống tại chỗ, chỉ cho bán mang về. Thấy đôi trai gái trẻ đến hỏi “có chỗ ngồi ăn không?”, bà chủ quán nghĩ ngợi một hồi rồi vẫy đôi trẻ vào trong ngồi, vẫn không quên nhắc “nếu có người kiểm tra thì hai em nói là nhân viên quán nhé”. Rồi tôi thấy nam thanh niên cười khà khà, tháo khẩu trang, ngồi xuống và rít điếu thuốc lào đầy thỏa mãn.

Rồi cả mấy người bán hàng rong ở khu chợ cóc trước nhà tôi cũng vậy, họ vẫn tụ tập buôn bán như thường. Khi thấy công an phường đi dẹp, người nào người đấy tấp đồ lên xe và bỏ chạy, có người nhanh chân vác hàng trốn vào ngõ khuất, chờ lực lượng chức năng đi qua lại lao ra bày hàng. Tôi tự hỏi phải chăng vì hoàn cảnh nên người ta sinh ra tính láu cá, khôn vặt?

Tính từ ngày 5/7 đến nay, Hà Nội ghi nhận 208 ca bệnh, con số vẫn tiếp tục tăng từng giờ. Riêng ngày 19/7 có 41 ca, con số cao nhất trong ngày của đợt dịch thứ 4. Đợt dịch thứ 4 của Hà Nội được tính từ ngày 29/4 đến nay, ghi nhận 467 ca bệnh. Tôi hy vọng tình hình của thủ đô sẽ không tệ như những gì Sài Gòn đang phải gánh chịu, nhưng với ý thức phòng dịch kém thế này của một bộ phận không nhỏ người dân, nếu chuyện đấy xảy ra, âu cũng chẳng phải quá bất ngờ.

Tuyên truyền giống như cách bác tổ trưởng dân phố nơi tôi ở đang làm suốt thời gian qua xem ra không đem lại nhiều hiệu quả. Tôi cho rằng, thành phố cần có những động thái quyết liệt hơn để ngăn chặn các biểu hiện, tư tưởng lệch lạc trong dân chúng. Ý thức không thể hình thành chỉ bằng nhắc nhờ, nó phải dựa trên luật định và các chế tài xử phạt. Nếu các khu vực cho lắp camera an ninh để làm cơ sở phạt nguội thật nặng, tôi tin sẽ đánh được vào ý thức chấp hành của người dân.

Minh Hý

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều