Không quý trọng nhân dân, xin mời đi ra
Thông tin được Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về việc xử lý kỷ luật đại úy Lê Thị Hiền (người gây náo loạn ở sân bay Tân Sơn Nhất), Công an TP Hà Nội đang làm quy trình kỷ luật đối với đại úy Lê Thị Hiền. Một hành động ngông cuồng, bị xử lý nghiêm tới mức khai trừ khỏi Đảng, giáng cấp bậc hàm và sau đó là loại ra khỏi ngành…
100% người dân, cộng đồng mạng đều ủng hộ hành động quyết liệt, cứng rắn của Bộ Công an trong việc xử lý bà Lê Thị Hiền. Đơn giản vì, không ai có thể chấp nhận một “con sâu” có hành động ngông cuồng như thế tồn tại trong lực lượng.
Ngành công an được “sinh” ra là để phục vụ cho nhân dân, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân. Mỗi người cán bộ chiến sĩ chân chính đều ý thức, thấm nhuần, thuộc nằm lòng sứ mệnh cao cả của người chiến sĩ. Người dân đặt rất nhiều niềm tin vào lực lượng, khi có trộm cướp, khi bị đe dọa, khi có hỏa hoạn, khi án mạng xảy ra thì người dân đều tìm đến công an trình báo. Vì biết cán bộ chiến sĩ sẽ tìm ra khuất tất, đem đến công bằng cho cuộc sống. Người dân kính trọng, quý mến, yêu thương cán bộ chiến sĩ vì những sự cống hiến đó. Đó cũng chính là lý do vì sao người dân bức xúc khi trong ngành có “con sâu” trịch thượng như bà Hiền, ông Việt và không chấp nhận những cá nhân này tồn tại trong lực lượng, làm sầu “nồi canh” – vấy bẩn cho ngành.
Những người như bà Hiền, ông Việt khi có hành vi vô văn hóa, sổ sàng nơi công cộng, tấn công người dân chắc chắn là đã quên sứ mệnh của người chiến sĩ, mới có những hành vi ngông cuồng trên. Như quy luật, tất cả những ai có hành vi đi ngược lại sứ mệnh của người chiến sĩ, coi thường – không quý trọng nhân dân thì “xin mời” ra khỏi ngành.
Có thế thấy, trong những năm gần đây, công tác quản lý cán bộ chiến sĩ được ngành Công an siết chặt từ trung ương đến địa phương và tất cả những cá nhân nào sai phạm đều bị xử lý nghiêm. Sai đến đâu, xử lý đến đó và không vùng cấm. Từ những cán bộ lợi dụng chức quyền, vi phạm pháp luật; kể cả những nguyên cán bộ cấp cao của ngành dù đã về hưu, khi điều tra phát hiện sai phạm vẫn bị lôi ra ánh sáng pháp luật, và những cá nhân “ảo tưởng” quyền lực, hành vi lệch chuẩn đều bị xử lý nghiêm, công khai – minh bạch. Đó chính là những minh chứng rõ nét nhất, cho thấy những người có trách nhiệm của ngành Công an đã và đang quyết tâm siết chặt quản lý, thanh sạch lực lượng, đủ sức răn đe không để những nhiễu nhương “vươn cành”.
Còn nhớ, cuối năm 2016, trong dịp tổng kết công tác công an năm 2016, khi một nhà báo đặt câu hỏi: Trăn trở lớn nhất của ông là gì? Bộ trưởng Tô Lâm đã trả lời rằng: “Trăn trở lớn nhất của tôi là tình hình thực thi pháp luật”. Ông cũng nhấn mạnh: “Sắp tới Bộ Công an sẽ có báo cáo bổ sung về các vấn đề liên quan đến công tác quản lý cán bộ quản lý những người có dấu hiệu vi phạm nhưng chưa bị khởi tố”. Trong thời điểm đó, tôi nghĩ rất khó để trở thành hiện thực. Thế nhưng, kết quả hiện tại thế nào ai cũng thấy rõ, sự quyết liệt của ngành trong công tác quản lý cán bộ, loại ngay kẻ không xứng đáng, chính là vũ khí rắn chắc nhất để bảo vệ ngành, bảo vệ uy tín và tăng cường sức mạnh cho lực lượng. Khi có lực lượng tinh nhuệ, bản lĩnh, trong sạch thì mới có thể thực hiện, hoàn thành được sứ mệnh người dân ký thác.
Khi sai phạm, thoái hóa đạo đức, không xứng đáng đứng trong hàng ngũ công an nhân dân thì dù cán bộ cấp cao hay chiến sĩ cấp úy cũng bị trừng phạt nghiêm, đưa ra khỏi ngành.
Tường Vi