Không quân Việt Nam mua máy bay mới: Đẳng cấp để lên thẳng Su-57 – Tin vui đến rất bất ngờ
Tờ Vedomosti cho biết Việt Nam đã ký kết hợp đồng mua 12 chiếc máy bay đời mới rất hiện đại của Nga. Tin vui đến thật bất ngờ và rất đúng lúc.
Việt Nam là nước đầu tiên ở ĐNÁ đào tạo được phi công tiêm kích
Ai cũng biết để đào tạo được một phi công tiêm kích phản lực siêu âm khó khăn đến nhường nào, bởi quy trình để một học viên từ lúc học bay trong trường tới khi về đơn vị, chuyển loại thành công máy bay chiến đấu để rồi được phê chuẩn đủ điều kiện trực sẵn sàng chiến đấu là hết sức khắt khe.
Ấy vậy mà Không quân Việt Nam đã làm được điều đó từ nhiều năm nay. Thật tự hào khi chúng ta là nước đầu tiên ở Đông Nam Á tự lực cánh sinh hoàn toàn trong công tác đào tạo tất cả các loại phi công quân sự, đặc biệt là phi công tiêm kích phản lực. Trên thế giới có không quốc gia làm được điều này từ A-Z.
Hiện nay, trừ khi đặt mua máy bay mới thì chúng ta phải đưa phi công sang các nước bạn học chuyển loại như trước đây là tiêm kích Su-27 và gần đây là Su-30MK2, rồi chính nhưng con người ấy sẽ trở thành giáo viên bay đào tạo lại cho các phi công trong nước.
Để học viên phi công tốt nghiệp ra trường rồi trở thành phi công tiêm kích thì họ phải trải qua các giai đoạn sau. Đầu tiên là tập bay trên những chiếc máy bay cánh quạt một động cơ Yak-52, tiếp đó, những người xuất sắc sẽ được chuyển lên học lái máy bay phản lực L-39 với tốc độ cận âm.
Sau khi tốt nghiệp, họ được điều động về các đơn vị tiếp tục học chuyển loại trên máy bay chiến đấu thực thụ Su-22, Su-27 hay Su-30MK2.
L-39 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…
Như đã nói ở trên, để có thể trở thành phi công tiêm kích, bắt buộc học viên phải trải qua quá trình huấn luyện trên máy bay L-39.
Theo cơ sở dữ liệu “Chuyển giao vũ khí quốc tế” của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Không quân Việt Nam có khoảng hơn 30 chiếc chiếc máy bay huấn luyện phản lực L-39.
Số máy bay này được chuyển giao chủ yếu trong 2 giai đoạn chính, đó là loạt 24 chiếc L-39C do Cộng hòa Czechoslovakia chuyển giao từ đầu những năm 1980 nay đã gần tròn “40 tuổi” và tiếp đó là 10 chiếc L-39Z mới hơn nhưng cũng đã qua sử dụng (secondhand), được Cộng Hòa Séc chuyển giao năm 2003.
Hầu hết các máy bay L-39 đều đã cũ và đang đi đến cuối vòng đời hoạt động, dù đã trải qua quá trình nâng cấp tăng hạn bởi chính những chuyên gia Việt Nam trên cơ sở chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.
Số giờ bay dự trữ của L-39 còn không nhiều, nếu không được nâng cấp lớn toàn diện thì trong vài năm tới chúng sẽ phải bị loại biên để nhường chỗ cho những máy bay mới hơn. Vì vậy, trong bối cảnh L-39C bắt buộc phải ngừng bay, Không quân Việt Nam phải có những bổ sung kịp thời nhằm duy trì tốt và liền mạch công tác đào tạo phi công tiêm kích.
… tin vui đến bất ngờ, thật đúng lúc
Từ cách đây vài năm, nhằm thực hiện nhiệm vụ cấp bách là lựa chọn một dòng máy bay huấn luyện phản lực khác để thay thế L-39, trong đó có việc cử nhiều đoàn cán bộ cấp cao tham dự các cuộc triển lãm hàng không lớn trên thế giới, đặc biệt là Nga để nghiên cứu kỹ lưỡng các ứng viên mới.
Yak-130, một dòng máy bay tiêm kích hạng nhẹ kiêm máy bay huấn luyện phản lực do Nga chế tạo đã nổi lên như một ứng viên sáng giá nhất.
Truyền thông quốc tế nhiều lần đề cập tới việc Việt Nam là khách hàng tiềm năng nhất của Yak-130 và thậm chí Trung tâm Phân tích thị trường vũ khí thế giới của Nga (AMSTO) đã dự đoán về một hợp đồng từ 8-12 chiếc sẽ sớm được ký kết.
Và cuối cùng tin vui đã đến thật bất ngờ, đầu tháng 1 năm nay, tờ Vedomosti của Nga loan báo, Việt Nam đã chính thức đặt mua 12 chiếc Yak-130 từ Nga. Tiếp đó, các hãng tin lớn trên thế giới như Jane’s, Defense News cũng đồng loạt xác nhận về một bước tiến mới, rất quan trọng của Không quân Việt Nam.
Việc chúng ta lựa chọn Yak-130 là hoàn toàn chính xác bời, ngoài “giá cả phải chăng, tốt, bền và hoạt động tin cậy” thì vũ khí Nga nói chung còn sở hữu nhiều lợi thế vượt trội khác đó là dễ sử dụng, bộ đội ta đã quen dùng từ lâu, có kinh nghiệm vận hành các vũ khí, khí tài có xuất xứ từ Nga (Liên Xô).
Tất nhiên, không thể không nhắc tới sự phù hợp gần như hoàn hảo của Yak-130 với Không quân Việt Nam. Đó là việc chúng ta đang sở hữu tiêm kích Su-27 và Su-30MK2 có cùng xuất xứ từ Nga, nên sẽ hết sức thuận lợi, giúp rút ngắn được thời gian đào tạo phi công, tiết kiệm được nhiều kinh phí.
Hiện Yak-130 được Không quân Nga coi là loại máy bay xương sống của các trường đào tạo phi công chiến đấu và sau đó là chuyển loại lên những dòng tiêm kích đời cao hơn như MiG-29, MiG-35, Su-30, Su-34, Su-35,… và cả tiêm kích tàng hình Su-57 tối tân nữa. Hiện Yak-130 được rất nhiều quốc gia trên thế giới đặt mua.
Yak-130 có thể đảm nhiệm tới 80% khoa mục huấn luyện của phi công tiêm kích trên các máy bay chiến đấu phản lực siêu âm và nó chính là một bản sao của các máy bay chiến đấu thế hệ 4 và thế hệ 5 của của Nga.
Ngoài ra, khi cần thiết, Yak-130 có thể đảm nhiệm là các máy bay tiêm kích và cường kích hạng nhẹ nhờ được trang bị radar và hệ thống điện tử hàng không hiện đại để dẫn bắn các loại vũ khí không đối không, không đối đất có điều khiển chính xác.
Những chiếc Yak-130 của Nga hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để về với Không quân Việt Nam. Hợp đồng đã ký, vấn đề chỉ còn là thời gian sản xuất và chuyển loại mà thôi.
Dường như đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng ít nhiều tới tiến độ nhưng trong một ngày rất gần, những chiếc Yak-130 sẽ xuất hiện trên bầu trời dải đất hình chữ S, kề vai cùng L-39 nâng cánh phi công tiêm kích Su-27, Su-30MK2 Việt Nam. Và biết đâu, trong tương lai Yak-130 còn có cơ hội tạo bệ phóng cho những phi công tiêm kích Su-35 hay thậm chí cả Su-57 nữa.
Theo TQ