+
Aa
-
like
comment

Không quân Việt Nam lộ diện 2 đột phá lớn trong báo cáo toàn cầu

16/12/2021 11:28

Tạp chí FlightGlobal vừa công bố báo cáo World Air Forces 2022 thống kê số lượng máy bay quân sự toàn cầu, trong đó có Không quân Việt Nam có nhiều điểm đột phá.

Tổng máy bay quân sự Nga-Trung chỉ bằng 1/2 Mỹ

Theo số liệu được công bố trong báo cáo nhan đề World Air Forces 2022 (Lực lượng Không quân Thế giới 2022) của Tạp chí FlightGlobal thì tổng số máy bay quân sự của 2 quốc gia nhiều thứ 2 và 3 thế giới là Nga và Trung Quốc (4.173+3.285) là 7.458 chiếc, chỉ bằng già nửa so với vị trí số 1 gồm 13.246 chiếc của Mỹ.

Các vị trí tiếp theo trong Top 10 lần lượt là Ấn Độ đứng thứ tư với 2.182 máy bay, chiếm 4%. Đứng thứ năm là Hàn Quốc với 1.595 máy bay, chiếm 3%.

Các quốc gia tiếp theo là Nhật Bản (1.449 máy bay, chiếm 3%), Pakistan (1.387 máy bay, chiếm 2%), Ai Cập (1.062 máy bay, chiếm 2%), Thổ Nhĩ Kỳ (1.057 máy bay, chiếm 2%) và Pháp (1.055 máy bay, chiếm 2%).

Các quốc gia còn lại có tổng cộng 22.781 máy bay, chiếm 43%.

Theo báo cáo, tính đến tháng 12/2021 trên thế giới có tổng cộng 53.271 máy bay quân sự đang hoạt động. Mỹ đứng đầu về số máy bay quân sự với 13.246 chiếc, chiếm 25%.

Bảng xếp hạng 10 quốc gia sở hữu nhiều máy bay quân sự nhất trên thế giới.

Về chủng loại chiến đấu cơ hiện đang hoạt động nhiều nhất thế giới thì Mỹ chiếm tới 4/10, Nga có 3 loại. Cụ thể: F-16 Mỹ là loại phổ biến nhất, đứng số 1 với 2.248 chiếc, con số này có lẽ sẽ còn đứng vững trong nhiều năm tới.

Dòng tiêm kích Su-27 và Su-30 của Nga đứng thứ hai, với hơn 1.000 chiếc đang hoạt động. Vị trí thứ ba và thứ tư lần lượt thuộc về hai máy bay Mỹ là F-15 (963 chiếc) và F-18 (893 chiếc). Thứ năm là MiG-29 Nga với 822 chiếc.

Tổng cộng, trên thế giới có 14.713 máy bay chiến đấu đang được sử dụng.

Bảng xếp hạng 10 loại máy bay chiến đấu phổ biến nhất trên thế giới.

Không quân Việt Nam lột xác: Duy nhất trên thế giới

Trong báo cáo World Air Forces thường niên của Tạp chí FlightGlobal, năm nào Không quân Việt Nam cũng được thống kê tương đối đầy đủ cả về chủng loại lẫn số lượng. Mặc dù số liệu của World Air Forces 2022 không thật chính xác so với thực tế với một số quốc gia nhưng vẫn có thể được coi là một nguồn tham khảo hữu ích.

Qua đó, chúng ta có thể nhìn được bức tranh toàn cảnh về sự phát triển, sức mạnh không quân (gồm cả không quân, không quân hải quân, không quân lục quân) của các quốc gia trên toàn thế giới.

Riêng với Không quân Việt Nam, trong báo cáo năm nay số lượng các loại máy bay đã liệt kê năm ngoài không có thay đổi, tuy nhiên, bất ngờ lớn nhất chính là 2 điểm đột phá mới – những hợp đồng đặt mua máy bay huấn luyện Yak-130 của Nga và L-39NG từ Cộng hòa Séc cùng với số lượng 12 chiếc đã được FlightGlobal cập nhật trong cột “đã đặt mua – Ordered”.

Trên thực tế, theo truyền thông quốc tế, tính đến thời điểm này đã có 6 trong tổng số 12 chiếc máy bay huấn luyện Yak-130 được phía Nga bàn giao cho Không quân Việt Nam.

Dự kiến, trong tháng 12 này, lô 6 chiếc còn lại cũng sẽ được các máy bay vận tải An-124 Ruslan khổng lồ của Nga vận chuyển tới sân bay Phù Cát (Bình Định) để lắp ráp, bay thử, nghiệm thu và bàn giao cho Việt Nam.

Thống kê mới nhất về Không quân Việt Nam trong báo cáo World Air Forces 2022.

Nếu thực hiện đúng tiến độ này, thì Nga sẽ hoàn tất hợp đồng đúng như tuyên bố của ông Dmitry Shugaev – Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự Liên bang Nga, nói với các phóng viên tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông hồi tháng 9/2021 rằng:

“Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ hoàn tất việc thực hiện hợp đồng cung cấp máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130 cho các đối tác Việt Nam vào cuối năm nay”.

Cũng như Không quân Nga, các máy bay Yak-130 sẽ được Không quân Việt Nam sử dụng để đào tạo phi công chiến đấu và sau đó là chuyển loại lên những dòng tiêm kích đời cao hơn như Su-27 và Su-30,… và cả tiêm kích tàng hình Su-57 hay Su-75 Checkmate tối tân nữa, nếu chúng ta đặt mua trong tương lai.

Điểm nổi bật vượt trội của Yak-130 là nó có thể đảm nhiệm tới 80% khoa mục huấn luyện của phi công tiêm kích trên các máy bay chiến đấu phản lực siêu âm và nó chính là một bản sao của các máy bay chiến đấu thế hệ 4 và thế hệ 5.

Ngoài ra, khi cần, Yak-130 có thể đảm nhiệm vai trò là máy bay tiêm kích đa năng hoặc cường kích hạng nhẹ do nó được trang bị radar và hệ thống điện tử hàng không để sử dụng tên lửa có điều khiển Vikhr, tên lửa không đối không R-73 và tên lửa không đối đất dẫn đường bằng laser cũng như bom có điều khiển KAB-500Kr.

Với các máy bay huấn luyện phản lực thế hệ mới L-39NG, dự kiến trong năm 2022 hoặc chậm nhất là 2023 sẽ được phía bạn Cộng hòa Séc bàn giao cho Không quân Việt Nam.

Như vậy, Không quân Việt Nam sắp là quốc gia duy nhất trên thế giới vận hành đồng thời bộ đôi máy bay huấn luyện Yak-130 và L-39NG, thể hiện sự lột xác mạnh mẽ, có những bước tiến thần tốc, lên thẳng hiện đại, đáp ứng yêu cầu đào tạo phi công chiến đấu phản lực trong tình hình mới.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều