Không quân Nhật Bản “lột xác” – Sự trỗi dậy của Samurai: Nga-Trung sắp nhận cú phản đòn cực mạnh?
Trung Quốc đang xây dựng một lực lượng không quân hiện đại và mang tính đe dọa. Trong khi đó, Nga được cho là ngày càng trở nên “hung hăng” hơn.
Mối đe dọa lớn từ Nga-Trung
Cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản có một lực lượng không quân với quy mô nhỏ, được huấn luyện bài bản. Tuy nhiên, kể từ năm 1991, quốc hội Nhật chủ trương đầu tư để duy trì lực lượng không quân bắt kịp thời đại.
Từ năm 2000 đến nay, dễ dàng nhận thấy Trung Quốc đang xây dựng một lực lượng không quân hiện đại và mang tính đe dọa. Trong khi đó, Nga ngày càng trở nên “hung hăng” hơn và Triều Tiên vẫn là một vấn đề nan giải. Dần dần, Nhật Bản đã chấp nhận thực tế này và các chi phí cần thiết để nâng cấp không lực.
Ví dụ gần đây nhất là Nhật Bản cuối cùng đã tiến hành các kế hoạch trì hoãn từ lâu nhằm nâng cấp 98 tiêm kích đánh chặn F-15J đang được nước này sử dụng rất nhiều. Quốc hội Nhật Bản đã tỏ ra khá do dự khi phải chi hàng tỷ USD cho việc đó.
Đối với các cơ quan lập pháp thì đây là một quyết định kinh tế, còn những bên khác lại lo ngại rằng quyết định trên sẽ khiến Trung Quốc và Nga tức giận. Số lần máy bay quân sự Nga-Trung xâm phạm Nhật Bản đã tăng gấp 5 lần so với thập kỷ trước, lên hơn 1.000 lần/năm, do đó, Quốc hội Nhật Bản đã thay đổi suy nghĩ.
Những nâng cấp mới sẽ tiêu tốn 4,5 tỷ USD và có thể được tiến hành tại Nhật Bản, sử dụng hệ thống điện tử do Mỹ sản xuất, trong đó có radar AESA, hệ thống máy tính và thiết bị tác chiến điện tử mới. Trong số này có thiết bị GPS kháng nhiễu. Bên cạnh đó, các thiết bị thông tin liên lạc mới cũng có liên kết dữ liệu kỹ thuật số kháng nhiễu.
Nhật Bản đầu tư mạnh cho Không quân
Sự hiện diện ngày càng gia tăng của máy bay Nga và (phần lớn) máy bay quân sự Trung Quốc cũng thúc đẩy các nhà lập pháp Nhật mạnh tay đầu tư thay thế các chiến đấu cơ cũ. Không quân Nhật Bản hiện có quân số 50.000 người, 775 máy bay, trong đso 39% là máy bay chiến đấu.
Không quân thường là lực lượng phản ứng đầu tiên trước bất cứ mối đe dọa thù địch nào đến từ các tàu chiến hoặc máy bay tiếp cận các hòn đảo của Nhật Bản.
Song, phần lớn trong số 302 máy bay chiến đấu của Nhật đều đang trong tình trạng cần nâng cấp hoặc thay thế. 73 chiếc F-4 được chế tạo tại Nhật Bản trong những năm 1970 và rất cần được thay thế dù chúng được sử dụng khá ít, một số khác cần được nâng cấp vào bảo trì cẩn thận.
Các tiêm kích F-35 mới ban đầu sẽ được Nhật Bản sử dụng để thay thế các máy bay F-4 đã về hưu. Có tới 155 chiếc F-15J được chế tạo tại Nhật Bản nhưng trong giai đoạn 1980 và 1990. Chúng là những chiếc máy bay được sử dụng nhiều nhất, phần lớn với vai trò tiêm kích đánh chặn.
Các tiêm kích F-15J đã trải qua một số đợt nâng cấp nhưng đợt nâng cấp mới đây có vẻ là nâng cấp sâu rộng nhất.
Ngoài F-15J, Nhật Bản còn có 62 tiêm kích F-2 (phiên bản F-16) được chế tạo tại nước này trong giai đoạn 1995-2011.
Hiện Nhật Bản mới nhận được 12 tiêm kích F-35 trong tổng số 147 chiếc đặt hàng. Một số F-35A (38 chiếc) đang được lắp ráp tại Nhật, các chiếc F-35A được đặt hàng thêm cũng có thể sẽ được chế tạo tại Nhật trong thời gian tới.
Cuối năm 2018, Nhật Bản quyết định đặt hàng thêm 99 chiếc F-35, tiêu tốn khoảng 15 tỷ USD. Phần lớn sẽ là phiên bản F-35A triển khai từ căn cứ trên mặt đất, 40 tiêm kích F-35B cất cánh từ tàu sân bay.
Trước đó, Nhật Bản đã đặt hàng 42 chiếc F-35A để thay thế 73 tiêm kích đánh chặn F-4. Các tiêm kích F-35A mới sẽ thay thế 100 chiếc F-15J đã cũ.
Có thể Nhật Bản sẽ đặt hàng thêm F-35 vì mẫu tiêm kích tấn công hàng hải F-2 mà nước này thiết kế đã bị hủy bỏ do chi phí cao và tính năng không chắc chắn.
Tokyo cũng đã tìm cách thiết kế và chế tạo một mẫu máy bay tàng hình mới để thay thế F-2 nhưng thấy rằng việc này quá đắt đỏ nếu chỉ sản xuất 100 chiếc. Và mẫu máy bay mới, gọi là X-2, có thể sẽ không cạnh tranh được với F-35 trên thị trường xuất khẩu trong trường hợp Nhật Bản thay đổi hiến pháp, cho phép mở rộng xuất khẩu vũ khí.
Giờ đây Nhật Bản đang lên kế hoạch thay thế F-2 bằng F-35. Nước này đã nhập khẩu nhiều loại máy bay ngoại nhưng thường lắp ráp theo giấy phép trong nước. Trường hợp của F-35 cũng tương tự.
Minh Thu/Soha News