Không quân Brazil khai tử siêu trực thăng tấn công Mi-35 của Nga vì lý do bất ngờ
Quyết định của FAB dự kiến sẽ khiến nhiều người sửng sốt vì thời điểm mà nó được tung ra.
Kể từ năm 2014, thương mại của Nga đã bị tác động tiêu cực do quan hệ với phương Tây ngày càng xấu đi.
Mối quan hệ xấu đi còn được thể hiện rõ khi Mỹ thậm chí còn thông qua Đạo luật chống đối thủ thông qua trừng phạt (CAATSA) nhắm vào các quốc gia, bao gồm cả các đồng minh, mua khí tài quân sự từ Nga.
Trong một diễn biến bất ngờ nhất giữa tình hình nóng hiện nay, Không quân Brazil (FAB) đã thông báo cho các máy bay trực thăng tấn công Mi-35M do Nga sản xuất, được chỉ định là AH-2 Sabre, do Phi đội Poti sử dụng sẽ chính thức “nghỉ hưu” từ ngày 1/3/2022, theo một bản tin của Bộ Tư lệnh Không quân Brazil.
Đồn đoán tác động từ Mỹ Trực thăng này, hiện được triển khai tại Căn cứ Không quân Porto Velho (BAPV) ở bang Rondonia, là một khí tài quân sự quan trọng mà Brazil triển khai ở biên giới.
Tuy nhiên, theo tờ Rio Times, dự kiến các máy bay trực thăng sẽ không còn được sử dụng nữa, buộc Phi đội Poti phải tạm dừng các hoạt động.
Trước đó, Phó Tổng thống Antonio Hamilton Mourao hồi đầu tháng này cho biết, các thương vụ vũ khí với Nga đang gặp khó khăn do vị thế của Brazil là một đồng minh lớn “không thuộc NATO” của Mỹ.
“Chúng tôi không mua vũ khí của Nga… Lý do chính là do vị thế không phải là đồng minh NATO. Thành thật mà nói, tôi xem đây là khó khăn lớn. Không thấy sự lạc quan nào trong giới quân sự của Brazil về bất kỳ loại thỏa thuận nào trong lĩnh vực này”, tờ Valor Economico dẫn lời ông nói.
Ông cũng tuyên bố Brasilia trước đây đã mua trực thăng quân sự Mi-35M của Moscow theo một thỏa thuận tháng 11/2008, nhưng đã gặp “vấn đề bảo trì” trong suốt thời gian sử dụng.
Nhưng theo tờ EurAsian Times, việc Brazil là đồng minh mạnh nhất của Mỹ ở khu vực Mỹ Latinh và quyết định đột ngột cho máy bay trực thăng Nga nghỉ hưu sớm trong thời điểm này đang làm dấy lên những đồn đoán về sức ép của Mỹ.
Tờ này nhận định thêm rằng, sau khi Tổng thống Putin mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ và phương Tây cũng đã áp một số biện pháp trừng phạt đối với Moscow, điều đó cũng có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu quốc phòng của Nga trong tương lai.
Vì sao Mi-35 buộc phải “nghỉ hưu” sớm? Không quân Brazil (FAB) đã mua một lô 12 máy bay trực thăng với giá 386 triệu USD vào năm 2008. 12 máy bay trực thăng được cung cấp cho Phi đội Poti theo 4 đợt, mỗi đợt có 3 chiếc và đã tích lũy được hơn 8.000 giờ bay.
Tuy nhiên, đã có những báo cáo chưa được xác nhận rằng, Mi-35 là một loại máy bay khó bảo trì do thiếu phụ tùng thay thế.
Theo một tài liệu nội bộ của FAB, máy bay sẽ ngừng hoạt động từ ngày 1/3, với dự kiến sẽ hoàn thành việc nghỉ hưu trước ngày 31/12.
Việc Mi-35 M bị cho nghỉ hưu là do nhiều yếu tố.
Theo báo cáo của Frontier India, chi phí hoạt động của Mi-35 M cao, hậu cần phức tạp và thiếu sự hỗ trợ của nhà sản xuất là những lý do cấp bách nhất khiến nó ngừng hoạt động.
Brazil đã có nhiều bất đồng với nhà sản xuất và trực thăng này thường xuyên không hoạt động do những khó khăn trong việc bảo trì. Đã có những thách thức trong việc chuyển đổi thiết bị sang tiêu chuẩn quân sự của Mỹ.
Nga và IAS của Brazil, một công ty được lực lượng không quân Brazil phê duyệt, đã ký hợp đồng sửa chữa máy bay trực thăng này vào tháng 11 và tháng 12/2020.
Theo hợp đồng, công ty Nga sẽ cung cấp các bộ dụng cụ sửa chữa cho các đơn vị được lắp đặt cố định tại Brazil, cung cấp các thiết bị thay thế mới và sửa chữa một phần các đơn vị ở Nga. Việc sửa chữa từng chiếc trực thăng Mi-35M cũng do các chuyên gia trực thăng Mil và Kamov thực hiện.
Tuy nhiên, việc Brazil bất ngờ quyết định cho máy bay trực thăng nghỉ hưu đã làm lệch các kế hoạch này.
Quyết định sửng sốt của BrazilMi-35M là phiên bản dựa trên máy bay trực thăng Mi-24 của Nga và có một số tiến bộ công nghệ trong khi vẫn giữ các thuộc tính chính của phiên bản tiền nhiệm, bao gồm hỏa lực, áo giáp và khả năng phục hồi.
Mẫu trực thăng này có thể thực hiện các nhiệm vụ trong điều kiện tầm nhìn thấp vào bất kỳ thời điểm nào dù là ngày hay đêm. Nó được trang bị pháo 23mm công suất lớn gắn trên tháp pháo có thể di chuyển dưới mũi, cũng như bệ phóng tên lửa đất đối không Ataka và tên lửa không điều khiển 80mm.
Theo Rosoboronexport, Mi-35M dùng để tiêu diệt xe tăng và các phương tiện bọc thép và không bọc thép khác, cũng như sinh lực địch trên chiến trường, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ bổ sung một cách độc lập hoặc phối hợp với các lực lượng mặt đất.
Nó có khả năng sống sót sau trận chiến, thiết kế và độ tin cậy của các hệ thống, cũng như các đặc tính hoạt động và chiến đấu tuyệt vời khiến nó trở thành một trong những máy bay trực thăng tốt nhất thuộc lớp này, công ty tuyên bố..
Buồng lái của Mi-35 và các bộ phận quan trọng được bọc thép, có khả năng chở 8 binh sĩ hoặc trọng tải 2.400kg.
Nó có thể được sử dụng trong các hoạt động chiến đấu ở nhiều vùng địa lý với điều kiện nhiệt độ cao và độ cao lớn, và có khả năng chiến đấu suốt ngày đêm. Nó cũng có khả năng hoạt động từ các sân bay sơ sài và trang bị đầy đủ.
Tờ EurAsian Times nhận định, quyết định của Không quân Brazil, ngay cả khi dựa trên các vấn đề hậu cần và bảo trì, dự kiến sẽ khiến người ta phải sửng sốt vì diễn ra trùng ngay thời điểm bùng nổ cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất giữa Nga và các đối tác của Brazil ở phương Tây.
Thảo Vy