Không phù hợp khi gọi doanh nghiệp hơn 50% vốn nhà nước là doanh nghiệp nhà nước?
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng quy định doanh nghiệp có trên 50% vốn góp của nhà nước được xem là doanh nghiệp nhà nước là không phù hợp. Cũng có ý kiến không nên đưa hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp mà cần ban hành luật riêng.
Sáng 21-5, Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết còn ý kiến khác nhau xung quanh quy định doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là doanh nghiệp có trên 50% vốn góp hoặc cổ phần chi phối của nhà nước.
Nhà nước nắm bao nhiêu % vốn là phù hợp?
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng việc quy định tỉ lệ vốn nhà nước chiếm giữ trên 50% là DNNN. Quy định này chưa thể hiện được vai trò chi phối và quyết định của nhà nước với các vấn đề quan trọng, đảm bảo quyền hài hòa, đóng góp của các cổ đông khác.
Đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) thì cho rằng nhà nước nắm giữ 50% vốn là có quyền chi phối nhiều vấn đề quan trọng của doanh nghiệp, đảm bảo lợi thế quyết định, đặc biệt là hợp đồng kinh doanh nên tỉ lệ trên 50% là phù hợp.
Tuy vậy, để xác định căn cứ, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị rà soát số lượng DNNN mà nhà nước đang nắm giữ 50% vốn sở hữu trở lên, đánh giá rõ tác động, tiến trình cổ phần hóa, thu hút vốn từ tư nhân…
“Việc xác định là DNNN với tỉ lệ trên phải đảm bảo nguyên tắc công khai minh bạch, phân biệt rạch ròi quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp, không để thất thoát vốn nhà nước, quy định rõ chế tài chức vụ chức danh của cán bộ quản lý trong DNNN”, ông Tiến nói.
Thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước có thể mang lại hệ lụy
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng việc thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước theo sẽ có nhiều hệ lụy, ảnh hưởng quá trình cổ phần hóa, vì phải điều chỉnh quy định kiểm toán, tài sản công, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tỉ lệ 50% cũng không rõ là nắm giữ trực tiếp hay gián tiếp, nên nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa bỗng nhiên trở thành DNNN trở lại và nhà đầu tư nước ngoài e ngại việc mua lại doanh nghiệp.
DNNN cũng khó tham gia đấu thầu dự án đầu tư công, cán bộ trong DNNN có thể chịu trách nhiệm hình sự vì không bảo toàn vốn, phải theo bảng lương nhà nước, không hấp dẫn nhân tài, bị đối xử bất bình đẳng hơn khi ưu đãi…
Cần luật riêng về hộ kinh doanh
Trong khi đó, với việc đưa hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp sửa đổi, một số quan điểm nhất trí, nhưng đa số không đồng tình và cho rằng cần ban hành một luật riêng.
Theo đại biểu Trần Văn Tiến, số lượng hộ kinh doanh hiện nay gấp 5 lần doanh nghiệp nhưng bản chất hoạt động khác với doanh nghiệp. “Quy mô kinh doanh hạn chế, hoạt động phạm vi ngành nghề kinh doanh nhỏ lẻ, chưa rõ phương thức quản lý nên có thể gây khó khăn cho quản lý kinh doanh hàng triệu hộ kinh doanh hiện nay”, ông Tiến nhận định.
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đồng tình xem xét ban hành luật riêng, vì thực tế việc vận động các hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp đang chưa hiệu quả. Trong khi việc quản lý 5 triệu hộ kinh doanh này là việc lớn, phải có luật để có động lực phát triển.
NGỌC AN/TT