+
Aa
-
like
comment

Không phải TƯ có bộ, ngành nào thì địa phương có sở, ngành đó

16/07/2019 05:00

Sở, ngành sẽ được sắp xếp “thống nhất trong đa dạng”, không còn tình trạng tổ chức đồng nhất, không phải TƯ có cơ quan nào thì địa phương có cơ quan đó như hiện nay.

Chiều nay, UB Thường vụ QH cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của uật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Tổ chức ‘thống nhất trong đa dạng’

Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc định cho biết, đa số ý kiến ĐBQH tán thành với việc sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa như dự thảo luật.

Không phải TƯ có bộ, ngành nào thì địa phương có sở, ngành đó
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc định

Có ý kiến đề nghị làm rõ hơn về khung số lượng cơ quan chuyên môn nhằm bảo đảm tính thống nhất của nền hành chính, sự chỉ đạo, điều hành thông suốt của TƯ nhưng vẫn tạo sự chủ động, sáng tạo cho địa phương trong việc bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương.

Có ý kiến đề nghị không nên quy định cụ thể về các đơn vị bên trong, trực thuộc cấp tổng cục, cục, vụ, viện, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện như dự thảo uật vì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật Tổ chức Chính phủ.

Thường trực UB Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất với ý kiến của các ĐBQH cho rằng, việc giao Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương chủ động quyết định, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể.

Đồng thời việc này giúp xác định cơ quan chuyên môn nhất thiết phải tổ chức, những cơ quan chuyên môn có thể tổ chức linh hoạt tùy theo đặc điểm, tình hình của địa phương và một số cơ quan chuyên môn đặc thù, không phải địa phương nào cũng có.

Như vậy, trên toàn quốc sẽ tạo nên sự “thống nhất trong đa dạng” trong việc tổ chức các cơ quan chuyên môn, không còn tình trạng đồng nhất như nhau giữa các địa phương, không phải TƯ có cơ quan nào thì địa phương có cơ quan đó…

Về việc quy định cụ thể về các đơn vị bên trong, trực thuộc các vụ, đơn vị và cơ quan chuyên môn, đúng như ý kiến ĐBQH đã nêu, phạm vi điều chỉnh của luật Tổ chức Chính phủ là quy định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; còn những vấn đề cụ thể khác về tổ chức bộ máy bên trong là thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Do đó, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Llật đã được chỉnh lý theo hướng Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện; quy định tiêu chí thành lập đơn vị bên trong của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Chính phủ quy định số lượng cấp phó tối đa

Dự thảo luật cũng quy định Chính phủ quy định số lượng cấp phó tối đa, biên chế tối thiểu trong các cơ quan hành chính nhà nước; đồng thời giao quyền chủ động cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc bố trí số lượng cấp phó của vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ bảo đảm yêu cầu công việc.

Theo đó, Chính phủ quy định số lượng cấp phó tối đa nhưng phải bảo đảm bình quân không quá 3 người trên một đơn vị. Số lượng cụ thể cấp phó của mỗi đơn vị do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định theo yêu cầu công việc.

Không phải TƯ có bộ, ngành nào thì địa phương có sở, ngành đó
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga ủng hộ số lượng cấp phó quy định theo ý kiến UB Pháp luật thay vì quy định cứng như luật hiện hành.

Dự thảo tiếp thu theo hướng giữ nguyên cấp tổng cục không quá 4, còn Chính phủ quy định số lượng cấp phó tối đa của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập nhưng phải đảm bảo trung bình không quá 3 người.

“Tôi đồng ý với quy định tổng số cấp phó và để người đứng đầu phân bổ cụ thể. Chẳng hạn một cơ quan quy định tổng là 30 cấp phó thì có đơn vị 2, 1, 3, có đơn vị 4 cấp phó. Còn nếu đang quy định cứng mà thả luôn việc này giao cho Chính phủ quy định cụ thể thì không ổn”, bà Nga nói.

Ông Định thông tin thêm, việc này bên Đảng đã làm rồi, mình làm theo. Cụ thể Bộ Chính trị đã quy định các tỉnh ủy, thành ủy được bố trí không quá 15 phó ban, riêng Hà Nội và TP.HCM không quá 18. Còn số cấp phó cụ thể từng ban do thường vụ tỉnh ủy quyết định.

Trưởng ban Công tác ĐB Trần Văn Túy chỉ ra vướng mắc trong quá trình làm công tác cán bộ. Đó là số lượng ủy viên UBND hiện nay đang vướng bầu ủy viên UB trước hay bổ nhiệm trước.

“UBND cần tăng cường trách nhiệm chủ tịch và các phó chủ tịch lên. Tôi đề nghị bộ máy của UBND cần tinh gọn, cần làm rõ trách nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch và một số thành viên ủy ban ở một số vị trí được phân công, không phải tất cả giám đốc sở là thành viên UBND”, ông Túy nhấn mạnh.

Không phải TƯ có bộ, ngành nào thì địa phương có sở, ngành đó
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định, theo dự thảo luật, Chính phủ cũng giảm mạnh trong sắp xếp cơ quan chuyên môn. Việc sắp sếp cơ quan bộ Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Nội vụ nghiên cứu trình cơ cấu Chính phủ  nhiệm kỳ QH khoá tới. Kể cả số lượng cấp phó giao bộ trưởng quyết định cũng là khuyến khích các đơn vị bên trong bộ sắp xếp gọn lại.

Số cấp phó quy định bình quân là 3 thì có thể sắp xếp chỗ 4 người, 3 người hoặc, 1 tùy tình hình chứ không đặt vấn đề giảm bên này mà không giảm bên kia.

(Theo Vietnamnet)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều