Không phải Trung Quốc, BRICS mới là đối trọng thực sự của Mỹ và phương Tây
Mặc dù cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc từ lâu đã chiếm sóng trên vũ đài chính trị thế giới. Thế nhưng đối trọng của Mỹ thực sự lại không phải là Trung Quốc mà là BRICS – khối các nền kinh tế mới nổi lớn. Sự trỗi dậy của BRICS có thể tạo ra những thay đổi mà Phương tây không thể đảo ngược.
Theo Megh Updates (Ấn Độ), một trong những nền tảng thông tin trực tuyến lớn nhất thế giới, tổng GDP của BRICS hiện thời chiếm 31,5% GDP toàn cầu, trong khi nhóm 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) chiếm 30,7% GDP toàn thế giới.
Dựa vào dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Bloomberg dự đoán tới năm 2028, BRICS có thể tiếp tục nới rộng khoảng cách với G7.
BRICS hiện chỉ có 5 thành viên, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, mà đã chiếm tổng diện tích hơn 39,7 triệu km2 và tổng dân số 3,21 tỷ người, tương đương hơn 26,6% diện tích đất liền toàn cầu và 41,53% dân số thế giới. Nhưng đó chưa phải là tất cả, vì chỉ trong vài năm qua, 13 quốc gia đã đăng ký gia nhập BRICS và 20 quốc gia khác đang bày tỏ mong muốn trở thành thành viên của nhóm này, trong đó có quốc gia lớn nhất châu Phi là Algeria, hay tại Trung đông có Ả rập Xê út, Iran, cùng nhiều quốc gia thuộc các châu lục khác như Argentina, Ai Cập, Bangladesh, Uruguay… cũng đã nộp đơn đăng ký. Các thành viên BRICS đang xem xét kết nạp thêm thành viên trong cuộc họp vào tháng 8 này. Điều này đồng nghĩa tiếng nói và sức ảnh hưởng của BRICS sẽ ngày một lớn.
BRICS xuất phát từ sự thừa nhận rằng mỗi khu vực đều có nhu cầu, lợi ích và mục tiêu kinh tế khác nhau và cần được hỗ trợ để cùng phát triển. Khối này có lập trường ủng hộ chủ nghĩa đa phương liên quan đến các vấn đề địa chính trị và kinh tế. Trong khi đó, xu hướng toàn cầu hóa sau chiến tranh lạnh đã nhường chỗ cho một kỷ nguyên mới, mà ở đó cạnh tranh địa chính trị cùng mối quan tâm về an ninh là động lực cho các quyết sách về kinh tế. BRICS ngay lập tức trở nên hấp dẫn vì khối này tạo ra một sân chơi mới nơi các thành viên đều có thể nói lên tiếng nói của mình, tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế và bảo vệ được lợi ích quốc gia, thậm chí còn hơn cả khi họ ngồi tại Liên Hiệp Quốc.
Sự trỗi dậy của BRICS đang khiến Phương tây gặp một đối trọng to lớn. Vì mối quan tâm của họ giờ đây sẽ không chỉ còn duy nhất mỗi Trung Quốc.
Dường như chúng ta đã bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh Mỹ – Trung mà quên mất rằng có một thế lực đang trỗi dậy, thế lực này không được dẫn đầu bởi một quốc gia nào cụ thể, nhưng lại có cùng chung một mục đích – cạnh tranh quyền lực với nhóm các nước Phương tây.
Mặc dù mới chỉ có 5 thành viên, nhưng BRICS hiện được xem là đối thủ địa chính trị hàng đầu của khối G7. Họ đã lập ra các sáng kiến cạnh tranh với các mô hình của phương Tây. Ví dụ, vào năm 2014, BRICS lập ra Ngân hàng Phát triển Mới được xem là một tổ chức thay thế cho Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Theo Paul Kennedy trong “Sự hưng thịnh và suy vong của các cường quốc,” Tổng thống Mỹ Richard Nixon từng nhận định rằng: “Sức mạnh kinh tế là then chốt so với các loại sức mạnh khác”
Nếu Mỹ đã từng thắng Liên Xô nhờ vào mô hình kinh tế thị trường hiệu quả, dùng kinh tế để kéo Trung Quốc tới gần mình, tạo thành thế tam giác Mỹ – Xô – Trung mà nơi đó Mỹ – Trung là liên minh đối đầu với Liên Xô. Thì nay Trung Quốc cũng đã khéo léo dùng kinh tế làm bàn đạp để hạ bệ Phương tây, nhưng thay vì đối đầu trực diện với Phương tây vào tạo nên một cuộc chiến tranh lạnh, Trung Quốc đã thúc đẩy một xu hướng không thể đảo ngược trên toàn cầu thông qua BRICS. Nên dù nước này có suy yếu đi vì bất kỳ lý do gì thì cán cân quyền lực của Mỹ cũng không còn được tuyệt đối như thời hậu chiến tranh lạnh với Liên Xô.
Mặc dù sự lớn mạnh của BRICS giúp cho những quốc gia đứng đầu nó như Nga và Trung Quốc đạt được những kết quả không thể đảo ngược, và song song đó nó cũng sẽ mang tới cơ hội cho các nước nhỏ hơn, tạo không gian cho những quốc gia này xây dựng được tiếng nói và vị thế của riêng mình. Nhưng vẫn còn không ít quốc gia lo ngại sẽ bị kéo vào xung đột khi tham gia BRICS, nhất là khi một thành viên nào đó trong nhóm xây dựng được ảnh hưởng của mình đối với toàn khối BRICS và tỏ ý đối đầu với Mỹ và Phương tây.
Huy Hoàng