Không phải Hàn hay Nhật, Việt Nam mới là quốc gia lọt top BXH các nước có tốc độ phát triển nhanh nhất Châu Á

Theo kết quả nghiên cứu của Phòng thí nghiệm tăng trưởng thuộc Đại học Harvard (Mỹ), Việt Nam là một trong ba quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất đến năm 2030, chỉ đứng sau mỗi Trung Quốc.

Mới đây, các nhà nghiên cứu của Phòng thí nghiệm tăng trưởng  Đại học Harvard đã công bố bảng xếp hạng quốc gia mới tính theo Chỉ số phức tạp kinh tế (ECI), nhằm đánh giá sự đa dạng và tinh vi về năng lực sản xuất thể hiện trong hàng hóa xuất khẩu của mỗi quốc gia.

Nhìn vào dự báo tăng trưởng đến năm 2030, 3 nền kinh tế châu Á sau đây sẽ là 3 nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất Châu Á: dẫn đầu là Trung Quốc, sau đó là Việt Nam và kế tiếp là Indonesia. Bất chấp sự gián đoạn về thương mại do đại dịch, xếp hạng mức độ phức tạp kinh tế của 3 quốc gia này vẫn vô cùng ổn định.

Riêng đối với Việt Nam, nền kinh tế đã tăng 12 bậc, lên đứng thứ 52 thế giới về tính đa dạng và sự hiện đại hóa các năng lực sản xuất trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu quốc gia trong giai đoạn từ năm 2015-2020. Nếu tính trong giai đoạn 10 năm (2010-2020), chỉ số tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã cải thiện 18 bậc với điểm ECI bình quân là 0,18 điểm.

Đánh giá về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ tới, các nhà nghiên cứu nhận định: “Mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng nhìn chung nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi với những kết quả tươi sáng. Chúng tôi vẫn đánh giá triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức lạc quan đến năm 2030”. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đưa ra một số lý do giải thích cho thứ hạng cao của Việt Nam trong BXH của Harvard.

Có thể nói, việc chấm dứt thành công và an toàn chuỗi ngày giãn cách xã hội diện rộng trước đó trên phạm vi toàn quốc là chiến thắng ngoạn mục, có tính quyết định khởi đầu cho quá trình phục hồi và tăng tốc kinh tế, tạo niềm tin và đồng thuận xã hội ngày càng khả quan của Việt Nam trong thời gian tới.

Thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định về chính trị – xã hội, các chuỗi cung ứng đã sớm được khôi phục và đa dạng hóa, niềm tin đầu tư được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, nợ công ổn định và dự trữ ngoại hối đạt mức cao kỷ lục… Tất cả sẽ tạo bộ đệm để Việt Nam ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài, đẩy nhanh thời gian mở cửa du lịch, tạo sự bùng nổ trở lại du khách nội địa, tăng thu hút khách quốc tế, đồng thời khôi phục sản xuất kinh doanh và nâng mức tăng trưởng GDP trong thập kỷ tới.

Nhờ đó, Việt Nam đã và đang tiếp tục mở rộng quy mô thương mại quốc tế và hình thành các thị trường xuất khẩu ổn định, đáng tin cậy. Quý I/2022 so với cùng kỳ năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 176 tỷ USD, tăng 14,4%; trong đó, xuất khẩu tăng 12,9%. Việt Nam tiếp tục xuất siêu 809 triệu USD trong quý II/2022 và dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, dòng vốn FDI chảy vào và thực hiện suốt thời gian đại dịch vừa qua vẫn duy trì trạng thái khả quan. Quý I/2022, vốn FDI thực hiện đạt 4,4 tỷ USD, cao nhất cùng kỳ từ năm 2018 đến nay. Bên cạnh đó, sự lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp còn được củng cố nhờ môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện. Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng được đánh giá tích cực dựa trên thứ hạng cao của Việt Nam trên các bảng xếp hạng kinh tế thương mại toàn cầu.

Theo số liệu thống kê, trong quý I/2022, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 36,7% so với cùng kỳ năm 2021; tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 21%, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động tăng 34,5%. Đặc biệt, sức sống và động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế trong những năm tới còn được cộng hưởng từ điều hành kinh tế linh hoạt, sự cộng hưởng các chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng (giảm, giãn nộp thuế, tiền thuê đất, phí trước bạ, lãi suất và thời hạn trả nợ), mở rộng đầu tư công, tăng cường cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chuyển đổi số.

Thực hiện: Lan Hoa 

Đồ họa: M.N