Không phải Covid-19, hôm nay là ngày cảnh giác về căn bệnh khiến 13.000 người chết tại Việt Nam mỗi năm
Ngày 24/3 hàng năm được WHO chọn là ngày Thế giới phòng, chống bệnh Lao để nâng cao nhận thức của mọi người về căn bệnh âm thầm nhưng rất nguy hiểm này.
Mặc dù đợt này tình hình đại dịch covid-19 đang cực kì căng thẳng với số ca nhiễm và tử vong tăng liên tục mỗi ngày, nhưng không vì thế mà chúng ta lại quên đi căn bệnh mỗi năm lây cho 10 triệu người và đều đặn lấy đi sinh mạng của 1,5 triệu người.
Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 1,3 triệu người tử vong do lao, và có thêm khoảng 300.000 ca tử vong do đồng nhiễm lao/HIV. Tình hình dịch tễ lao kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp và đã xuất hiện ở hầu hết các quốc gia. Năm 2017, trên toàn cầu ước tính tỷ lệ mắc lao đa kháng thuốc là 3,5% trong số bệnh nhân mới và là 18% trong số bệnh nhân điều trị lại.
Tại Việt Nam, ước tính có 17.000 trường hợp tử vong do lao tại Việt Nam mỗi năm, cao hơn gấp hai lần so với con số tử vong do tai nạn giao thông. Mỗi năm ước tính có 180.000 người có bệnh lao hoạt động, 5.000 trường hợp trong số đó được xác định nhiễm lao kháng đa thuốc.
Chúng ta tuy là 1 trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của bệnh lao nhưng cũng là quốc gia được thế giới đánh giá cao về việc luôn đưa ra các giải pháp tiếp cận mới để xử lý căn bệnh này.
“Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong việc chữa trị bệnh lao, chúng tôi rất vui mừng khi được chứng kiến những bước tiến quan trọng trong nghiên cứu và đổi mới. Chúng tôi trông đợi nhiều hơn đó là Việt Nam trở thành nước tiên phong trong việc thiết lập một mạng lưới nghiên cứu Lao của khu vực tới đây”, Tiến sĩ Tereza Kasaeva, Giám đốc Chương trình chống lao toàn cầu bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục tăng đầu tư trong nước cho chiến lược chấm dứt bệnh lao.
Tại cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về chấm dứt bệnh lao ngày 26-9-2018, Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Và với những gì mà Việt Nam đã cố gắng trước đó, chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng vào lời cam kết đấy.
Mặc dù Việt Nam chỉ là một nước đang phát triển, nhưng những gì thành tựu y học Việt Nam trước đó như: khống chế dịch SARS, MERS, xử lý bệnh lao và gần nhất là chữa trị hoàn toàn cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 đều khiến cả thế giới phải nể phục.
Bảo Trâm (Theo Trung tâm Tầm soát bệnh Lao Việt Nam)