+
Aa
-
like
comment

Không ngừng xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận an ninh nhân dân trên biển

16/09/2020 08:59

Cảnh sát biển Việt Nam trong thời gian qua đã đóng vai trò to lớn trong nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh biển, làm chỗ dựa vững chắc cho nhân dân làm ăn, sinh sống.

Trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá 12) đã ban hành Nghị quyết 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Căn cứ vào nghị quyết 36, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26. Nghị quyết này chỉ rõ: “Xây dựng lực lượng vững mạnh, nòng cốt là Hải quân, Phòng không Không quân, Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng, kết hợp cùng lực lượng các quân khu ven biển, kiểm ngư, dân quân tự vệ biển… bảo đảm năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thực thi pháp luật trên biển, nâng cao năng lực hoạt động của các lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển, làm chỗ dựa vững chắc cho nhân dân làm ăn, sinh sống trên các vùng biển, đảo và các hoạt động phát triển kinh tế biển; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên biển thông qua hoạt động kinh tế quốc phòng”.

Với vị trí là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển, Cảnh sát biển Việt Nam trong thời gian qua đã đóng vai trò to lớn trong nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh biển, làm chỗ dựa vững chắc cho nhân dân làm ăn, sinh sống.

Để hiểu rõ hơn về những nỗ lực không mệt mỏi của lực lượng cảnh sát biển để hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con ngư dân, Báo VietNamNet tổ chức cuộc Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Tuyên truyền Luật Cảnh sát biển, “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” với các khách mời: Thiếu tướng Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh Pháp luật Cảnh sát biển; Đại Tá Trần Văn Rồng, Chính ủy BTL Vùng Cảnh sát biển 1.

Xử lý kịp thời các tình huống, giữ vững chủ quyền biển, đảo

Xin được hỏi Thiếu tướng Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh Pháp luật Cảnh sát biển. Thời gian qua, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã triển khai nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như thế nào?

Trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá 12) đã ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 36, ngày 5/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP Ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36. Nội dung cơ bản của Nghị quyết số 36 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn. Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam.

Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ đã chỉ rõ: Xây dựng lực lượng vững mạnh, nòng cốt là Hải quân, Phòng không Không quân, Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng, kết hợp cùng lực lượng các quân khu ven biển, kiểm ngư, dân quân tự vệ biển… làm chỗ dựa vững chắc cho nhân dân làm ăn, sinh sống trên các vùng biển, đảo và các hoạt động phát triển kinh tế biển; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên biển.

Không ngừng xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận an ninh nhân dân trên biển
Tọa đàm trực tuyến “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”

Với vị trí là lực lượng vũ trang, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển, Cảnh sát biển Việt Nam đã quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 36 một cách nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả, cụ thể:

Một là: Chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chức năng của Nhà nước nắm chắc tình hình mặt biển; thu thập thông tin, tổng hợp, phân tích, dự báo các tình huống có thể xảy ra trên biển; kịp thời tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển hiệu quả, đúng đường lối, đối sách góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Hai là: Tổ chức hàng nghìn lượt tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, để đấu tranh, ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, góp phần gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản Việt Nam; tuyên truyền pháp luật, yêu cầu hơn 15.000 lượt tàu nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam. Trong năm 2019 và sáu tháng đầu năm 2020 đã phát hiện và xử lý hơn 1000 phương tiện, tàu thuyền vi phạm với số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên tới hàng chục tỷ đồng; tiến hành điều tra bắt giữ, xử lý hàng trăm vụ buôn lậu, gian lận thương mại trên biển với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, phát mại tài sản sung ngân sách của Nhà nước lên đến hàng trăm tỉ đồng góp phần ổn định an ninh kinh tế.

Không ngừng xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận an ninh nhân dân trên biển
Thiếu tướng Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh Pháp luật Cảnh sát biển

Bên cạnh đó, với tinh thần không quản ngại hiểm nguy, sẵn sàng vượt qua sóng to, bão lớn để hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân hoạt động trên biển, Cảnh sát biển Việt Nam đã thực hiện thành công hàng trăm vụ cứu dân, cứu tàu nơi biển xa, thực hiện đúng “mệnh lệnh từ trái tim”. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 2020, Cảnh sát biển Việt Nam đã thực hiện trên 200 vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; cứu kéo hàng trăm phương tiện với hơn 1.000 ngư dân gặp nạn; tìm vớt được 19 thi thể, trong đó có 4 phương tiện và 34 thủy thủ tàu nước ngoài; lai dắt 361 tàu cá của ngư dân vào khu vực neo đậu an toàn.

Ba là: Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” và cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương” tại các xã, huyện đảo để tạo điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, góp phần xây dựng thế trận lòng dân, an ninh nhân dân trên biển, bảo vệ môi trường, tài nguyên biển, đảo của Tổ quốc.

Bốn là: Tích cực, chủ động nghiên cứu, tham gia xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ biển, đảo của tổ quốc trong giai đoạn hiện nay, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế biển.

Đặc biệt trong năm 2018, Cảnh sát biển Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Quốc phòng xây dựng thành công dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, đây là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ, quản lý biển, đảo của nước ta, khẳng định chủ trương giải quyết các vấn đề trên biển bằng biện pháp pháp luật, hòa bình; tăng cường sức mạnh và hiệu quả hơn nữa trong thực thi pháp luật trên biển.

Năm là: Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem về biển, đảo với chủ đề “Tàu Cảnh sát biển Việt Nam”, nhân dịp kỷ niệm 22 năm ngày thành lập Cảnh sát biển Việt Nam (28/8/1998-28/8/2020), Bộ tem được triển khai trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam giai đoạn 2018-2020.

Bộ tem thể hiện hình ảnh những con tàu Cảnh sát biển Việt Nam vượt sóng, ngược gió, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển không quản hiểm nguy, bất kể bão tố, giông lốc sẵn sàng lao vào lòng biển để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, bảo vệ từng sải biển của Tổ Quốc đã khắc họa rõ nét, gắn liền hình ảnh của Cảnh sát biển Việt Nam với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ Quốc.

Không ngừng xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận an ninh nhân dân trên biển
Đại Tá Trần Văn Rồng, Chính ủy BTL Vùng Cảnh sát biển 1

Tuyên truyền phổ biến pháp luật, giúp ngư dân phòng chống dịch 

Được biết Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đang đẩy mạnh hoạt động dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” rất hiệu quả. Thưa Đại tá Trần Văn Rồng Chính ủy BTL Vùng CSB 1, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 1 đã triển khai nhiệm vụ này như thế nào? Nhất là đối với nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến pháp luật, giúp đỡ ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, phòng chống với dịch bệnh trên biển?

Nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngư dân trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên biển, bám sát thực tiễn đặc điểm, tình hình vùng biển được phân công, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh (BTL) Cảnh sát biển, BTL Vùng Cảnh sát biển 1 luôn chú trọng làm tốt công tác dân vận với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng.

Trong đó việc triển khai thực hiện Mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” là một điểm sáng nổi bật. Với mục tiêu là tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng các xã, huyện đảo vững mạnh; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ ngư dân hoạt động nghề cá an toàn, đúng pháp luật và phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển trong bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn trên biển, đảo. Có thể nói, đây là Mô hình mang tính đột phá, thể hiện ý thức, trách nhiệm chính trị cao, sự sáng tạo của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển trong việc cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/QUTW, ngày 26-10-2015 của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới”.

Qua gần 4 năm thực hiện (2017-2020), Mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” mà BTL Vùng Cảnh sát biển 1 triển khai thực hiện đã chứng minh được tính hiệu quả thiết thực. Thông qua các hoạt động như phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật; vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn biển, đảo; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng cờ Tổ quốc, áo phao, tặng quà cho ngư dân nghèo, đối tượng chính sách; giúp đỡ nhân dân các xã, (huyện) đảo phát triển kinh tế xã hội…

Các hoạt động trên đã thắt chặt tình cảm quân dân thêm gắn bó, là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển; góp phần tỏa sáng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ Người chiến sĩ Cảnh sát biển” trong thời kỳ mới.

Chính vì vậy, năm 2019, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển quyết định nâng cấp thành Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” và triển khai trong toàn lực lượng.

Đối với công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giúp đỡ ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, phòng chống dịch bệnh, BTL Vùng đã thường xuyên phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương nơi đơn vị đứng chân tiến hành tuyên truyền cho cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên, công nhân, nhân dân, ngư dân trên địa bàn 10 tỉnh thành ven biển phía Bắc.

Đồng thời, phối hợp với các lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, tổ chức tuyên truyền về các nội dung Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam; Hiệp định hợp tác nghề cá; Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ; Pháp lệnh về lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; những điều ngư dân cần biết khi đánh bắt, khai thác hải sản trên khu vực đánh cá chung; tác hại của ma túy v.v.

Từ năm 2017 đến nay, BTL Vùng Cảnh sát biển 1 đã tiến hành tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho 4.200 lượt quân nhân; phối hợp với các lực lượng tổ chức 43 đoàn tuyên truyền biển, đảo, ma túy và những nội dung liên quan đến hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam cho hơn 14.000 lượt người trên các địa bàn; cấp phát gần 51.000 tờ rơi, tờ gấp các loại; tặng trên 1.600 lá cờ Tổ quốc, 900 phao cứu sinh, áo phao cho nhân dân và ngư dân làm ăn trên biển.

Thời gian qua, trước tình hình đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhằm cụ thể hóa Chỉ thị của Thủ tướng về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, BTL Vùng Cảnh sát biển 1 đã tổ chức các hoạt động thăm, động viên, tặng khẩu trang, nước sát khuẩn cho bà con ngư dân các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng như các chốt trực phòng, chống dịch tại một số điểm trong nội thành Hải Phòng. Cụ thể, đã cấp phát gần 10.000 khẩu trang; 400 lọ nước rửa tay; trên 1.000 bánh xà phòng; gần 1.000 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. Hoạt động trên của BTL Vùng CSB 1 đã góp phần cùng các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Không ngừng xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận an ninh nhân dân trên biển
Thiếu tướng Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh Pháp luật Cảnh sát biển

Đa dạng các hình thức tuyên truyền

Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 36 là nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vậy xin Thiếu tướng Trần Văn Nam cho biết kết quả của nhiệm vụ này trong thời gian qua?

Trong hơn hai năm qua (2018 2010), Cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp tổ chức tuyên truyền biển, đảo và tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân các tỉnh, thành ven biển và ngư dân làm ăn trên biển về pháp luật bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc; những điều ngư dân cần biết khi khai thác hải sản trên biển, những điều ngư dân cần biết về cứu hộ, cứu nạn trên biển, tình hình trên các vùng biển, hướng dẫn ngư dân khai thác hải sản trên biển đúng pháp luật…, bằng nhiều hình thức như: Thông qua Chương trình công tác Dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, Mô hình “Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc, tôn giáo”; tổ chức các Cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương”; giao lưu văn hóa, sân khấu hóa, phát tờ rơi, tờ gấp, băng đĩa hình; gặp gỡ trực tiếp, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh nội bộ của địa phương; trên Tạp chí, trang tin điện tử Cảnh sát biển và các báo, đài Trung ương, địa phương.

Chúng tôi đã tổ chức thành công 22 Cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương” tại 21 điểm trường THCS trên 16 tỉnh thành, tuyên truyền về pháp luật, về biển đảo và phòng chống tác hại của Ma túy, bạo lực cho 11.500 giáo viên, học sinh, cán bộ và Nhân dân. Tổ chức tuyên truyền tập trung và cử các tổ đội trực tiếp xuống các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động và neo đậu tại bến để tuyên truyền với hơn 622  buổi cho hơn 117. 827cán bộ, nhân dân, ngư dân trên địa bàn các tỉnh thành ven biển; cấp phát hơn198.000 tờ rơi, tờ gấp các loại và 3.000 đĩa DVD.

Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh nội bộ của địa phương hơn 112 buổi. Phối hợp với các cơ quan thông tấn tuyên truyền 3.285 tin bài, 153 phóng sự, 36 phim bổ trợ cho công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật. Phối hợp, ký kết với Đài truyền hình các tỉnh thành ven biển xây dựng và phát sóng 182 Chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biển đảo”. Phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam xây dựng bộ tem “Tàu Cảnh sát biển Việt Nam” .

Duy trì thường xuyên có hiệu quả hoạt động của Tủ sách pháp luật ở các cơ quan, đơn vị và trên các tàu Cảnh sát biển phù hợp với tình hình thực tế và đặc thù hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển. Qua hơn 2 năm triển khai Hoạt động “Tủ sách pháp luật”, tổng số lượt cán bộ, chiến sĩ  trong toàn lực lượng tham gia đọc, nghiên cứu tại chỗ là 39.850 lượt người; tham gia mượn, nghiên cứu là 17.585 lượt người. Biên soạn, in ấn và phát hành 3000 cuốn “Sổ tay pháp luật Cảnh sát biển Việt Nam” và 5000 cuốn “Sổ tay tuyên truyền cho ngư dân của Cảnh sát biển Việt Nam”.

Ý thức của ngư dân ngày một nâng cao

Đại tá Trần Văn Rồng có thể cho biết quá trình tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, hiện nay nhận thức của bà con ngư dân đã có sự chuyển biến như thế nào?

Thực tế cho thấy, ở các xã ven biển, huyện đảo, tình hình kinh tế xã hội phát triển một số nơi còn chậm, nhận thức của người dân về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước không đồng đều, việc đi lại gặp nhiều khó khăn; đa số nhân dân mà trực tiếp là ngư dân đánh bắt trên biển bên cạnh mặt tích cực cũng xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp, nhất là việc tranh chấp ngư trường, vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản, sử dụng thuốc nổ, hóa chất khai thác hải sản mang tính tận diệt…

Bởi vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân và nhân dân trên các xã (huyện) đảo được đơn vị xác định là nội dung quan trọng hàng đầu trong triển khai Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”. Theo đó, Bộ Tư lệnh Vùng đã bám sát hướng dẫn của cấp trên, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, huyện đảo xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng phù hợp với trình độ nhận thức, đặc điểm địa bàn.

Với phương châm “thiết thực, hiệu quả”, lấy tư vấn làm trọng tâm, nâng cao nhận thức pháp luật cho ngư dân làm mục đích, đơn vị đã tích cực đổi mới, nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục. Nội dung tuyên truyền tập trung vào Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Luật Biển Việt Nam; Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ; Hiệp định Hợp tác nghề cá Việt Nam – Trung Quốc; Luật Thủy sản; Luật môi trường; Luật phòng chống tội phạm ma túy; Luật Cảnh sát biển; tuyên truyền cho ngư dân không vi phạm vùng biển của nước ngoài để khai thác hải sản trái phép, không khai báo; tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước để khuyến khích, động viên nhân dân ổn định sinh sống trên đảo, tích cực bám ngư trường khai thác; tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn biển, đảo; kịp thời phát hiện, thông tin tình hình trên biển cho Cảnh sát biển và lực lượng chức năng để có biện pháp xử lý…

Hình thức tuyên truyền được tiến hành linh hoạt, đa dạng, sinh động, sát thực, hiệu quả như: tuyên truyền trực tiếp qua hoạt động của đội ngũ báo cáo viên; phát tờ rơi, tờ gấp, sổ tay pháp luật; băng rôn, khẩu hiệu; cử các các tổ, đội trực tiếp xuống các âu tầu, nhóm tàu để tuyên truyền; phát loa tuyên truyền trên các tàu đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trên biển.v.v

Và chính sự vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ trong công tác tuyên truyền của BTL Vùng Cảnh sát biển 1 đã góp phần làm cho nhận thức, ý thức của bà con ngư dân được nâng lên rõ rệt. Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc của nhân dân và ngư dân ngày càng được nâng cao.

BTL Vùng đã góp phần xây dựng ý thức trách nhiệm cho ngư dân đấu tranh với các hiện tượng sai trái, tiêu cực trên biển, đảo như: vi phạm qui định về trật tự, an toàn trên biển; buôn bán hàng cấm; trốn lậu thuế; đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài; đánh bắt hải sản có tính chất tận diệt, dùng hóa chất đánh bắt hải sản làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và phá hoại môi trường sinh thái biển.

Bên cạnh đó, thông qua tuyên truyền đã giúp cho nhân dân các xã (huyện) đảo và ngư dân có nhiều thông tin hữu ích về tình hình biển, đảo hiện nay.

Đưa Luật Cảnh sát biển vào đời sống

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển sẽ tiếp tục triển khai hoạt động gì để Luật Cảnh sát biển Việt Nam đi vào đời sống của bà con ngư dân làm ăn sinh sống trên biển, thưa Thiếu tướng Trần Văn Nam?

Ngay sau khi Luật Cảnh sát biển Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tham mưu cho Chính phủ, Bộ Quốc phòng ban hành 10 văn bản QPPL và 5 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Tư lệnh Cảnh sát biển để triển khai thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam; tổ chức Cuộc thi tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam cấp Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển làm cơ sở, kinh nghiệm tham mưu Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam phạm vi toàn quốc; biên soạn 4 tài liệu tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam và chuẩn bị tốt cho công tác tập huấn Luật Cảnh sát biển Việt Nam trên phạm vi toàn quốc trong năm 2020…. Những kết quả đạt được nêu trên đã từng bước đưa Luật Cảnh sát biển Việt Nam vào thực tiễn cuộc sống.

Trong thời gian tới, Cảnh sát biển tiếp tục triển khai các nhiệm vụ cụ thể sau để đưa luật Cảnh sát biển vào thực tiễn đời sống bằng các việc làm cụ thể như sau:

Tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch phối hợp giữa các đơn vị Cảnh sát biển với Ban Tuyên giáo tỉnh các tỉnh thành ven biển để tổ chức các buổi tuyên truyền về Luật Cảnh sát biển Việt Nam cho cán bộ chủ chốt đại diện cho cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đoàn thể và các lực lượng vũ trang và bà con nhân dân, chủ tàu thuyền tại địa phương nơi đơn vị đóng quân.

Phát huy những kết quả đạt được của Mô hình Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân trong thời gian qua và xác định tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này một cách thường xuyên, liên tục. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị của lực lượng Cảnh sát biển, góp phần xây dựng, củng cố địa phương ngày càng vững mạnh, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển. Tăng cường hơn nữa giáo dục về pháp luật đối với ngư dân. Ngư dân chấp hành tốt pháp luật cũng góp phần to lớn để giúp Cảnh sát biển thực hiện tốt nhiệm vụ của mình”.

Tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tổ chức thành công cuộc thi tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam trên phạm vi toàn quốc, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về pháp luật bảo vệ biển, đảo trong giai đoạn hiện nay, đây là cách đưa luật Cảnh sát biển đi vào cuộc sống một cách thiết thực và đầy đủ nhất.

Tiếp tục tổ chức tập huấn, huấn luyện, sâu rộng Luật Cảnh sát biển Việt Nam tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển; đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển đến bà con ngư dân làm ăn, sinh sống trên biển. Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển và nhân dân về pháp luật bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Không ngừng xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận an ninh nhân dân trên biển
Đại Tá Trần Văn Rồng

Mệnh lệnh từ trái tim

Đại Tá Trần Văn Rồng có thể chia sẻ một vài câu chuyện cảm động trong quá trình đồng hành với bà con ngư dân cũng như bài học kinh nghiệm về tổ chức hoạt động Công tác Dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” đối với các đơn vị trong toàn lực lượng?

Có lẽ trong ký ức của cán bộ, chiến sĩ BTL Vùng CSB 1 luôn nhớ mãi về một câu chuyện xảy ra cách đây hơn 1 năm. Tôi còn nhớ,  hôm đó ngày 12-7, vào lúc 9h30 phút, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 nhận được đề nghị của UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ về việc điều động phương tiện đưa kíp bác sĩ từ đất liền ra mổ cấp cứu một sản phụ trên đảo đang trong tình trạng nguy kịch.

Đồng chí Đào Minh Đông, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ cho biết, sản phụ là Vũ Thị Nga, sinh năm 1984, quê ở xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, là cư dân của đảo. Đây là lần sinh con thứ hai của chị Nga. Do điều kiện sóng to và sức khỏe yếu cho nên sản phụ không thể về đất liền sinh được. Sáng cùng ngày, tình trạng sản phụ có chiều hướng xấu dần, khó sinh, bắt buộc phải mổ tại đảo. Sở Y tế Hải Phòng xác định, đây là ca mổ đẻ khó, cho nên, để bảo đảm an toàn phải đưa kíp mổ của Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng ra đảo để trực tiếp mổ cấp cứu. Do thời tiết xấu, yêu cầu gấp về thời gian, cho nên rất cần sự giúp đỡ về phương tiện của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 để bảo đảm về thời gian và tính mạng của mẹ con sản phụ.

Ngay sau khi nhận được đề nghị trên, được sự đồng ý của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 lập tức điều động tàu CSB 2007, thuộc Hải đội 112, Hải đoàn 11 chở kíp bác sĩ gồm bảy người của Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng khẩn trương rời cảng lên đường thực hiện nhiệm vụ. Vượt qua quãng đường hơn 70 hải lý trong điều kiện biển động, sóng to, sau gần bốn giờ, tàu CSB 2007 đã ra đến đảo Bạch Long Vĩ. Ngay lúc đó, kíp bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng phối hợp Trung tâm Y tế quân dân y trên đảo nhanh chóng mổ cấp cứu cho sản phụ. Bé trai nặng 2,5 kg đã chào đời lúc 16 giờ cùng ngày. Cháu bé được đặt tên là Vũ Cao Đại Phúc.

Để bảo đảm an toàn sau sinh, các bác sĩ quyết định sẽ đưa mẹ con sản phụ trở về đất liền để được chăm sóc, theo dõi sức khỏe bằng trang thiết bị tốt nhất. Vậy là con tàu CSB 2007 lại tiếp tục nhận nhiệm vụ chở mẹ con sản phụ và kíp bác sĩ quay về đất liền. Và ngay trong đêm đó, tàu CSB 2007 đã cập cảng an toàn. Chị Nga được đưa ngay vào Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng để chăm sóc, điều trị và hiện nay, cháu bé đã được hơn một tuổi, khỏe mạnh. Chúng tôi rất vui vì điều đó.

Với những người lính Cảnh sát biển, phương châm “Giúp ngư dân là giúp mình, cứu ngư dân là mệnh lệnh xuất phát từ trái tim người chiến sĩ” luôn được đặt lên hàng đầu và coi đây là nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Do vậy, bất kể thời gian nào, khi nhận được lệnh lên đường cứu nạn, anh em trên tàu phải nhanh chóng làm mọi công tác chuẩn bị, bảo đảm cho tàu ra khơi nhanh nhất, tiếp cận và cứu nạn một cách kịp thời nhất.

Và theo chúng tôi, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ cứu dân trong điều kiện sóng to gió lớn thì ngoài yếu tố “tinh thần thép” ra, anh em cán bộ, chiến sĩ trên tàu phải thường xuyên rèn luyện thể lực để đảm bảo có sức chịu đựng bền bỉ, luôn biết cách vượt qua khó khăn, vất vả và hiểm nguy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ!

Không ngừng xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận an ninh nhân dân trên biển
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam

Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với nhiệm vụ quốc phòng an ninh

Xin hỏi Phó Tư lệnh Pháp luật Cảnh sát biển Thiếu tướng Trần Văn Nam: Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát biển sẽ có những giải pháp nào nhằm góp phần phát triển bền vững kinh tế biển gắn với nhiệm vụ Quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự an toàn trên biển?

Dự báo những năm tiếp theo, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, kinh tế biển Việt Nam còn bị tác động, ảnh hưởng bởi nhiều vấn đề an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống trên biển. Để quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết số 36-NQ/TW, phát huy vai trò làm nòng cốt thực thi pháp luật trên biển, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, lực lượng Cảnh sát biển cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản sau để góp phần phát triển bền vững kinh tế biển gắn với nhiệm vụ Quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự an toàn trên biển:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết số 36-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 khóa XII, Nghị quyết số 26-NQ/CP của Chính phủ về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Gắn chặt nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển với mục tiêu bảo vệ  hoạt động của tổ chức, cá nhân trong phát triển kinh tế biển; tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Hai là, hoàn thiện tổ chức bộ máy, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh; chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ. Tiếp tục thực hiện Đề án xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chủ động, tích cực tham mưu đề xuất Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư cho lực lượng Cảnh sát biển thực hiện các dự án đóng mới tàu thuyền, nhất là các tàu có lượng giãn nước lớn, đa năng, có tính cơ động cao, khả năng hoạt động dài ngày trên biển trong các điều kiện thời tiết phức tạp; ưu tiên mua sắm phương tiện, thiết bị kỹ thuật chuyên dụng, hiện đại đáp ứng yêu cầu đặc thù của Cảnh sát biển, bảo đảm tính đồng bộ, chặt chẽ, phục vụ kịp thời mọi yêu cầu nhiệm vụ.

Ba là, xây dựng Đảng bộ Cảnh sát biển Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Chỉ thị 202 của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển về thực hiện Phòng trào “Bốn tốt, bốn không, bốn chống”.

Bốn là, Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển quy định trong Luật Cảnh sát biển Việt Nam, trọng tâm là bảo vệ chủ quyền, quyền  chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; duy trì vùng biển hòa bình, ổn định; bảo vệ các hoạt động kinh tế kiển như thăm dò khai thác tài nguyên biển… Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, sự hiện diện của Cảnh sát biển trên các vùng biển, đảo Việt Nam, nhất là ở những vùng biển trọng điểm, nhạy cảm, vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam với các nước để kiểm soát tình hình và phòng, chống các hoạt động tội phạm, vi phạm; đồng hành cùng ngư dân, tạo ngư trường ổn định, bảo vệ, bảo đảm an toàn cho ngư dân làm ăn trên biển; kiểm soát, xử lý tốt tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam theo đúng chủ trương, đối sách.

Năm là, chủ động tăng cường, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong thực thi pháp luật trên biển. Thực hiện nghiêm các điều ước, thoả thuận khu vực, toàn cầu về biển, đại dương mà Việt Nam là thành viên. Duy trì hiệu quả Trung tâm chia sẻ thông tin chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền khu vực Châu Á; đẩy mạnh việc thiết lập thêm đường dây nóng giữa lực lượng Cảnh sát biển với cơ quan, lực lượng chức năng quốc gia trong khu vực; tăng cường hợp tác quốc tế trong huấn luyện, diễn tập. Mở rộng hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín, năng lực, kinh nghiệm thực thi pháp luật trên biển của lực lượng Cảnh sát biển, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

PV/VNN

Bài mới
Đọc nhiều