+
Aa
-
like
comment

Không ngồi yên để Trung Quốc biến Biển Đông thành “ao nhà”

Tùng Anh - 25/06/2020 11:47

Bằng những hành động mang tính răn đe, Mỹ muốn phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng họ không ngồi yên để Trung Quốc mặc sức đe dọa tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và đặc biệt là biến vùng biển chiến lược quan trọng này thành “ao nhà”.

ảnh 1
Các tàu khu trục hộ tống hai biên đội tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz của Mỹ đang đồng thời triển khai ở vùng biển Philippines nhằm phát đi thông điệp răn đe với tham vọng phi lý của Trung Quốc

3 biên đội tác chiến tàu sân bay Mỹ cùng hiện diện ở Biển Đông

Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ vừa ra thông báo cho biết, các nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71) và USS Nimitz (CVN 68) từ ngày 23-6 đã bắt đầu các hoạt động kép ở biển Philippines. Hai biên đội tàu tác chiến sân bay này thực hiện tập trận phòng không, giám sát, hậu cần trên biển, huấn luyện chiến đấu phòng không, diễn tập tấn công tầm xa, điều động phối hợp và các bài tập khác.

Cùng lúc này, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN 76) cũng đang tiến hành các hoạt động ở biển Phiippines. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017, hải quân Mỹ triển khai đồng thời 3 biên đội tác chiến tàu sân bay của mình tại cửa ngõ Biển Đông tranh chấp trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng.

Các nhà phân tích nhận định việc Mỹ điều động 3 tàu sân bay đến Tây Thái Bình Dương có khả năng là để gửi thông điệp tới Trung Quốc rằng bất chấp đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quân đội Mỹ vẫn sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện mạnh mẽ của mình trong khu vực. Đặc biệt, việc triển khai cùng một lúc 3 biên đội tác chiến tàu sân bay tới Biển Đông được xem là sự đáp trả các hành động hung hăng, gây hấn và vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại vùng biển này.

Trong phản ứng đầu tiên đưa ra trước việc 3 biên đội tác chiến tàu sân bay của Mỹ cùng hiện diện tại Biển Đông, giới quân sự Trung Quốc cảnh báo, Bắc Kinh có thể đáp trả bằng cách tiến hành tập trận quân sự. Đồng thời, không quên nhắc đến 2 loại tên lửa tầm trung DF-21D, DF-26, những loại tên lửa chống hạm mà giới quân sự Trung Quốc cho rằng là “sát thủ tàu sân bay” sẽ khiến “tàu sân bay Mỹ trở nên lỗi thời”.

Tuy nhiên, bất chấp những sự đe dọa đó, giới chức hải quân Mỹ vẫn khẳng định tàu sân bay của họ sẽ hoạt động “bất kỳ nơi nào” trong vùng biển quốc tế nếu cần.

Căng thẳng ở Biển Đông bất chấp dịch bệnh Covid-19

Theo giới phân tích, việc 3 nhóm tàu sân bay tác chiến của Mỹ cùng hiện diện, tập trận tại Biển Đông trong bối cảnh quân đội Mỹ gần đây phải chật vật đối phó với đại dịch Covid-19 vốn khiến hơn 2,4 triệu người Mỹ mắc bệnh và hơn 123.000 người Mỹ tử vong là sự khẳng định sẵn sàng ở mức độ cao, quy mô lớn của quân đội Mỹ trong mọi tình huống nhằm trấn an đồng minh và ngăn Trung Quốc lợi dụng tình hình đại dịch để gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Lầu Năm góc muốn cho Bắc Kinh thấy rằng đại dịch Covid-19 không hề ảnh hưởng tới khả năng tác chiến, răn đe của quân đội Mỹ, nhất là lực lượng hải quân ở mọi điểm nóng trên thế giới như Biển Đông, nơi Trung Quốc bị cáo buộc lợi dụng dịch bệnh để gia tăng các hành vi hòng áp đặt chủ quyền phi pháp.

Trung Quốc thời gian qua đã bất chấp dịch bệnh Covid-19 hoành hành tại chính quốc gia này và khu vực đã có hàng loạt động thái, việc làm gây căng thẳng ở Biển Đông như tiến hành diễn tập, điều tàu khảo sát Hải Dương 8 “quấy nhiễu” tàu thăm dò dầu khí của Malaysia trong vùng biển mà quốc gia Đông Nam Á này tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế, đâm chìm tàu cá của Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam…

Mới đây nhất, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin ngày 22-6 đã khẳng định Trung Quốc đã “bồi đắp và vũ khí hóa” bãi cạn Scarborough thuộc quyền kiểm soát của Philippines song bị Trung Quốc dùng vũ lực kiểm soát từ năm 2012. Ông Locsin cáo buộc, Trung Quốc “đã có một đường băng cho các chiến đấu cơ hạ cánh” trên bãi cạn Scarborough chiếm giữ của Philippines.

Triển khai cùng lúc 3 biên đội tác chiến tàu sân bay tới Biển Đông cùng phối hợp với máy bay ném bom chiến lược B-52 tuần tra trên vùng biển này, Mỹ rõ ràng muốn phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng, không ai có thể dùng sức mạnh để gây hấn, đe dọa hòng thực hiện các toan tính của riêng mình. Mỹ cũng như các đồng minh sẽ hành động để đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Đáng chú ý là đồng thời với 3 biên đội tác chiến tàu sân bay, Lầu Năm Góc ngày 23-6 cũng công bố hình ảnh cho thấy tàu tác chiến ven biển USS Gabrielle Giffords cùng tàu huấn luyện JS Kashima và JS Shimayuki của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) đang tiến hành cuộc diễn tập chung trên Biển Đông. Thông qua cuộc diễn tập về khả năng tương tác và sẵn sàng chiến đấu trong việc “đảm bảo duy trì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, Mỹ và những đồng minh quan trọng nhất trong khu vực muốn cho thấy họ không ngồi yên trước bất kỳ toan tính nào muốn biến Biển Đông thành “ao nhà”.

“Đây là một cơ hội để huấn luyện trong một kịch bản phức tạp nhằm cải thiện các kỹ năng chiến thuật cũng như tính sẵn sàng trong bối cảnh khu vực đối mặt với “áp lực ngày càng tăng và dịch bệnh Covid-19”.

Đô đốc Doug Verissimo (Chỉ huy biên đội tàu sân bay Theodore Roosevelt) 

“Chiến dịch phối hợp của các nhóm tàu sân bay Mỹ thể hiện sự sẵn sàng chiến đấu của lực lượng hải quân và là một thông điệp mạnh mẽ thể hiện cam kết đối với an ninh và ổn định khu vực, nhằm bảo vệ các quyền quan trọng, gồm quyền tự do và sử dụng biển một cách hợp pháp vì lợi ích của tất cả các quốc gia”.

Chuẩn Đô đốc James Kirk (Tư lệnh biên đội tác chiến tàu sân bay USS Nimitz)

Bài mới
Đọc nhiều