+
Aa
-
like
comment

“Không nên đả phá đồng chí mình vì mục đích thấp hèn”

15/06/2020 08:21

Nhà báo Đức Lượng cho rằng, với trách nhiệm của con người chân chính thì không nên trù dập, đả phá đồng chí của mình vì mục đích thấp hèn.

Hiện nay các địa phương đang triển khai tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng. Thực tế cho thấy, trước mỗi kỳ Đại hội, số lượng đơn thư ý kiến, tố cáo chính danh và nặc danh đều tăng.

Có những đơn thư viết trên tinh thần xây dựng, góp ý, có dẫn chứng cụ thể để làm rõ những vấn đề liên quan đến cá nhân hay tập thể, giúp cơ quan chức năng đánh giá đúng người, đúng việc trong quá trình chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ mới. Song cũng không ít đơn thư mang tính chất vu khống, bôi nhọ, đả phá nhằm mục đích hạ thấp uy tín của một cá nhân, làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác nhân sự các cấp.

Mục đích đằng sau những đơn thư vu khống, bôi nhọ cá nhân đó chính là vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, vì kèn cựa chức quyền, vì tranh giành quyền lực.

“Nhóm lợi ích” ngày càng lớn lên

Theo nhà báo Đức Lượng – nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân, mỗi giai đoạn cách mạng đều đòi hỏi cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng những đòi hỏi, mong muốn của nhân dân. Nếu như trước kia, cán bộ đều có tâm niệm xả thân vì đất nước, lấy sự cống hiến cho đất nước là niềm vui và hạnh phúc cuộc đời, thì ngày nay, trong một bộ phận không nhỏ, giá trị này được đánh giá khác đi vì những lợi ích của nó cũng đã khác.

Nhà báo Đức Lượng – nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân.

“Ngày nay không phải đơn lẻ hay một ít người mà nhóm lợi ích ngày càng lớn lên. Những ham muốn, nhu cầu, khát vọng kéo theo con người. Khi đất nước mở cửa, hội nhập với quốc tế, bên cạnh những mặt tích cực cũng có những mặt tiêu cực mà Đảng ta cũng chưa lường hết được. Mặt trái của cơ chế thị trường nảy sinh nhiều vấn đề khác nhau, có người không cống hiến mà vẫn được hưởng, họ bon chen để có địa vị, sự giàu sang; ngược lại có những người cống hiến mà không được hưởng, không được đánh giá đầy đủ” – ông Đức Lượng chia sẻ.

Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân cho rằng, đối với cách mạng, cán bộ là then chốt của mọi then chốt. Còn đối với lợi ích của từng nhóm (tiêu cực) thì cán bộ cũng là yếu tố quyết định. Đã nói nhóm lợi ích bao giờ cũng có 2 mặt, một mặt cố kết, lôi kéo nhau, một mặt bài xích, triệt hạ nhau. Tất cả là vì lợi ích, vì mục tiêu kinh tế, vì miếng ăn, để sống giàu sang hơn, không sống bằng lao động mà sống bằng mưu mẹo, bằng quan hệ, như ca dao từng nói: Miếng ăn là miếng tồi tàn/Mất đi một miếng lộn gan lên đầu.

Bản thân cán bộ đã thoái hóa nhưng vì tham vọng quyền lực, muốn tồn tại được trong bộ máy thì họ phải tìm các lực lượng cùng phe cánh để nâng đỡ, ủng hộ, thậm chí chống lưng, bảo vệ cho họ. Thậm chí còn có hiện tượng doanh nghiệp này, cá nhân kia bỏ tiền ra để “chạy” cho 1 cá nhân khác. Khi “chạy” được chức rồi thì họ sẽ được “trả ơn, trả nghĩa”.

Cùng với việc “chạy” thì nhóm lợi ích đó còn đả phá những đối tượng khác có khả năng cạnh tranh cùng cương vị. Nên tình trạng càng gần Đại hội thì càng nhiều chuyện về cán bộ bị moi móc. Có những điều moi móc đúng, nhưng cũng có những người tốt thực sự bị moi móc về đời tư, dựng chuyện sai sự thật, làm cho những người làm công tác lựa chọn cán bộ phải đắn đo, phải đầu tư công sức đi thẩm tra. Chính sự phe cánh, đánh đấm, loại trừ nhau gây ra một sự tốn kém cho Đảng không phải ít.

Không nên đả phá đồng chí mình vì mục đích thấp hèn

Nhà báo Đức Lượng cho rằng, bên cạnh việc tâng bốc nhau, moi móc, dựng chuyện về người khác, suy cho cùng là vì lợi ích cá nhân, sự tham vọng của từng con người, từng tổ chức. Trước kia, có cán bộ sau khi được đề bạt rồi thì xuất hiện thư nặc danh dựng chuyện, tố cáo lên các cơ quan chức năng. Còn ngày nay với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội, lượng đơn thư, ý kiến “bùng nổ” với nhiều cách thức truyền tải khác nhau, gây sức ép cho cơ quan thụ lý.

“Muốn tránh những việc này. trước hết trong nội bộ phải tăng cường sức mạnh đoàn kết. Với nghĩa vụ công dân, với trách nhiệm của con người chân chính thì không nên trù dập, đả phá đồng chí của mình vì mục đích thấp hèn; cùng với đó các cơ quan chức năng cũng phải tinh tường phân biệt đúng, sai; có sức mạnh của dư luận xã hội để chống lại những kẻ vì đồng tiền, vì tham vọng cá nhân của mình mà bêu xấu người này, ca ngợi không đúng về người khác”- ông Đức Lượng cho biết.

Nhiều năm theo dõi công tác Đại hội, đại biểu Bùi Văn Phương – Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng, có hiện tượng trước Đại hội hay có chuyện đơn thư. Trong đơn thư có nhiều loại, trong đó có thư bịa đặt nhằm hạ bệ nhau hoặc vì mục đích cá nhân. Trong đa số thư giấu tên đó đều là thư tố cáo vu vơ, còn tố cáo đúng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.

Theo quy định hiện nay, thư nặc danh sẽ không được xem xét, ngoại trừ thư nặc danh nhưng có dẫn chứng đủ cơ sở để thẩm tra, xác minh, kết luận thì cơ quan làm công tác kiểm tra vẫn phải xem xét. Nếu thư tố cáo sai thì người tố cáo sẽ phải chịu trách nhiệm, thậm chí phải chịu tội vu khống theo luật hình sự.

“Trong thư, nếu có một phần đúng, nhiều phần sai thì cơ quan có trách nhiệm vẫn phải xem xét cụ thể phần sai ấy đến mức độ nào, nó nghiêm trọng hay không nghiêm trọng, hay chỉ mang tính chất thủ tục, quy trình” – đại biểu Bùi Văn Phương cho biết.

"khong nen da pha dong chi minh vi muc dich thap hen" hinh 2
Đại biểu Bùi Văn Phương.

Trong bài viết về chuẩn bị nhân sự Đại hội 13, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh việc kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn; đồng thời không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các nhóm khuyết điểm, trong đó có những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm. Để những người đó lọt được vào cương vị lãnh đạo là tai hoạ cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn.

Để nhận diện người vận động cho cá nhân này mà trù dập cá nhân khác là trách nhiệm của những người làm công tác tổ chức. Cùng với đó phải có cơ chế để lấy được ý kiến nhiều chiều từ phía nhân dân. Bởi nhân dân rất sát cuộc sống, lại gần cán bộ nên họ hiểu rõ ai tốt, ai xấu, ai có động cơ không trong sáng, ai là người tận tụy vì dân.

Kim Anh/VOV

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều