+
Aa
-
like
comment

Không mua thì thôi, nói chi câu ‘Hổng bán về quê cũng mang nợ’?

21/01/2020 14:45

‘Mấy bữa nay sao vắng hoe, bán ế, không được giá, không biết mai mốt sao nữa. Đã vậy khách mua còn nói mát: Hổng bán về quê cũng mang nợ’, người bán hoa tết ở Bến Bình Đông ngậm ngùi.

Người đàn ông đang cột lại ghe – Ảnh: BÔNG MAI

Đêm 26 rạng sáng 27 tết (21-1), nhiều tiểu thương chợ hoa bến Bình Đông (quận 8, TP.HCM) trằn trọc không ngủ vì mấy nay khách tới hỏi giá nhưng không mua. Một số khách không chỉ ép “giá bèo” mà còn buông lời sắc mỏng khiến người bán chạnh lòng.

Chở lên Sài Gòn hơn 100 chậu mai nhỏ, từ 15 tết đến nay bán được chưa tới 10 chậu, anh Huỳnh Văn Hoàng Anh (29 tuổi) buồn bã: “Người ta cứ tới hỏi mà hổng mua, có người trả giá rẻ quá sao mà bán, họ nói hổng bán về quê cũng mang nợ, chặt bỏ chứ có nuôi được đâu, nghe buồn gì đâu”.

Còn anh Nguyễn Việt Vương (35 tuổi) ngồi trước hàng trăm chậu bông cúc, vạn thọ, mai thở dài: “Mấy bữa nay sao vắng hoe, bán ế, không được giá, không biết mai mốt sao nữa?”. Mấy năm trước bông cúc, vạn thọ anh Vương bán 150.000 đồng, nhưng năm nay chỉ bán từ 100.000-120.000 đồng, hoa mai cũng bị ép giá.

Nhìn khách bỏ đi, anh thở dài: “Sống cái nghề này bấp bênh, một cây mai rừng riêng tiền gốc đã 800.000, mình tỉa, uốn cành, nuôi 3-4 năm, công chăm bẫm, tiền phân bón, tiền thuê ghe chở lên đây, tiền thuê mặt bằng… mà người ta cứ trề, nhún, trả có một triệu mấy sao mà bán”.

Không mua thì thôi, nói chi câu ‘Hổng bán về quê cũng mang nợ? - Ảnh 2.
Một nhóm khách đi mua hoa, cây kiểng tết vào đêm khuya – Ảnh: BÔNG MAI

Để chở bông từ Bến Tre lên Sài Gòn, dân bán hoa tết phải thuê ghe từ hai tháng trước, giá thuê ghe trong vòng 1 tuần là 10 triệu. Tiền thuê mặt bằng bán bông tại chợ Bình Đông khoảng 4,5 triệu đồng/lô nhỏ. Riêng giá thuê xe chở hoa Bến Tre – Sài Gòn có giá gần 4 triệu đồng và phải đặt trước.

Chi phí bỏ ra nhiều nên nhiều người bán hoa tết cho biết nếu không bán được sẽ chuyển về quê chứ đó là mồ hôi nước mắt, không bán xổ được.

“Dưới đó chỉ sống bằng vụ này thôi, làm xong một vụ có người nợ mấy chục triệu, cả trăm triệu chớ không ít, lên bán tết mong có chút đỉnh về trả nợ tiền phân”, anh Vương nói.

Tết này cả hai vợ chồng anh Vương, cha mẹ, họ hàng, hàng xóm rồng rắn lên Sài Gòn bán Tết. Vợ anh đang bán trái cây gần bến xe miền Tây. Đứa con gái được gửi nhà ông bà cố. “Đẻ có một đứa con, năm nay làm ăn khó quá đâu dám đẻ. Cũng ham lắm mà kinh tế không có khả năng, giờ con đi học đủ thứ tiền”, anh Vương tâm sự.

Dẫu có khổ, nhưng anh Vương cho biết hôm qua thấy mấy người xe ôm cũng khổ, nên anh vừa bán vừa cho mấy chậu bông cúc, bông vạn thọ…

Không mua thì thôi, nói chi câu ‘Hổng bán về quê cũng mang nợ? - Ảnh 3.
Người phụ nữ mắc võng ngủ bên các chậu hoa Tết – Ảnh: BÔNG MAI
Không mua thì thôi, nói chi câu ‘Hổng bán về quê cũng mang nợ? - Ảnh 4.
3h sáng, một người đàn ông vẫn miệt mài tưới cây tắc – Ảnh: BÔNG MAI
Không mua thì thôi, nói chi câu ‘Hổng bán về quê cũng mang nợ? - Ảnh 5.
Dưa hấu không hạt bán tại bến Bình Đông – Ảnh: BÔNG MAI
Không mua thì thôi, nói chi câu ‘Hổng bán về quê cũng mang nợ? - Ảnh 6.
Anh Tài (29 tuổi) gửi ba con nhỏ ở nhà ngoại để cùng vợ lên Sài Gòn bán tết – Ảnh: BÔNG MAI

BÔNG MAI/TT

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều