+
Aa
-
like
comment

Không làm nghiêm, bao giờ TP.HCM mới hết dịch?

Thế Khoa - 25/07/2021 13:13

Nhằm đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh đang có diễn biến hết sức phức tạp, vậy nên trong ngày đầu tiên tiên thực hiện Chỉ thị 12 về tăng cường một số biện pháp tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16, TP.HCM đã triển khai một loạt biện pháp cứng rắn như: “mỗi gia đình được phát 10-15 thẻ đi chợ/30 ngày”; “các gian hàng bán ở chợ phải giãn cách 2m, chỉ có 12 gian hàng thiết yếu được mở bán”; “lập tổ công tác giám sát chặt các khu phong tỏa”; “Triển khai nhiều “chốt bảo vệ vùng xanh”, cấm người lạ, shipper ra vào”; “xe 2 bánh không được ra vào TP.HCM”

Sáng 25.7, vẫn có khá nhiều xe cộ lưu thông

Khi virus lây lan ở mức có ngày TP.HCM số ca nhiễm lên hơn 5.000 người, khi mà chúng ta ghi nhận nhiều ca mắc đến mức Thứ trưởng Bộ Y tế viết tâm thư kêu gọi toàn bộ nhân viên y tế tham gia chống dịch, thì một chiến lược khác, cứng rắn, nghiêm ngặt hơn cần được áp dụng. Mặc dù không thể xóa sổ virus ngay lập tức nhưng có thể làm chậm sự lây lan của chúng. Việc này sẽ giúp hệ thống y tế duy trì dưới ngưỡng bị quá tải.

Những giãn cách và biện pháp gần 1,5 tháng qua dường như chưa đủ để TP.HCM dứt bệnh và giờ đây phải “thà một lần đau” để dập cho bằng được dịch, không chỉ vì hơn 10 triệu dân, mà thành phố này “bệnh” ngày nào, đất nước “ê ẩm” thêm ngày đó. 10 ngày, thậm chí 30 ngày giãn cách nghiêm ngặt hơn không quá dài dù rất khó khăn và cực kì thiếu thốn với bà con nghèo. Còn với những người còn chút của ăn của để, dù không giàu nhưng cũng khó bị dứt bữa, đói ăn trong thời gian giãn cách nghiêm ngặt không quá dài này. Cần hiểu là, trong nhiều cái xấu phải chọn cách ít xấu hơn. Lãnh đạo thành phố có lẽ cũng rất khó khăn khi quyết định đưa ra những biện pháp nghiêm ngặt và cũng đang tìm thêm phương án phù hợp hơn để đẩy lùi đại dịch.

“Phản công” vào dịch chỉ có hiệu quả khi chúng ta phòng thủ chắc. Bằng không, khi “mũi phản công bị gãy”, chúng ta sẽ mất rất nhiều thời giờ, tiền bạc, công sức và cả thế trận chống dịch chung của cả nước. Mà như lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói: “nếu để phát sinh ổ dịch mới thì 1 tuần giãn cách không có ý nghĩa gì”.

Công an Q.3 kiểm tra giấy tờ người dân khi ra đường vào tối 24.7

Cho nên đừng vì mục đích cá nhân muốn ăn ổ bánh mì, uống ly trà sữa thì đi mua cho bằng được; muốn đi đâu đó thì đối phó bằng cách treo 2 con cá lên xe để qua mặt lực lượng chức năng; hay như lý do vì mình có hai nhà, đi từ quận này sang quận khác để cho chó ăn… Còn những người như thế này thì bao giờ mới hết dịch được! TP.HCM không làm nghiêm thì bao giờ mới là lần cuối?

Vậy nên cần cương quyết, mạnh tay, phạt nặng thì mới mong đạt hiệu quả. Nếu không thì điều gì sẽ xảy ra? Hãy nhìn các nước: Thái Lan, Malaysia, Indonesia… sẽ hiểu. Một ngày hơn 5.000 ca mới, thì lên 10.000 chỉ trong vài ngày, và 100.000 sẽ rất ngắn nếu vẫn còn những con người biện minh có “lý do chính đáng” để ra đường.

Khi bạn đang chăn ấm nệm êm thì hãy nhớ đâu đó ngoài kia có những người đang lấy đất làm nệm, lấy trời làm chăn, gác lại gia đình của mình mà lo cho hàng vạn gia đình khác. Có người phải nén đau thương trước thông tin người thân qua đời, không thể về chịu tang, vẫn bám chốt, bám bệnh viện vì sức khỏe cho mọi người, mọi nhà.

Giờ phút này không còn chỗ cho những câu than thở, trách móc. Đây cũng chẳng còn là lúc sao không thế này hoặc đáng lẽ phải thế kia mà cần hơn những tấm lòng thấu cảm, nhiều điều sẻ chia để cùng nhìn về những ngày không còn giãn cách, bớt các ca nhiễm và TP.HCM yên lành.

Hãy động viên các y bác sĩ, công an, quân đội nơi tuyến đầu bằng việc thực hiện nghiêm, chấp hành tốt các quy định, khuyến cáo của nhà nước trong công tác phòng chống dịch…

CÙNG ĐỒNG LÒNG, THÌ TẤT CẢ CHÚNG TA SẼ VƯỢT QUA !

Thế Khoa

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều