+
Aa
-
like
comment

Không làm được gì tốt đẹp thì nên ngậm miệng lại

02/08/2020 11:38

Hơn 5000 thanh niên, sinh viên tại Đà Nẵng đã tình nguyện đăng ký tham gia chương trình “Chung tay đẩy lùi Covid-19” được phát động bởi Thành Đoàn Đà Nẵng. Mục đích chính của cuộc phát động nhằm hỗ trợ người dân, chính quyền trong công cuộc ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Theo danh sách đăng ký, có trên 2500 tình nguyện viên tham gia đăng ký hiến máu tình nguyện, một bộ phận khác sẽ đảm nhiệm các công việc phù hợp như đo nhiệt độ tại một số chốt kiểm soát, hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh tại các khu dân cư…

Hàng ngàn sinh viên Đà Nẵng đăng ký tham gia tình nguyện chống dịch.

Một việc tốt lành và ý nghĩa là vậy, nhưng nhiều người lại nghĩ ra nhiều thứ thuyết âm mưu. Một số thuyết âm mưu điểm qua bao gồm: Thứ nhất, các bạn thanh niên, sinh viên tham gia tình nguyện chỉ để lấy tiếng thơm cho bản thân. Thứ hai, là kinh tế gia đình đang gặp khó, việc tham gia vào các hoạt động tình nguyện là không cần thiết, hãy trở về giúp gia đình trước đã rồi hãy nghĩ đến chuyện giúp đỡ xã hội. Thứ ba, họ phê phán chính quyền Đà Nẵng rằng tận dụng nguồn thanh niên, sinh viên nhằm “đỡ tốn chi phí”, “tham ô, tham nhũng”, tiền viện trợ chống dịch đâu sao không dùng? Rồi chuyện kêu gọi hiến máu tình nguyện thì “lúc truyền cho bệnh nhân lại thu phí? Bán máu à?”.

Từ người hiến máu đến người nhận máu là cả một quá trình phức tạp và mất rất nhiều công sức và chi phí. Người hiến máu phải thực hiện các xét nghiệm mới hiến máu được, sau khi hiến, vẫn có những khoản phí hỗ trợ và quà tặng cho người hiến. Mỗi đơn vị máu được hiến ra đều được xét nghiệm, chiết tách thành các chế phẩm khác nhau, mỗi chế phẩm lại có yêu cầu bảo quản riêng, hệ thống máy móc phục vụ trong quá trình từ hiến máu đến truyền máu rất phức tạp. Quá trình hiến máu và truyền máu không phải như phim kiếm hiệp, thích là hiến, hiến xong rồi bơm thẳng cho người nhận máu được. Và bất cứ lúc nào người hiến máu có nhu cầu sử dụng máu trở lại, họ đều sẽ được truyền máu miễn phí, đây như là một cách “gửi máu” đề phòng bất trắc vậy.

Và chuyện tình nguyện đăng ký tham gia chống dịch là để lấy tiếng thơm cho bản thân? Đúng. Đó là một nhu cầu hợp lý và chính đáng, hầu như ai “cho đi”, cũng muốn “nhận lại” một điều gì đó. Như câu nói của JVevermind: “Bất cứ ai làm việc gì, dù nghe có vẻ hết mình vì người khác, cũng đều một phần vì bản thân mình”.

Tình nguyện viên hăng hái chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ công tác chống dịch.

Mỗi người lính khi ra trận, liệu họ có nghĩ rằng nếu chiến tranh kết thúc, họ sẽ được vinh danh thế nào, nhận bằng khen ra sao hay không? Tin rằng là không. Điều mà họ nghĩ đến, là dân tộc được tự do, Tổ Quốc có được độc lập. Dĩ nhiên, chúng ta không thể so sánh những hoạt động tình nguyện với những bước chân “cứu nước” được. Điều muốn nói ở đây, là cái tâm hèn thì nghĩ về điều gì cũng hèn kém cả. Lấy tiếng thơm thì có sao? Làm việc có ích là được. Bây giờ làm việc có ích, cũng bị chỉ trích hay sao? Tin rằng mục đích cuối cùng, cao cả mà các tình nguyện viên làm là cống hiến cho xã hội, quyết đánh bay đại dịch.

Có một bạn nữ trực tiếp tham gia tình nguyện chống dịch, đọc được những dòng bình luận trong một nhóm về xe cộ khiến bạn ấy và đội ngũ tình nguyện viên rất buồn. Những người đáng tuổi cha chú của các bạn ấy, cho rằng việc mà các bạn ấy đang làm là “vác tù và hàng tổng” hay “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”. Có người đăng lên trong nhóm đó, hỏi rằng: “Theo các cụ, nếu các cụ có con em thì có cho tụi nó đi tình nguyện chống dịch không? Nếu em có con, em sẽ bảo tụi nó ở nhà, việc của Đảng và Nhà nước thì họ tự lo, mình dân đen biết gì?”.

Nhiều sinh viên đăng ký tham gia phối hợp “trực chiến” với các lực lượng, cơ quan chức năng tại các điểm chốt chặn, kiểm soát dịch do thành phố thiết lập.

Trong những phút khốn khó đến thế này, thì việc “chú bác” cũng là “việc nhà”. Mỗi người Việt Nam sinh ra mang trong mình hai trách nhiệm, một là với gia đình, hai là với Tổ Quốc. Có nhiều việc, vừa làm tròn trách nhiệm với Tổ Quốc và gia đình, ví dụ như việc đeo khẩu trang, vừa bảo vệ cá nhân, vừa hạn chế lây nhiễm cho cộng đồng chẳng hạn. Và cả việc tham gia tình nguyện lần này nữa, các bạn ấy đang góp sức vào công tác chống dịch, chống dịch tốt thì gia đình của các bạn ấy và cả chúng ta nữa – những người ở tận những nơi xa xôi, cũng gián tiếp được hưởng lợi an toàn.

Nếu ai cũng ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân mà bỏ quên đi tinh thần tập thể và trách nhiệm công dân, thì Việt Nam này sớm muộn cũng lụi tàn. Ai cũng “hỏi ngu”, ai cũng “kêu gọi mặc kệ Đảng và Nhà nước” thì làm gì có thành tích chống dịch tốt trước đây? Làm gì có trạng thái “bình thường mới” trong những ngày trước? Người Việt Nam nổi tiếng với tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau lúc khó khăn, chứ không phải lối sống ích kỷ, cá nhân.

Sinh viên đo thân nhiệt cho một du khách tại chốt chặn trên đường Trường Sa, TP. Dà Nẵng.

Rồi chuyện Mỹ viện trợ 9,5 triệu USD cho Việt Nam chống dịch, sao không sử dụng mà phải nhờ sinh viên tình nguyện, ăn chia hết với nhau à? Hơn 9,5 triệu USD viện trợ cho một tổ chức Mỹ, khác gì việc “lấy mỡ nó rán nó”, bao nhiêu đồng đến với đội ngũ y tế Việt Nam? Hơn 9,5 triệu USD đáng bao nhiêu so với hàng chục ngàn tỷ đồng chi cho công tác chống dịch, phòng dịch và những thiệt hại kinh tế? Nghĩ qua thì 9,5 triệu USD nghe có vẻ to nhưng chẳng thấm tháp vào đâu cả. Việt Nam nghèo, nhưng không nghèo vì 9,5 triệu USD.

Ngày 29/7, Đà Nẵng thông báo sẽ sử dụng khoảng 750 nhân viên y tế ở tuyến dưới, sinh viên y, dược tình nguyện tham gia công tác chống đại dịch. Thì một số người chỉ đọc tiêu đề, phán ngay rằng, tại sao lại sử dụng nhân viên y tế tuyến dưới, sinh viên chữa bệnh? Đùa với đại dịch à? Rồi liệu mới là sinh viên, có đảm bảo chuyên môn và trình độ không? Nhưng hơn 750 người này sẽ được chia làm nhiều nhóm. Trong đó, có gần 50 nhân viên y tế tuyến dưới sẽ được điều động theo dõi, điều trị bệnh nhân Covid-19 khi cần thiết. Có thể gọi họ là những thành viên “dự bị” trong tuyến đầu chống dịch.

Ngoài ra, hơn 650 sinh viên ngành y, dược sẽ được tạo điều kiện “vừa làm việc, vừa chống dịch, vừa thực hành” tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng và 7 Trung tâm y tế quận, huyện trong toàn thành phố. Nhiệm vụ của nhóm sinh viên này là tư vấn, hỗ trợ điều tra, giám sát dịch tễ, thống kê, phân tích, báo cáo, cập nhật số liệu. Hiện nay, 3 bệnh viện lớn nhất Đà Nẵng đang bị “phong tỏa”, các bệnh nhân còn lại tập trung về Bệnh viện 199 và các bệnh viện còn lại, số lượng bệnh nhân tăng gần 400% so với ngày thường, từ đó, các nhu cầu về nhân lực và vật lực đột biến. Hiện nay, Bệnh viện 199 đang sử dụng rất nhiều tình nguyện viên, trong đó có các y bác sĩ, thực tập sinh, các bác sỹ đã về hưu, các bạn sinh viên đang học tập trong ngành y.

Bác Hồ bảo: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình” và những cái đầu “có sỏi đá” ở phía trên chắc chắn đã có những tính toán sử dụng nhân lực hợp lý và phù hợp. Điểm thấp thì đừng chỉ đạo điểm cao, rằng phải làm thế này, thế kia. Không ai chỉ trích việc đóng góp ý kiến, nhưng “đóng góp ý kiến” và “hỏi ngu” lại rất khác nhau.

Mới đây, trường hợp bệnh nhân 428 tử vong do các bệnh nền và Covid-19, báo chí phải điều chỉnh các tin tức cho đúng để người dân không hoang mang. Phía Việt Nam không phủ nhận ca tử vong, càng không che giấu thông tin, chỉ muốn đính chính tin tức rõ ràng cho người dân an tâm. Nhưng nhiều người cứ mở mồm là “toang”, toang cái gì? Một chữ thôi đã phủ nhận hoàn toàn nỗ lực mà những người đang ở tuyến đầu làm được.

Báo chí đính chính thông tin là bình thường, Bộ Y Tế thông báo cho người dân được biết thì trang BBC lại đăng tin “nghi vấn lạ”, đặt giả thuyết rằng Việt Nam che giấu thông tin. Tâm lý soi mói là việc không lạ lẫm gì, nhưng soi mói thì soi mói cho đáng, việc “trấn an dư luận” và “đưa thông tin chính xác” là vô cùng hợp lý. Có một độc giả bình luận rằng: “Ở Mỹ, Anh thì chết hàng trăm ngàn người thì kêu bình thường, ở Việt Nam chết một thì kêu lạ và đặt nghi vấn”. Rồi một số người không biết là có ở Việt Nam không, vu cáo cho Việt Nam rằng dồn lực cho bệnh nhân phi công mà bỏ quên bệnh nhân trong nước. Trang RFA đặt nghi vấn thẳng thừng “đăng rồi gỡ”, cho rằng Việt Nam muốn che giấu tin tức thiệt mạng mà bị báo chí đăng tin trước, nên mới ép báo chí xóa, sau đó không che giấu được thì lại cho phép đăng tin.

Dịch bệnh lần này rất phức tạp và chúng ta cần tin tưởng vào những người đang ở “đầu sóng ngọn gió”, những người trực tiếp tham gia vào quá trình chữa dịch, chống dịch và phòng dịch, chứ không phải cứ nghi kị, đặt ra thuyết âm mưu và đả kích hay chống phá. Nếu không làm được gì tốt đẹp, thì nên ngậm miệng lại để họ làm việc.

Tifosi

* Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả 

Bài mới
Đọc nhiều