+
Aa
-
like
comment

Không lái xe khi uống rượu, bia: Khó cũng phải làm!

Hải Yến - 24/12/2019 11:36

Chỉ còn hơn mươi ngày nữa là Luật Cấm rượu bia khi lái xe có hiệu lực. Luật mới về bia rượu khi lái xe thật ngặt nghèo: cấm tiệt, không còn quy định nồng độ cồn trong máu trên ngưỡng mới vi phạm như trước và mở rộng các đối tượng khi tham gia giao thông. Không lái xe khi uống rượu, bia, chuyện không dễ dàng với những ai đã và đang có thói quen. Tuy nhiên, khó thì cũng phải chấp hành.

Làm sao xóa “kỷ lục” 60-70% vụ tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia, kéo giảm được số người thương vong do say xỉn nhưng vẫn lái xe – đó là thách thức rất lớn, không chỉ dành cho các cơ quan chức năng mà còn với nhiều người dân.

9999.tngt-do-ruou-bia

Thực tế cho thấy, người Việt uống rượu bia như một thói quen và không dễ để thay đổi thói quen uống rượu bia của người dân. Vui hay buồn gì cũng có thể uống rượu. Bất kể là ở nông thôn hay đô thị, chiều đến là quán nhậu chật người, các nhà hàng, tiệc cưới… đông đúc không kém. Không khí luôn rôm rả, nài ép nhau uống từ khi khai tiệc đến mãn tiệc. Và hầu hết người Việt chưa quen với việc, đã uống bia rượu nhiều thì không lái xe. Cũng chẳng mấy ai có men rượu trong người lại nghỉ ngơi tại chỗ cho tỉnh táo rồi mới lái xe về nhà. Ý thức kém, đó là lý do dẫn đến mỗi ngày đều có trường hợp thương tâm, tai nạn do bia rượu gây ra.

Trước đây, Luật quy định người điều khiển môtô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/l khí thở thì không bị phạt. Tuy nhiên, chẳng ai đảm bảo được, nồng độ cồn 40mg/100ml, hay 10mg/100ml thì không gây ra tai nạn giao thông. Vì thế, việc ra đời quy định đã uống rượu thì không lái xe là cách tốt nhất, hướng đến mục đích giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông từ bia rượu.

Dẫu biết rằng, người đã có thói quen rượu bia tự lái xe về thì khó chấp hành lệnh “Không lái xe khi đã uống bia rượu”. Tuy nhiên, khó cũng phải thực hiện, vì sức khỏe, tính mạng của mình và cả cho người xung quanh. Khi Luật mới được áp dụng, chắc chắn lực lượng cảnh sát giao thông cũng sẽ gặp nhiều vất vả và nhiều hiểm nguy hơn. Khó ở đây, một phần là về nhân lực ngành Công an, để ra quân thực hiện nghiêm túc công tác tuần tra, chốt chặn, kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông, đòi hỏi một lượng nhân lực, tài lực rất lớn.

Chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm nếu giao xe cho người khác gây tai nạn chết người
Chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm nếu giao xe cho người khác gây tai nạn chết người

Thách thức, khó khăn hơn với lực lượng CSGT thực thi nhiệm vụ đó là, khi gặp các trường hợp đã say xỉn mà điều khiển phương tiện, người ta dễ lấy cái cớ “không làm chủ được bản thân” ra tay ẩu đả, chống người thi hành công vụ. CSGT làm nhẹ tay sẽ bị nói là yếu kém, buông lỏng. Làm đúng Luật thì dễ bị vu oan, ghép cho cái tội “ép dân”.

Đó là chưa kể, hiện nay có không ít bãi giữ xe người vi phạm nhưng người vi phạm không đến lấy, tiêu tốn biết bao tiền ngân sách, quỹ đất của nhà nước. Việc giữ xe người vi phạm, uống rượu bia lái xe sẽ càng làm cho số lượng xe vi phạm chứa ở các bãi xe của nhà nước tăng cao. Tuy nhiên, dù có vất vả và khó khăn đến mấy, để giảm thiểu tai nạn giao thông từ bia rượu, CSGT và người dân cũng phải nỗ lực, dốc sức thực hiện nghĩa vụ.

Bên cạnh việc cấm lái xe khi uống bia rượu, thiết nghĩ, cơ quan chức năng Việt Nam cần nâng mức hình phạt, phạt thật nặng người nào vượt nồng độ cồn không cho phép trong máu khi lái xe. Hãy phạt thật nặng, chế tài số tiền hàng chục triệu, thậm chí tịch thu luôn phương tiện tham gia giao thông, tước bằng lái, thậm chí bỏ tù những ai cố tình lái xe khi xay sỉn.

Hiện nay có phong trào làm sạch môi trường, nhưng điều cốt lõi không chỉ là dọn sạch rác, mà nhất là chính hạnh kiểm của con người rất cần chỉnh đốn, những hành vi đang bị những tác hại của rượu chè làm mất thể cách đạo đức, ảnh hưởng đến môi trường sống chung và cho chính cá nhân.

Hơn ai hết, chính cá nhân mỗi người, hãy xây dựng cho mình ý thức lành mạnh. Hãy nghĩ đến những nạn nhân của các cuộc đụng xe vì người say rượu, tử vong và bị thương nặng, đau đớn và khủng hoảng mà chấn chỉnh bản thân, từ đó có thái độ, ý thức tích cực khi uống rượu. Bởi, chính con người mới là tác nhân gây ra mọi khổ đau, luật pháp chỉ là công cụ để kiềm chế, ngăn chặn một phần những khổ đau xảy ra mà thôi.

Hải Yến

Bài mới
Đọc nhiều