+
Aa
-
like
comment

Không hề có chuyện chính quyền ép dân ký vào đơn không nhận tiền hỗ trợ

Quỳnh Quỳnh - 14/05/2020 14:00

Trong những ngày qua, trên các báo có thông tin về việc hàng ngàn người dân ở Thanh Hoá tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ để nhường lại cho người khó khăn hơn. Việc làm này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận. Tuy nhiên, cũng có một số thông tin lan truyền trên mạng xã hội cho rằng, có tình trạng ép người dân buộc phải ký vào đơn không nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thậm chí có việc làm sẵn đơn để người dân ký vào.

Phải khẳng định rằng không có ai ép người dân ký vào đơn tình nguyện không nhận hỗ trợ.

Mới đây, linh mục Trần Chính Trực có đăng tải thông tin “Ép người dân buộc phải ký vào đơn không nhận tiền hỗ trợ do đại dịch covid-19 đã được làm sẵn theo kiểu này là không được”. Dòng trạng thái này được đính kèm bức ảnh chụp “Đơn xin tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ do đại dịch covid-19” của hộ gia đình ông Lê Xuân Quang, thôn 4, xã Xuân Sinh, Huyện Thọ Xuân, Tỉnh Thanh Hoá, thuộc diện hộ cận nghèo được đánh máy sẵn. Cùng với đó là tin nhắn được chụp lại với nội dung “Chị ơi! Nhờ chị đăng dùm cái này. Làm đơn sẵn bắt dân ký, ép dân ký, chứ không ai tình nguyện cả”.

Tuy nhiên, thực chất đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật. Phải khẳng định rằng không có ai ép người dân ký vào đơn tình nguyện không nhận hỗ trợ. Linh mục phát ngôn như trên là thiếu chuẩn mực vừa vi phạm pháp luật và cũng vi phạm giáo luật. UBND xã Xuân Sinh khẳng định, thông tin một số người lan truyền trên mạng xã hội cho rằng chính quyền ép buộc người dân là không chính xác, có dấu hiệu xuyên tạc, gây mất ổn định tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

Người dân tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ vì tấm lòng thơm thảo, vì trách nhiệm của họ đối với đất nước, đối với đồng bào mình. Họ tự nguyện không nhận là để nhường lại cho những người khó khăn hơn.

Cả người dân và chính quyền xã Xuân Sinh (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) đều khẳng định, thông tin lan truyền trên mạng xã hội, cho rằng chính quyền địa phương ép buộc người dân từ chối nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ là bịa đặt.

Hãy xem ông Lê Xuân Quang – nhân vật mà linh mục Trần Chính Trực đưa đơn lên mạng nói gì với báo chí : “Tôi xin nói rõ việc không nhận tiền hỗ trợ do dịch Covid-19 hoàn toàn là do tự nguyện của gia đình. Tôi làm đơn này từ hôm 30/4, còn việc rà soát đến mãi 2-3/5 mới xong, nên không có chuyện có ai ép buộc hay vận động tôi cả. Đây là hoàn toàn do gia đình tự nguyện. Tôi lên Uỷ ban xã nhờ các anh chị ở Văn phòng đánh máy giúp vì tôi không hiểu cách thức viết một lá đơn như thế nào cho đúng” và “khi tôi đã không muốn thì không ai ép được”.

Ông Quang khẳng định, thông tin mà linh mục Nguyễn Chính Trực phát tán trên mạng là xuyên tạc khiến ông rất bức xúc.

Ông cho biết khi xem truyền hình và báo chí, thấy nhiều nơi như các khu cách ly, y bác sỹ, các anh chị tuyến đầu làm cật lực cả đêm, điều kiện sinh hoạt, ăn uống khó khăn nên ông thấy cần phải đóng góp một phần nhỏ bé. “Đó cũng chỉ là chút ít không là gì nhưng là tấm lòng, trách nhiệm của chúng tôi đối với công cuộc phòng chống dịch bệnh. Chúng tôi ở quê cũng khó khăn, nhưng ra vườn còn hái được nắm rau để ăn, còn những người cách ly, các anh chị phục vụ không có điều kiện như vậy. Vì thế, tôi quyết định lên xã tự nguyện xin không nhận sự hỗ trợ, để nhường cho những người khó khăn hơn”.

Nói về nguồn gốc những lá đơn đánh máy sẵn, chị Yến – được nhận hỗ trợ, chị tự nguyện rút 2 khẩu ra khỏi diện này, tương đương với số tiền 1,5 triệu đồng cho biết “Chúng tôi người nông thôn, chữ nghĩa không biết, nhờ các anh các chị giúp hộ chúng tôi cái đơn, chúng tôi ký đàng hoàng chứ không có ai vận động hay ép buộc gì cả. Chúng tôi làm việc tự nguyện nên đều thấy vui vẻ”.

Ông Lê Chí Tuấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Sinh cam đoan: “Tất cả các hộ đều tự nguyện, không có ai do vận động hay bị ép buộc mà làm cả. Chúng tôi đã niêm yết công khai các nội dung này và trao đổi trên tinh thần công khai minh bạch để các tổ chức, cá nhân không lợi dụng việc này để trục lợi chính sách. Trên tinh thần các tổ rà soát và ban công tác mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội họp và rà soát và gửi danh sách lên, còn chính quyền chỉ tổng hợp lại danh sách”.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, mỗi người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số cần vững vàng trước những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Trước thực tế các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang ráo riết, tìm mọi cách chia rẽ nội bộ và quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng thì mỗi người dân Việt Nam sẽ chiến thắng bằng chính niềm tin không có gì lay chuyển được.

Có thể nói hành động bịa đặt, tung tin giả này là hành động chống phá, kích động, lôi kéo giáo dân vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn.

Không biết “quay đầu là bờ”, thời gian gần đây, linh mục Trần Chính Trực này tiếp tục tuyên truyền xuyên tạc thông tin, chống phá Đảng, Nhà nước. Ngoài mục đích kích động, chống phá, dư luận cho rằng, liệu đằng sau đó có phải ông ta cố tình gây mất ổn định an ninh trật tự, cố tình “tạo điểm nóng” để nhận lợi ích của các tổ chức khủng bố, phản động lưu vong?

Quỳnh Quỳnh

(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều