+
Aa
-
like
comment

Không gian mạng – con dao hai lưỡi nếu không có luật pháp

29/10/2019 17:02

Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự như lừa đảo kinh doanh đa cấp, lừa đảo trong chuyển nhượng đất đai… Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo trong xã hội.

Thủ tướng chỉ đạo ngăn chặn, xử lý các thủ đoạn lừa đảo trên mạng

Mạng xã hội như con dao hai lưỡi. Bên cạnh một thế giới mở với vô vàn thông tin bổ ích, hấp dẫn, thì đây cũng là nơi các đối tượng phạm tội lợi dụng hoạt động. Dù phương thức thủ đoạn không mới, nhưng những câu chuyện được dựng lên tinh vi, thông qua những mối quan hệ ảo được tô vẽ trên mạng xã hội, vẫn có sức hút nhất định, khiến không ít người nhẹ dạ hám lời sập bẫy và bị chiếm đoạt số tiền rất lớn.

Những vụ việc lừa đảo qua mạng xã hội (MXH) đã xảy ra nhiều, phương thức thủ đoạn của loại tội phạm này không mới nhưng có lẽ do các câu chuyện, các tình huống các đối tượng dựng lên ngày càng tinh vi, nội dung cũng phong phú hơn khiến những người vốn nhẹ dạ cả tin lại có một chút hám lời nên sập “bẫy và bị chiếm đoạt số tiền rất lớn.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội ngày càng tinh vi
Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội ngày càng tinh vi

Đặc biệt, tình trạng lừa đảo qua mạng internet, mạng viễn thông gia tăng như: lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn trúng thưởng tới các số điện thoại; giả danh người nước ngoài nhắn tin làm quen và gửi quà tặng về Việt Nam; giả danh cơ quan thực thi pháp luật gọi điện yêu cầu người dân nộp tiền vào tài khoản để kiểm tra, sau đó chiếm đoạt; chiếm đoạt quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội để lừa đảo; lừa đảo qua hoạt động trao đổi, mua bán hàng qua mạng…

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát các lĩnh vực dễ phát sinh các hoạt động lừa đảo; kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập để hoàn thiện cơ sở pháp lý; chủ động có các giải pháp ngăn chặn triệt để những hoạt động lừa đảo nêu trên.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường nắm tình hình, có biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo theo quy định của pháp luật.

Bộ Công an phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, thiết lập đường dây nóng tại các địa phương để tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh của người dân khi bị các đối tượng lừa đảo. Đồng thời, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2019.

Phải ngăn chặn và xử lý mạnh tay với các vụ việc lừa đảo trên mạng

Để phòng ngừa hiệu quả, người dân khi kết bạn trên mạng xã hội cần phải có chọn lọc. Với những đối tượng không rõ lai lịch thì tuyệt đối không để cho đối tượng có cơ hội trò chuyện, nhất là những câu chuyện liên quan tới tiền nong, tình cảm. Trong trường hợp phát hiện bất cứ dấu hiệu nào liên quan đến hành vi lừa đảo cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an nơi gần nhất để phối hợp ngăn chặn, bắt giữ đối tượng.

Nhận định được Đại tá Đỗ Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, nêu tại hội thảo về An ninh Bảo mật 2019 (Security World 2019) diễn ra ngày 29/5, tại Hà Nội.

Lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, từ đầu năm đến nay, cơ quan công an đã phát hiện nhiều vụ việc tội phạm đến từ nước ngoài vào Việt Nam làm thẻ giả để rút trộm tiền, thậm chí sử dụng để mua cả những mặt hàng giá trị lớn như kim cương.

Riêng trong lĩnh vực tài chính, ông Tuấn cho biết, cơ quan công an gần đây phát hiện nhiều nhóm tội phạm nước ngoài vào Việt Nam với thủ đoạn tinh vi, lợi dụng kinh doanh đa cấp để phạm tội lừa đảo tiền ảo như đường dây PinCoin, iFan với quy mô lên tới 15.000 tỷ đồng. “Tiền ảo, tài sản ảo đang được các tổ chức tội phạm sử dụng nhằm mục đích tài trợ cho khủng bố, rửa tiền, mua bán vũ khí, ma túy”, theo Phó cục trưởng Tuấn.

Tội phạm mạng nói chung và tội phạm mạng trong lĩnh vực ngân hàng được thể hiện cụ thể qua số liệu thống kê của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cụ thể trong năm 2018 đã xảy ra 10.220 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam trong đó có 5.932 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing); 3.198 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface) và 1.090 cuộc tấn công cài cắm mã độc (Malware).

Trong lĩnh vực ngân hàng và dịch vụ bán lẻ kết nối hệ thống ngân hàng, năm qua có nhiều vụ tấn công điển hình, gây hậu quả nghiêm trọng cho các doanh nghiệp, tổ chức như sự cố lộ hơn 5,4 triệu dữ liệu cá nhân được cho là khách hàng của chuỗi cửa hàng Thế giới di động vào tháng 11/2018, hay sự cố website của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opbank) bị tấn công và nhóm tin tặc tuyên bố đã lấy được 275.000 dữ liệu khách hàng.

Đối tượng tấn công của tội phạm này là cơ sở dữ liệu của các cơ quan nhà nước, kể cả các cơ quan an ninh, các cơ sở dữ liệu về tài chính, ngân hàng, giao thông, năng lượng, thông tin liên lạc, các công ty thương mại điện tử (TMĐT), các ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán qua mạng, các máy ATM, bán hàng tự động.

Đặc biệt là sự hình thành rõ nét hơn trong việc phối hợp giữa tội phạm trong nước và quốc tế tấn công vào các mạng máy tính, trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, sử dụng thông tin thẻ tín dụng làm thẻ trắng giả để rút tiền ở máy ATM, thẻ màu giả để mua hàng, mua vé máy bay, thanh toán tiền khách sạn…

Thủ đoạn của các đối tượng này được dự báo là sẽ tấn công cơ sở dữ liệu của hạ tầng thông tin quốc gia, của ngân hàng và các doanh nghiệp lớn. Nạn lừa đảo liên quan đến thẻ, tài khoản ngân hàng, chứng khoán, TMĐT, thanh toán điện tử.

Nói ra để thấy khi Việt Nam hội nhập sâu, bùng nổ công nghệ số, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, thế giới coi Việt Nam như một thị trường an toàn, có tiềm năng về TMĐT và đầu tư, thì thách thức đặt ra là bức tranh tội phạm mạng, tội phạm phi truyền thống ở Việt Nam có được giải quyết kịp thời hay không.

Đồng thời, các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và công an các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ và tích cực như kiểm tra, rà soát, lên danh sách địa bàn phức tạp, nhiều đối tượng có tiền án về tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản; tổ chức các buổi nói chuyện, tuyên truyền về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tại các trường THPT và THCS.

Tích cực tham mưu, đề xuất lãnh đạo các cấp rà soát, nghiên cứu ban hành, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới công tác đấu tranh, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật sử dụng công nghệ cao. Phối hợp các cơ quan thông tấn, báo chí thông tin kịp thời người dân những phương thức, thủ đoạn phạm tội mới của tội phạm sử dụng công nghệ cao, hướng dẫn người dân biết cách cảnh giác tự phòng ngừa.

Phạm Minh Hà

Bài mới
Đọc nhiều