Không gian mạng, bãi chiến trường của các “nhà dân chủ”
Càng đến gần Đại hội XIII, những thông tin độc, xấu lan truyền trên mạng xã hội với tần suất càng lớn. Mạng xã hội đã trở thành một “chiến địa” mà ở đó, các thế lực thù địch, chống đối, phản động, cơ hội chính trị tích cực sử dụng để tấn công chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Với sự phát triển của internet, bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận mà nó đang mang lại, chúng ta cũng phải đối mặt với không ít nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia xuất phát từ môi trường mạng. Nơi đây đã trở thành “chiến địa” để một số đối tượng xấu lợi dụng lan truyền những thông tin bịa đặt, sai sự thật, bóp méo sự thật, xuyên tạc thông tin, đổi trắng thay đen nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta, thực hiện “diễn biến hòa bình”.
Những thông tin độc hại
Những ngày vừa qua, trước tình hình mưa lũ diễn ra phức tạp, gây ra những thiệt hại nặng nề về người và của tại miền Trung, bất chấp việc toàn bộ hệ thống chính trị của Việt Nam đang vào cuộc, các đối tượng phản động, chống đối lại đẩy mạnh hoạt động xuyên tạc thông tin, bóp méo sự thật. Rất nhiều luận điệu tiêu cực, phản động, sai trái đã được các thế lực thù địch, chống đối tung ra trên không gian mạng, đơn cử như: “mặc cho dân tình đói khổ, chết chóc, lụt lội, nghèo khó… thì Đảng vẫn chẳng quan tâm”, “Đảng là nguyên nhân khiến cho thiên tai xảy ra”.
Hay như ở một diễn biến khác, sau kỳ họp thứ 49, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị xem xét thi hành kỷ luật với một số cán bộ cấp cao như ông Nguyễn Văn Bình – Trưởng Ban kinh tế Trung ương, bà Hồ Thị Kim Thoa – nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Vũ Huy Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương. Ngay sau đó, rất nhiều luận điệu xuyên tạc công tác xử lý cán bộ đã được các đối tượng tung ra làm nhiễu loạn thông tin. Có đối tượng lợi dụng việc ông Nguyễn Văn Bình bị đề nghị thi hành kỷ luật để rêu rao luận điệu cho rằng việc đề nghị xử lý kỷ luật với ông Nguyễn Văn Bình là kết quả của việc “đấu đá nội bộ”, “tranh giành quyền lực” giữa các phe cánh trước Đại hội XIII. Một số khác lại lợi dụng việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương chưa đề nghị xem xét thi hành kỷ luật với ông Vũ Huy Hoàng do đang bị bệnh hiểm nghèo để xuyên tạc thành Đảng đang “ưu ái”, “bao che” cho sai phạm. Thế mới thấy, “lưỡi không xương trăm đường lắt léo”, xử lý cán bộ sai phạm cũng xuyên tạc mà chưa xem xét xử lý cán bộ cũng xuyên tạc.
Theo thống kê của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng đã phát hiện khoảng 790.000 tin, bài viết, video có nội dung xấu độc, sai sự thật. Những thông tin xấu, độc như trên được lan truyền trên mạng internet, tiếp cận với không ít người dùng mạng và gây ra những hệ lụy tiêu cực vô cùng nguy hiểm. Nó tác động đến nhận thức, tư tưởng của người dân, tạo ra sự hoài nghi, hoang mang, dao động trong quần chúng nhân dân.
Đấu tranh với hoạt động lợi dụng không gian mạng chống phá chính quyền
Lợi dụng các phương tiện thông tin, truyền thông nói chung và mạng internet nói riêng để chống phá Đảng, Nhà nước ta là một thủ đoạn được các thế lực thù địch và các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị triệt để tận dụng để thực tiến hành “diễn biến hòa bình”. Trên mạng xã hội đã xuất hiện hàng loạt trang “truyền thông lề trái” là Việt Tân, Chân trời mới media, Hội anh em dân chủ, Đỗ Ngà… Cùng với đó là một số trang báo có nội dung tiếng Việt liên tục đăng tải các bài viết, thông tin lệch lạc, sai trái, thiếu kiểm chứng về tình hình Việt Nam như BBC, RFA, RFI, VOA.
Thủ đoạn được các đối tượng này sử dụng là lợi dụng các vụ việc nóng, phức tạp, được xã hội quan tâm từ đó tiến hành xuyên tạc, xây dựng các bài nói, bài viết, phóng sự, hình ảnh có nội dung sai trái, tiêu cực, sai sự thật và tung lên mạng để vu khống bản chất của chế độ, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng, hướng lái dư luận đi theo hướng tiêu cực.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã đẩy mạnh đấu tranh, phản bác với các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch. Đồng thời, chúng ta cũng mạnh tay xử lý các đối tượng vi phạm. Sau khi Luật An ninh mạng và Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, nhiều hành vi vi phạm an ninh mạng đã bị xử lý. Tuy nhiên, những hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng vẫn diễn ra một cách vô cùng phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia. Đặc biệt, trước thềm Đại hội XIII, việc lợi dụng không gian mạng để tiến hành chống phá càng diễn ra một cách nguy hiểm, thâm độc và xảo quyệt hơn gấp nhiều lần. Chính vì vậy, chúng ta phải tăng cường nắm bắt thông tin, dự báo tình hình hoạt động của các thế lực thù địch và các đối tượng phản động, chống phá để chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại hoạt động chống phá của các đối tượng trên không gian mạng.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả