+
Aa
-
like
comment

‘Không gì có thể lay chuyển hợp tác dầu khí Việt – Nga trên Biển Đông’

Hà Nhiên - 20/08/2019 17:10

Trang mạng “Mùa xuân nước Nga” hôm 17/8, đăng tải bài viết của học giả Elena Niculina – Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga, với tiêu đề “Rosneft và Gazprom đang tích cực khám phá Việt Nam”, phân tích đánh giá về hiệu quả hợp tác Nga – Việt trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam và trên lãnh thổ Nga.

Bài viết đã điểm lại những mốc son quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và LB Nga trong lĩnh vực dầu khí, theo đó hai nước bắt đầu hợp tác vào năm 1981, khi Tập đoàn dầu khí PetroVietnam và công ty Zarubezhneft của Liên Xô thành lập liên doanh Vietsovpetro.

Giàn khai thác trung tâm mỏ Bạch Hổ. (Ảnh: Petrotimes)
Giàn khai thác trung tâm mỏ Bạch Hổ. (Ảnh: Petrotimes)

Ngày 26/6/1986, Vietsovpetro đã khai thác tấn dầu đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ, mỏ dầu lớn nhất của Việt Nam. Từ khi thành lập, công ty đã khai thác 230 triệu tấn dầu, hơn 33 tỷ mét khối khí đốt, hơn 450 giếng đã được khoan, 8 mỏ dầu được phát hiện, hàng chục cơ sở ngoài khơi đã được xây dựng, hệ thống đường ống cũng đã được lắp đặt.

Từ năm 2000, Công ty Gazprom của Nga, công ty hàng đầu thế giới về khai thác khí đốt tự nhiên, đã có mặt tại Việt Nam. Năm 2002, PetroVietnam và Gazprom đã thành lập liên doanh Vietgazprom, bắt đầu hoạt động tại các mỏ Lan Tây và Lan Đỏ, ngoài khơi bờ biển phía nam Việt Nam. Năm 2008, một thỏa thuận đã được ký kết về sự tham gia của Vietgazprom trong việc phát triển các lô 129-132 ở vùng nước sâu của thềm lục địa phía nam Việt Nam.

Hiện nay, công ty dầu khí Rosneft của Nga là nhà điều hành hai dự án thăm dò địa chất, khai thác khí đốt và khí ngưng tụ tại hai lô trên thềm lục địa phía nam Việt Nam. Rosneft lần đầu tiên trong lịch sử là nhà điều hành dự án trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia khác, tại lô 06.1. Rosneft Việt Nam cũng sở hữu cổ phần trong khu phức hợp Nam Côn Sơn, bao gồm các các nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí đốt và nhà máy hóa chất.

Một bước tiến mới trong sự phát triển hợp tác giữa Nga và Việt Nam trong sản xuất dầu khí là việc thành lập các liên doanh làm việc tại Nga. Tháng 9/2007, thỏa thuận thành lập công ty liên doanh Rusvietpetro đã được ký kết. Công ty bắt đầu hoạt động khai thác thùng dầu đầu tiên từ năm 2009 ở miền bắc nước Nga. Cũng trong năm này, Gazprom và Tập đoàn Dầu khí quốc gia PetroVietnam, đã thành lập công ty TNHH Gazpromviet LLC để phát triển các dự án dầu khí ở Nga, Việt Nam và các nước thứ ba.

Với việc Việt Nam thực thi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực dầu khí, đây là điều kiện thuận lợi để các công ty liên doanh Nga và Việt Nam tiếp tục tìm kiếm đối tác mới và các dự án mới để mở rộng hợp tác trong lĩnh vực này ở Việt Nam.

Bài viết cho rằng, mặc dù việc thăm dò và sản xuất dầu khí của các doanh nghiệp Nga ở một số khu vực thuộc thềm lục địa Việt Nam trên Biển Đông làm Trung Quốc “không hài lòng” song nhấn mạnh Việt Nam vẫn kiên định bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, đồng thời khẳng định không gì có thể lay chuyển mối quan hệ hợp tác lâu dài và cùng có lợi giữa Nga – Việt Nam trong lĩnh vực này.

Chủ tịch HĐTV PVN ký kết một số văn bản hợp tác với các Tập đoàn Dầu khí Nga trước sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước Việt Nam và Nga.
Chủ tịch HĐTV PVN ký kết một số văn bản hợp tác với các Tập đoàn Dầu khí Nga trước sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước Việt Nam và Nga.

Bạn cũ và bạn mới

“Một người bạn cũ bằng ba người bạn mới”. Đó là tâm sự tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô vào 3/2001 của Tổng thống Nga V. Putin với các cựu sinh viên Việt Nam được Liên Xô đào tạo.

Hợp tác Việt – Xô (trước đây) và Việt – Nga (hiện nay) “đơm hoa, kết trái” mạnh nhất trong lĩnh vực năng lượng. Nếu tính về giá trị, hơn 80% sản phẩm ngành năng lượng của Việt Nam hiện nay đều liên quan đến “viện trợ kinh tế không hoàn lại” và “hỗ trợ kỹ thuật” của Nga. Từ năm 1981, Liên doanh “Vietsopetro” đã được thành lập và hoạt động rất có hiệu quả.

Trong quan hệ Nga – Trung kể từ khi xẩy ra xung đột biên giới (kéo dài 4.380km giữa hai nước trên song Ussuri vào năm 1969, Trung Quốc đã nhận được những bài học “nhớ đời”). Cho đến nay, người Nga vẫn luôn đề cao cảnh giác trước tư tưởng bành trướng của Bắc Kinh.

Bằng chứng rõ nét của việc này là khi Việt Nam công khai tuyên bố yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm lãnh thổ Việt Nam ở bãi Tư Chính, vào giữa tháng 7/2019, Tổng thống Nga V. Putin đã gửi thư khen gợi các liên doanh dầu khí Nga – Việt ở Biển Đông về những thành tích đã đạt được như một tín hiệu rất mạnh gửi đến Trung Quốc.

Hà Nhiên

Nguồn tham khảo: https://rusvesna.su/news/1565947785

Bài mới
Đọc nhiều