Không được xuyên tạc tình làng xóm
Tình hình thiên tai, mưa lũ tại miền Trung vẫn có những diễn biến hết sức phức tạp. Những thiệt hại về người và tài sản của đồng bào miền Trung khiến mọi người không khỏi đau đớn. Trong lúc này, tinh thần tương thân tương nghĩa, nghĩa đồng bào đang được phát huy một cách tối đa. Việc ủng hộ đồng bào miền Trung đã diễn ra trên cả nước, trở thành một phong trào lớn. Tuy nhiên, một số biến tướng, mặt trái trong công tác làm từ thiện của một số cá nhân khiến chúng ta không khỏi lặng lòng suy nghĩ.
Các chiến sĩ công an, quân đội đang từng ngày, từng giờ gắn bó với nhân dân để chung tay khắc phục hậu quả của mưa lũ. Họ luôn là người tiên phong, đi đầu trong việc trợ giúp nhân dân và cũng là người ở lại cuối cùng với nhân dân cho đến khi cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Ở nơi đâu khó khăn nhất, nguy hiểm nhất nhưng chỉ cần nhân dân cần đến là họ sẵn sàng có mặt. Họ không xuất hiện liên tục trên facebook, mạng xã hội. Họ chẳng được người ta tung hô như những cô tiên, ông bụt. Nhưng họ lại là những người cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng khắc phục hậu quả với nhân dân.
Ở nhiều vùng bị thiên tai tàn phá, hệ thống chính quyền địa phương đang nỗ lực, cố gắng hết mình để tìm cách giúp đỡ cho quần chúng nhân dân. Dĩ nhiên, nhiều người trong số họ cũng đang bị chịu những thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra. Nhưng vì trót mang nghiệp “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, vì mang trên mình hai chữ “cán bộ” nên họ tạm gác chuyện gia đình, tạm gác những thiệt hại của cá nhân để phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Có thể, họ chẳng phải là người cầm trong tay hàng chục tỷ đồng, chia cho cô này vài triệu, phân cho chú kia vài triệu nhưng họ luôn là người âm thầm lặng lẽ đứng sau bà con quê hương mình.
Những ngày qua, chúng ta được chứng kiến nhiều tấm lòng cao đẹp khi kêu gọi cộng đồng cùng làm từ thiện. Với uy tín cá nhân, nhiều người đã kêu gọi được hàng trăm tỷ đồng để giúp đỡ đồng bào. Không kể khó khăn, thậm chí là nguy hiểm, họ sẵn sàng đi vào vùng bị mưa lũ, hỗ trợ tận tay hàng hóa và tiền của giúp đỡ người dân. Đây là điều đáng quý.
Tuy nhiên gần đây, câu chuyện làm từ thiện cũng phát sinh những mặt trái khiến mọi người không khỏi băn khoăn suy nghĩ. Đặc biệt, những chia sẻ của ca sĩ Thủy Tiên về việc chính quyền thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình thu lại tiền của người dân khiến cộng đồng không khỏi xôn xao.
Ngạn ngữ phương Tây có câu “một nửa chiếc bánh mì vẫn là bánh mì nhưng một nửa sự thật không còn là sự thật”. Điều này hoàn toàn đúng trong trường hợp trên. Đúng là có việc lãnh đạo thôn Ngọa Cương thu lại tiền mà đoàn ca sĩ Thủy Tiên hỗ trợ bà con. Nhưng nó chẳng phải do ép buộc, chẳng phải vì vụ lợi mà do người dân tự nguyện nộp lại để phân phối đều trong cộng đồng. Theo dõi trang facebook của cộng đồng người dân Ngọa Cương mới thấy tình đồng bào, tình làng xóm họ tha thiết lắm. Họ đâu hề ích kỷ, hẹp hòi, chỉ nghĩ cho riêng mình. Bão lũ đâu có chừa một ai. Người giàu cũng khổ mà người nghèo thì lại càng khổ. Trước thiên tai, tất cả mọi người đều nhỏ bé như nhau. Bởi vậy mà người dân thống nhất nộp lại số tiền để sau đó thống kê, phân phối lại cho toàn thể bà con. Chính những người trong cuộc đã phải gằn lòng: “Thôn thì ai cũng vất vả, chúng tôi có mà họ không có sao đành”.
Vậy nhưng dù báo chí cũng như cộng đồng đã trực tiếp gặp gỡ, làm việc với những người trong cuộc để làm rõ nội dung, bản chất vụ việc thì đâu đó trên facebook, những kẻ tiếm danh “người yêu nước” vẫn cố tình cắt xém thông tin, không chịu nhìn thẳng vào sự việc, gia tăng hoạt động xuyên tạc, công kích để tấn công chống phá chính quyền. Những kẻ này tung ra những luận điệu như “Mỗi lần thiên tai, người dân nhiều nơi bị thu lại tiền hoặc bị đòi lại phần lớn số tiền được từ thiện ngay sau khi nhà hảo tâm trao cho và đi khỏi đó. Nó là một thực tế quá tàn nhẫn cho các thân phận bị bỏ quên và bị áp bức ở xứ sở này”.
Những kẻ trên cố tình biến tướng, làm thay đổi bản chất vụ việc, vu khống việc người dân tự nguyện nộp lại tiền để sau đó phân phối lại cho tất cả mọi người. Điều này không những bôi nhọ đến uy tín của hệ thống chính quyền mà nó còn phủ nhận trắng trợn tinh thần của người dân nói chung và của bà con Ngọa Cương nói riêng.
Trong thiên tai, hoạn nạn, chúng ta mới thấy rõ được nghĩa đồng bào, tình làng xóm. Không phải ai cũng hẹp hòi, ích kỉ, xấu xa. Nam Cao trong tác phẩm Lão Hạc khi nói về những con người nghèo khổ đã viết: “Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là nhũng người đáng thương”.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả