Không đóng tiền làm đường trong xóm, hai gia đình bị người dân bêu tên lên trụ điện
Hai hộ gia đình không tham gia đóng tiền làm đường nội bộ xóm đã bị bêu tên ở nơi công cộng. Toàn bộ xe chở vật liệu, xe từ 3 bánh trở lên cũng bị cản trở vào đến nhà 2 hộ dân này. Vậy chuyện đó đúng hay sai?
Những bất ổn đã bắt đầu xuất hiện trên địa bàn xã Hoài Đức (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) khi người dân nơi đây tự lập quy ước và cả mức chế tài.
Lập bảng bêu tên vì bất đồng
Vụ việc xảy ra ngày 17-9 tại thôn Hải Hà (xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà). Vào thời điểm trên xuất hiện trên cột điện đầu xóm 2 thôn Hải Hà một tấm bảng thông báo bằng sắt chừng 1m2. Nội dung ghi rõ bằng sơn: “Thông báo những gia đình sau không đóng tiền và công làm đường bêtông. Gia đình ông bà: Lê Văn Vụ & Nguyễn Thị Hường; Gia đình ông bà Cù Văn Nhương & Nguyễn Thị Hằng. Cấm các loại xe vận tải từ 3 bánh trở lên chở hàng hóa đi và tới 2 hộ trên. Nếu vi phạm sẽ phạt từ 10 triệu đồng. (Trích quy ước xóm 2 – Hải Hà)”.
Theo tìm hiểu của PV, tấm bảng này được dựng lên sau khi con đường có chiều dài 950m, rộng 8m bằng bêtông trong xóm 2 được hoàn thành bằng tiền và công đóng góp của toàn bộ người dân xóm 2, ngoại trừ 2 hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hường và Cù Văn Nhương.
Hai hộ gia đình này cho biết không đóng góp do không thống nhất được số tiền phải đóng góp theo từng hộ. Sau đó gia đình cũng không được thôn xóm vận động tiếp tục. Trong khi đó, bà Bạch Thị Dung, trưởng ban Mặt trận thôn Hải Hà, cho biết: “Gia đình hai hộ gia đình này có điều kiện nhưng không chịu đóng tiền làm đường. Chúng tôi vận động nhưng họ không phối hợp. Đã thế còn tạo ra nhiều ý kiến khiến thôn xóm bất bình. Do đó chúng tôi chiếu theo quy ước xóm bêu tên ra”.
Quy ước xóm 2 liên quan tới việc làm đường được soạn thảo thô sơ với chữ ký của xóm trưởng xóm 2, trưởng ban Mặt trận và phó trưởng thôn Hải Hà. Hai gia đình bà Hường và ông Nhương cho rằng họ không tham gia quy ước xóm do cảm thấy không đúng.
Quy ước này được lập ngày 3-11, trong đó có điều 4 ghi rõ nội dung xử lý những gia đình nào không đóng tiền làm đường: “Cấm các loại xe từ 3 bánh trở lên chở hàng hóa đi và tới những hộ dân không đóng tiền làm đường. Nếu xe nào cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo quy ước của xóm. Gia đình nào không đóng tiền, khi có việc hiếu hỷ thì không ai tới”. Còn tại điều 5 của quy ước xóm cũng ghi: “Kính mong các đại lý mua bán, các gia đình có phương tiện vận chuyển vui lòng hợp tác cùng nhân dân xóm 2 để thực hiện bằng được bản quy ước trên và thông báo cho những gia đình chưa biết”.
Người dân tự tổ chức chặn xe
Bà Nguyễn Thị Hường thú nhận: “Chúng tôi vô cùng xấu hổ, mất danh dự và uy tín vì bị bêu tên trên cột điện. Cuộc sống riêng của con cái cũng bị ảnh hưởng vì việc này. Chúng tôi không đóng tiền làm đường là do không thống nhất với đa số người dân. Nếu tôi sai có pháp luật xử lý thích đáng chứ không thể bị xử lý như thế này”.
Theo ghi nhận, ngày 1-11 gia đình ông Nhương mua phân về để bón vườn, khi xe chở phân đỗ tại ngõ nhà ông Nhương thì bị một nhóm 9 người dân trong xóm 2 kéo đến chặn giữ xe, đòi nộp tiền theo quy ước xóm là 10 triệu đồng như đã ghi trên bảng treo trên cột điện.
Thấy tình hình lộn xộn nên Công an xã Hoài Đức đã phải vào cuộc giải quyết thì xe chở phân cho nhà ông Nhương mới được đi, nhưng khi xe đi một đoạn thì nhóm người này lại tiếp tục chặn xe để đòi tiền. Công an xã lại phải giải vây để đưa xe đi.
Thậm chí vào chiều 6-11, khi phóng viên Tuổi Trẻ Online đến tìm hiểu vụ việc thì ngay lập tức một nhóm người trong xóm đã xuất hiện và có hành vi quá khích để ép đưa PV về hội trường thôn. Lý do vào thôn quay phim, chụp ảnh mà không trình báo với thôn, xã. Mãi đến khi công an huyện Lâm Hà đến can thiệp, chúng tôi mới được rời đi.
Người dân không được quyền làm điều này
Liên quan đến vụ việc tự lập quy ước nói trên đã được Công an huyện Lâm Hà ghi nhận. Theo ông Nguyễn Văn Đức – chủ tịch UBND xã Hoài Đức: “Bản quy ước xóm 2 vô hiệu, không áp dụng được. Theo quy định, hương ước muốn có hiệu lực phải được chính quyền cấp xã đồng ý và cấp huyện phê duyệt. Các điều khoản phải được người dân cùng đồng thuận và không nằm ngoài khung của luật hiện hành”.
“Có thể hiểu người dân bức xúc vì 2 hộ dân không đóng tiền làm đường nhưng vẫn sử dụng con đường công sức của cả thôn xóm. Từ bức xúc này dẫn đến cách hành xử thiếu tế nhị, sai pháp luật. Chúng tôi sẽ nhanh chóng giải quyết để tránh những hậu quả đáng tiếc” – ông Nguyễn Văn Đức, chủ tịch UBND xã Hoài Đức, cho biết.
Trao đổi về việc người dân tự lập quy ước và bêu tên người được cho là vi phạm, ông Đức nói: “Người dân không được quyền làm điều này. Chúng tôi đang vận động người dân xóm 2 tự tháo tấm bảng thông báo sai quy định trên”.
Còn theo luật sư Vũ Quang Đức, Đoàn luật sư TP.HCM, phân tích: “Ngay cả cấp xã, phường cũng không có quy định nào cho phép được bêu tên người vi phạm. Cho nên ở cấp xóm tự thỏa thuận với nhau rồi tự xây dựng chế tài như trên là trái pháp luật. Những người có liên quan nếu có thiệt hại có quyền khởi kiện những người dân đã tự lập hương ước sai quy định rồi áp dụng gây tổn hại”.
Cấm các loại xe từ 3 bánh trở lên chở hàng hóa đi và tới những hộ dân không đóng tiền làm đường. Nếu xe nào cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo quy ước của xóm. Gia đình nào không đóng tiền khi có việc hiếu hỷ thì không ai tới”- Quy ước xóm 2 – thôn Hải Hà
(Theo Tuổi Trẻ)