+
Aa
-
like
comment

Không để thế lực xấu lợi dụng góp ý văn kiện chống phá

Diệu Hương - 01/10/2020 17:51

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng chuẩn bị được lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trong tháng 10 tới, sau khi đã lấy ý kiến tại Đại hội đảng các cấp. Một trong những điểm mới của văn kiện lần này là đặt mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vạch ra một cột mốc quan trọng, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Văn kiện Đại hội là kết tinh trí tuệ và khát vọng của toàn dân tộc, nhưng, vẫn có những tiếng nói lạc điệu cho rằng: văn kiện đại hội Đảng qua các kỳ Đại hội nói đi nói lại những vấn đề cũ, còn mang tính giáo điều và không thực tiễn. Nhìn vào quá trình phát triển đất nước, rõ ràng, đó là quan điểm quy chụp, phiến diện và không thể chấp nhận.

Ngày 19/9 vừa qua, Nguyễn Khắc Mai trong diễn đàn Tiếng dân, một trang website tự xưng là nói lên tiếng nói của người dân đã lớn tiếng bằng thư ngỏ gửi các Đại biểu Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đó lên dọng: Hãy dũng cảm trở lại với chính mình, từ bỏ giáo điều ba dọi.

Ngoài ra không chỉ có giọng điệu Khắc Mai – Báo Tiếng dân hay Phạm Trần – Blog Dân làm báo xuyên tạc, chê bôi văn kiện của Đảng mà một số blogger thù địch từng viết: Trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đều là lạc hậu, thủ cựu, giáo điều. Một blogger khác viết: Theo chủ nghĩa xã hội, thức là phải theo chủ nghĩa Mác – Lênin, mà chủ nghĩa Mác -Lênin đã bị nhân dân thế giới từ bỏ từ lâu. Với giọng điệu xảo trá đó, những đối tượng như Nguyễn Khắc Mai, Phạm Trần… có căn cứ lý luận và thực tiễn nào hay không? Và thực tế chứng minh đó là những tiếng nói xuyên tạc, lạc lõng, vô căn cứ, nó thường xuất hiện vào những thời điểm quan trọng, nhậy cảm của đất nước, nhất là trước các kỳ Đại hội Đảng, nhằm mục đích làm suy giảm lòng tin với lý tưởng của Đảng, với sự nghiệp xây dựng xã hội, xã hội chủ nghĩa.

Với đại đa số người dân, nhất là những người đã trải qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử thì cảm nhận rất rõ những nội dung trong Văn kiện Đại hội Đảng đã trở thành hiện thực trong đời sống nhân dân, bởi nó vừa đi sát thực tế, vừa có tầm nhìn xa. Trong lời Khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 10/1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đại hội lần này là đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà. Người nhắc lại ý chí sắc đá giải phóng miền Nam của nhân dân cả nước ta: Ngày nào mà chưa đuổi được Đế quốc Mỹ ra khỏi miền Nam nước ta, chưa giải phóng được miền Nam khỏi ách thống trị tàn bạo của Mỹ – Diệm thì nhân dân ta chưa thể ăn ngon, ngủ yên. Và nhấn mạnh: Miền Bắc giàu mạnh là cơ sở vững chắc của cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. 10 năm sau đó liên tiếp những tin vui từ cả 2 trận tuyến chống giặc ở miền Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc với cô Ba dũng sĩ, chị Hai Năm Tấn và đỉnh cao là đại thắng mùa xuân năm 1975, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, thống nhất đất nước.

Suốt chặng đường lãnh đạo dân tộc Việt Nam, Đảng ta luôn lấy thực tiễn làm thước đo cho những quyết sách của mình, từ thực tiễn lại bổ sung phát triển lý luận, ứng phó nhạy bén linh hoạt với hoàn cảnh, nhất là trong những thời điểm sống còn. Trong đó không thể không kể đến bước chuyển mình từ Đại hội Đảng lần thứ VI/1986 tiến hành đổi mới, trước hết là đổi mưới về tư duy. Tại Đại hội VI, Tổng Bí thư Trường Chinh ra lời hiệu triệu, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật. Đại hội Đảng lần thứ VI đã diễn ra trong bối cảnh Đảng nhìn thẳng vào Đại hội, vào sự thật để có câu trả lời trước kỳ vọng của nhân dân và tương lai đất nước. Những văn kiện được trình bày trong phiên khai mạc này đều thấm đẫm tinh thần đổi mới. Và Đại hội VI đã để lại một dấu ấn lịch sử, một bước ngoặt cho tiến trình đổi mới và thịnh vượng sau này. Xóa bỏ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng một xã hội văn minh, phát triển. Sau Đại hội VI, tại các kỳ đại hội, nhất là Đại hội VII (6/1991) và Đại hội XI (01/2011) Đảng đã hoàn thiện và cụ thể hóa một bước đường lối đổi mới, mà nội dung cốt lõi được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011)…

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín nhưng ngày nay.

Trước mỗi kỳ Đại hội, dự thảo Văn kiện luôn được đưa ra lấy ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là cơ hội để mỗi người với trí tuệ và trách nhiệm công dân của mình đóng góp cho dự thảo. Tinh thần là mỗi người dân đóng góp ý kiến đều cần trên tinh thần dù có phản biện nhưng vẫn phải mang tính xây dựng, không để những kẻ xấu lợi dụng, kích động, xuyên tạc.

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng chuẩn bị được lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Theo đó, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan chức năng cần phải quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tầng lớp nhân dân thể hiện quan điểm, thái độ, chính kiến của mình đối với từng nội dung trong dự thảo văn kiện. Mặt khác, tổ chức đảng, từng cơ quan, đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cung cấp cho người dân đầy đủ thông tin cần thiết, định hướng để người dân hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của công việc hệ trọng này. Cần coi việc giúp cán bộ, đảng viên và người dân hiểu đúng, nhận thức đầy đủ về dự thảo các văn kiện là phương cách tốt nhất để nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phát hiện, đấu tranh kịp thời với mọi tư tưởng, quan điểm sai trái. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân, khi tiếp cận với những thông tin, tài liệu tán phát trên mạng cần phải tỉnh táo nhận diện đâu là thông tin tốt, đâu là thông tin xấu, đâu là thông tin có cơ sở, đâu là thông tin xuyên tạc, bịa đặt; tránh bị cuốn theo những giọng điệu mỹ miều, xảo trá của các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội mà dẫn tới tư tưởng hoài nghi, hoang mang, dao động, suy giảm niềm tin với Đảng và chế độ.

Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng văn kiện Đại hội XIII sẽ vạch ra được đường hướng đúng đắn để dân tộc ta vững bước trên con đường đi tới văn minh, hiện đại và giá trị các văn kiện sẽ là bằng chứng hùng hồn bác bỏ mọi sự xuyên tạc.

Diệu Hương

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều