Không để các thế lực thù địch lợi dụng tệ tham nhũng chống phá cách mạng Việt Nam
Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng lại được Đảng, Nhà nước ta lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt như thời gian gần đây. Thế nhưng các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội lại ra sức lợi dụng vấn đề này để tiến hành các hoạt động chống phá.
Tham nhũng – chiêu bài chính trị để chống phá của các thế lực thù địch.
Chống phá cách mạng Việt Nam là bản chất không bao giờ thay đổi của các thế lực phản động, thù địch, hòng âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội chính trị thường xoáy sâu vào những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, đặc biệt vấn nạn tham nhũng chính là chiêu bài chính trị thường được các thế lực thù địch sử dụng triệt để hòng thực hiện âm mưa chống phá cách mạng Việt Nam.
Trong khi đó, cả thế giới đã thừa nhận tham nhũng là tệ nạn mang tính toàn cầu, xuất hiện và tồn tại ở mọi quốc gia trên thế giới. Tệ nạn tham nhũng hiện hữu ở tất cả các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị, kể cả ở nước nghèo và nước giàu, quốc gia phát triển, đang phát triển hoặc kém phát triển; không phân biệt do một đảng hay do đa đảng lãnh đạo.
Thế nhưng các thế lực thù địch, phản động lại ra sức rêu rao rằng: “Chế độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tệ tham nhũng”; “do đảng cầm quyền độc đoán cai trị nên tình trạng tham nhũng xảy ra…”; “tham nhũng là sản phẩm tất yếu của chế độ công hữu tư liệu sản xuất, chuyên chế độc đảng”…
Thực chất của giọng điệu ấy không gì khác là lợi dụng cuộc đấu tranh chống tham nhũng để xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu hòng làm suy giảm uy tín tiến tới mục tiêu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Nhìn vào những thông tin được đăng tải từ các hội, nhóm “xã hội dân sự” và các cá nhân tự xưng là những nhà hoạt động “dân chủ, nhân quyền”, “vì dân”, “ vì nước”… chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy nó thường mang nặng sự suy diễn chủ quan, tô vẽ, thổi phồng, thậm chí xuyên tạc trắng trợn tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.
Đặc biệt, họ thường suy diễn, chụp mũ, xuyên tạc những ý kiến chỉ đạo chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước… Những giọng điệu ấy không nhằm mục đích gì khác là xuyên tạc mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của cuộc đấu tranh này; bôi nhọ, hạ thấp uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; chia rẽ nội bộ ta, gây phân tâm trong xã hội, làm giảm sút ý chí, quyết tâm phòng chống tham nhũng và lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ.
Để lôi kéo người dân “tin tưởng” vào các luận điệu xuyên tạc, các hội, nhóm, nhà hoạt động “dân chủ, nhân quyền” thường lợi dụng những vụ án tham nhũng liên quan đến cán bộ, đảng viên đã xảy ra hoặc những sự việc tiêu cực trong xã hội để suy diễn, quy kết “do tham nhũng” và thổi phồng cho đó là tình trạng “phổ biến”, “bản chất” của chế độ xã hội chủ nghĩa, một “căn bệnh” do cơ chế độc đảng lãnh đạo, do “năng lực quản lý yếu kém” của Nhà nước.
Không chỉ vậy, họ còn suy diễn rằng, có sự “bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí” của lãnh đạo, chính quyền các cấp nên nó mới lộng hành như vậy.
Nguy hiểm hơn, để truyền tải rộng rãi các thông tin xuyên tạc tới người dân, họ còn lập riêng một số website, blog để đăng tải bài viết, hình ảnh xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ về đời tư, sự minh bạch của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta.
Khi nước ta chưa đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng hoặc đã làm nhưng kết quả chưa rõ nét thì họ cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái thành công vì Đảng cũng tham nhũng, suy thoái”…
Khi Đảng và Nhà nước ta thể hiện quyết tâm chính trị, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, kiên quyết xử lý hàng loạt cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực thì họ lại tung ra những giọng điệu lạc lõng, dựng chuyện, xuyên tạc rằng thực chất cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay là “cuộc chiến thanh trừng phe phái trong nội bộ Đảng”, “là sự đấu đá nội bộ, phe phái trong Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Kết quả phòng chống tham nhũng – “ đòn phản công” các luận điệu xuyên tạc
Ở Việt Nam, ngay từ khi xây dựng chính quyền cách mạng (năm 1945), Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ đã nhận diện, thẳng thắn chỉ ra các hiện tượng tham ô tài sản, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn,… Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”. Người cho đó là: “Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”.
Trên tinh thần đó, trong văn kiện của Đảng tại các kỳ đại hội đều cảnh báo về tệ nạn này, nhất là trong thời kỳ đổi mới. Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (khóa VII) của Đảng nêu: “Nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội là một trong bốn nguy cơ trước mắt của đất nước”. Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) của Đảng đánh giá: “Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành,… gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước,…”
Thực tế đã cho thấy, trong những năm gần đây, đặc biệt là những năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, công tác phòng chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước ta chỉ đạo rất quyết liệt, tạo được một bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
Những vụ đại án gần đây như vụ “ nhận hối lộ, đưa hối lộ, vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty viễn thông Mobifone; vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” liên quan đến dự án tại số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM; vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Bia rượu nước giải khát (Sabeco);…đều được phanh phui, đưa ra xét xử hàng loạt bị can đã thấy rõ quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng ta, công cuộc “ đốt lò” đã khiến cho “ lò nóng rực rồi”.
Thực tế trên là bằng chứng xác thực nhất bác bỏ những luận điệu tuyên truyền phiến diện, chủ quan, lệch lạc, thù địch đang cố tình lợi dụng vấn đề tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam để thực hiện mục đích, ý đồ xấu.
Ngoài việc góp phần tạo ra bước phát triển về kinh tế – xã hội, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa. Những kết quả đạt được càng chứng tỏ những luận điệu của các thế lực phản động về cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Việt Nam là xuyên tạc, bịa đặt, vô căn cứ.
Kết quả của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian qua cho thấy quần chúng nhân dân và toàn xã hội đã đặt trọn niềm tin, tích cực ủng hộ ý chí quyết tâm, nỗ lực đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng… Nhưng cũng cần phải thấy ngay rằng những kết quả quan trọng đạt được mới chỉ là bước đầu. Tình hình tham nhũng, tiêu cực và tệ quan liêu, lãng phí vẫn còn nhiều, phổ biến trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Thời gian tới, khi cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực càng được đẩy mạnh thì các thế lực thù địch, phản động cũng sẽ gia tăng sự chống phá. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải đề cao cảnh giác, nhận diện rõ ràng về những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội để từ đó kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, phản động hòng phá hoại, ngăn cản cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Hồng Đinh