+
Aa
-
like
comment

Không để các doanh nghiệp nhờn luật, Thủ tướng cương quyết xử phạt nghiêm

Thế Khoa - 15/06/2020 15:05

Mới đây, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rằng: “coi trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường là sai lầm. Bảo vệ môi trường không thể chỉ dùng khẩu hiệu suông, mà phải xuất phát từ những hành động cụ thể, từ việc làm nhỏ nhất của mỗi cán bộ và người dân”.

Không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu Chính phủ lại đưa ra những ý kiến như trên, bởi thực tiễn diễn ra từ những năm gần đây, nhiều dự án đầu tư vi phạm ảnh hưởng đến môi trường rất nặng nề: Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh khiến hải sản chết tại bốn tỉnh miền Trung; Nhà máy giấy Lee&Man không chỉ gây ô nhiễm về mùi hôi, khói bụi mà còn cả tiếng ồn khiến người dân gửi đơn kêu cứu chính quyền; rồi Công ty mía đường Hòa Bình đầu độc sông Bưởi; hay mới đây nhất là vụ ô nhiễm nước nước sông Đà suýt gây nguy hại cho hàng triệu người dân Thủ đô…

Vẫn biết rằng lãnh đạo các địa phương đang nóng lòng muốn phát triển nhanh kinh tế, thế nhưng không thể vì thế mà đem môi trường ra đánh đổi được. Lợi ích kinh tế trước mắt mãi mãi không thể bù đắp được sự tổn hại môi trường, trước sự khốn khổ của người dân. Nhất là trong bối cảnh Quốc hội vừa phê chuẩn EVFTA, làn sóng đầu tư FDI sẽ tràn vào Việt Nam rất nhanh và nhiều. Đây vừa là cơ hội phát triển nhanh kinh tế, nhưng cũng là thách thức về môi trường không hề nhỏ. Nếu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương không thực sự nhận thức được tầm quan trọng của môi trường, đảm bảo phát triển đất nước bền vững thì sẽ nhanh chóng khiến môi trường sống trở nên vô cùng tồi tệ. Bởi lúc đó hình ảnh một Việt Nam bị ô nhiễm nghiêm trọng sẽ trở thành rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài và du khách.

Vậy nên đến lúc phải có quyết sách mạnh như lời khẳng định của Thủ tướng “chúng ta không có chế tài nghiêm, xử phạt nghiêm thì nói mãi cũng nhờn. Cần chấm dứt việc bàn chuyện trên trời mà thiếu quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường mang tính sát sườn với cuộc sống của người dân”. Doanh nghiệp nào gây ô nhiễm ra sao, thì phải trả tiền tương xứng với mức độ ấy. Phải có mức xử phạt thật nghiêm, xử phạt cao gấp nhiều lần so với mức lợi nhuận mà doanh nghiệp đạt được, để họ chấp hành nghiêm túc, làm ăn kinh doanh theo hướng thân thiện môi trường, nếu không thì chỉ còn nước đóng cửa và phá sản. Còn nếu như xử phạt “nhẹ hều” chắc chắn sẽ không ngăn được tình trạng gây ô nhiễm môi trường, bởi doanh nghiệp sẽ tính toán lời được bao nhiêu, phải nộp phạt bao nhiêu thì họ vẫn sẽ nhờn luật, bất chấp quy định của pháp luật mà tiếp tục vi phạm mà thôi. Cần hiểu rằng, việc đưa ra mức phạt nặng và nghiêm không phải là vì tiền được thu về ngân sách là bao nhiêu mà mục đích cuối cùng là điều chỉnh những hành vi làm ăn gian dối, tác động xấu đến môi trường, bảo vệ sức khỏe của người dân, đưa đất nước phát triển trong một môi trường trong lành và bền vững.

Có thể thấy, những ví dụ điển hình ở trên về gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường, là những bài học cần phải được rút ra. Bài học đó chính là dành cho cơ quan chức năng có nhiệm vụ cấp phép cho hoạt động của những nhà máy, doanh nghiệp. Cần phải coi trọng vấn đề tiền kiểm về môi trường đối với các dự án đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt kiểm soát được họ đầu tư công nghệ gì, và nếu cơ quan chức năng chưa thẩm định về môi trường, thì doanh nghiệp chưa được đưa vào sản xuất. Vì khi họ đầu tư công nghệ vào rồi, sau này không đạt, bắt doanh nghiệp phá bỏ toàn bộ thì sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, môi trường đầu tư và cả tâm lý của nhà đầu tư. Còn khi doanh nghiệp thông qua khâu tiền kiểm, đi vào hoạt động thì cơ quan nhà nước có thể hạn chế, việc thanh kiểm tra để tránh ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh. Nếu xảy ra sự cố thì phải chỉ rõ cán bộ, cơ quan nào chịu trách nhiệm, xử lý đến cùng, tránh tình trạng đánh bùn sang ao dẫn đến tâm lý nhờn luật như nhiều trường hợp vừa qua khiến dư luận xã hội không khỏi bức xúc.

Thế Khoa

Bài mới
Đọc nhiều