Không cùng “hạng cân”, Nga vẫn có “độc chiêu” khắc chế Mỹ
Không tương xứng với ngân sách quốc phòng của Mỹ nhưng Nga có những vũ khí xứng tầm đối chọi.
Không cùng “hạng cân”
Cuộc chạy đua vũ trang không chính thức giữa Washington và Moscow sẽ tiếp tục vào năm 2021. Đồng thời, ngân sách quân sự của Mỹ sẽ lên tới con số khổng lồ 740,5 tỷ USD. Tờ Reporter đặt câu hỏi: Làm thế nào để Nga có thể ứng phó khi ngân sách quốc phòng không thể so sánh với Mỹ.
Lưu ý đầu tiên là chi phí phát triển bộ ba hạt nhân tại Lầu Năm Góc sẽ tăng 18% so với năm ngoái. 29 tỷ USD sẽ được phân bổ cho việc phát triển các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới, máy bay ném bom tàng hình chiến lược B-21 Raider, tàu ngầm hạt nhân Project Columbia, tên lửa hành trình tầm xa trang bị đầu đạn hạt nhân.
Bên cạnh đó, không quân Mỹ sẽ nhận thêm 93 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 trị giá 9,1 tỷ USD, 7 máy bay vận tải hạng nặng C-130J và 17 máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper trị giá 108 triệu USD.
Hải quân Mỹ sẽ có hơn 23 tỷ USD trong năm 2021. Với số tiền này, lực lượng sẽ nhận được 9 tàu chiến và 1 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia. Dự kiến Mỹ sẽ đóng mới tàu USS Saipan (LHA 9) lớp UDC. Lầu Năm Góc cũng ký hợp đồng đóng 3 tàu tấn công đổ bộ lớp San Antonio và 2 tàu ngầm hạt nhân lớp Columbia.
Hàng không hải quân sẽ nhận 8 máy bay P-8 Poseidon, cũng như các máy bay và trực thăng mới với tổng trị giá 18,545 tỷ USD. Lực lượng mặt đất của Mỹ đang dựa vào vũ khí chính xác và siêu vượt âm, laser tác chiến và hệ thống máy bay không người lái.
Lực lượng này sẽ tiếp tục mua trực thăng UH-60L/M/V Blackhawk, AH-64E Apache và MH-47G Ghinook, xe bọc thép cải tiến Stryker, xe tăng M1 Abrams, Bradley và M109, M-SHORAD, tên lửa MSE, Javelin, Hellfire, Patriot và ATACMS, v.v.
Ngân sách của Nga kém Mỹ một khoảng cách đáng kể, nhưng Moscow cũng đang có những đối sách với sức mạnh quân sự của Washington.
Sarmat
Trong năm nay, Nga dự kiến sẽ chuyển giao ICBM Sarmat đầu tiên cho Lực lượng Tên lửa Chiến lược, loại vũ khí này sẽ dần thay thế R-36M2 Voevoda. Đây là loại vũ khí tối tân có khả năng đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 18 nghìn km, được phân tách bằng đầu đạn với các đơn vị dẫn đường riêng lẻ, có khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.
Vào năm 2021, các hoạt động chuẩn bị sẽ diễn ra để đưa ICBM mới vào nhiệm vụ chiến đấu, cũng như tiến hành các thử nghiệm.
Zircon
Một biện pháp răn đe hiệu quả khác là tên lửa siêu vượt âm Zircon. Ban đầu, tên lửa mới được cho là để thay thế tên lửa chống hạm P-700 Granit đã lỗi thời, nhưng hiện nay phạm vi ứng dụng của nó đã tăng lên.
Với tốc độ Mach 8, Zircon không thể bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có, do đó việc trang bị Zircons cho lực lượng hải quân Nga giúp tăng đáng kể khả năng tác chiến so với hạm đội NATO, biến tàu sân bay Mỹ thành mục tiêu lớn. Ngoài ra, tên lửa siêu vượt âm này cũng có thể bắn trúng các mục tiêu mặt đất của đối phương.
Tu-160M/M2
Máy bay ném bom chiến lược của Liên Xô như được tiếp thêm sức trẻ nhờ quá trình hiện đại hóa sâu rộng. Các cải tiến mới đã được áp dụng với động cơ NK-32-02 (được phát triển từ năm 1987) cũng như các thiết bị và hệ thống điều khiển trên tàu.
Việc hiện đại hóa phiên bản NK-32-02M2 sẽ cho phép “Thiên nga trắng” giảm tiêu hao nhiên liệu và tăng phạm vi bay thêm 1650 km.
Ngoài ra, máy bay sẽ được sử dụng hệ thống phòng thủ mới “Redut-70M”, radar dẫn đường DISS-021-70, hệ thống dẫn đường NO-70M, hệ thống thông tin liên lạc S-505-70, hệ thống dẫn đường ANS-2009M, máy thu dẫn định hướng không gian A737DP và nhiều cải tiến mới khác. Các cuộc thử nghiệm của máy bay ném bom này sẽ bắt đầu trong năm nay.
S-500 “Prometheus”
Kế thừa S-400 là thế hệ hệ thống phòng không thứ năm của Nga. Tầm bắn của hệ thống phòng không S-500 hứa hẹn là 600 km, vì vậy Prometheus có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo ngay cả khi ở bên ngoài bầu khí quyển.
Tổ hợp hứa hẹn có khả năng ngăn chặn đồng thời 10 mục tiêu bay, thậm chí nó còn có khả năng phóng tên lửa siêu vượt âm. Các hoàn thiện trên S-500 dự kiến xong vào cuối năm 2021.
Su-57
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Nga là câu trả lời cho F-35 của Mỹ. Máy bay được sử dụng công nghệ “tàng hình”, giúp nó không bị radar phát hiện, cũng như có tốc độ bay siêu âm. Su-57 được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên mặt đất và trên biển.
Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đang chờ 76 máy bay chiến đấu loại này, sau đó là 4 chiếc vào năm 2021 và trong những năm tiếp theo sản lượng sẽ tăng lên 15 chiếc.
T-14 “Armata”
Một chiếc xe tăng đầy hứa hẹn của Nga đang được nhiều khách hàng nước ngoài quan tâm. Nó cũng được áp dụng các công nghệ “tàng hình”, có thể được sử dụng như một phương tiện chỉ huy cho chiến tranh lấy mạng làm trung tâm. Vấn đề trở ngại duy nhất của nó là giá khá cao.
Trong trường hợp được xuất khẩu, số lượng sản xuất tăng lên sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm. Điều này sẽ làm cho “Armata” trở thành một loại xe tăng giá cả phải chăng hơn để mua và bảo dưỡng sau này.
2S35 “Coalition-SV (-KSH)”
Tổ hợp pháo này đã được biên chế vào quân đội Nga năm ngoái. Trang bị nòng pháo 152 mm với tốc độ bắn hơn 10 viên/phút và khả năng điều khiển bắn từ xa, 2S35 “Coalition-SV” trở thành một vũ khí đáng nể trên chiến trường. Vào năm 2021, dự kiến sẽ tăng sản lượng tổ hợp pháo triển vọng này.
TOS-2 “Tosochka”
Hệ thống súng phun lửa hạng nặng là vũ khí đáng gờm trong tay Lực lượng Mặt đất RF. TOS-2 có tính cơ động nhờ sử dụng khung gầm bánh lốp từ “Ural-63706” và có lớp giáp bảo vệ chống lại các vũ khí nhỏ. Không giống như TOS-1 và TOS-1A, nó được điều khiển tự động, trang bị thiết bị định vị và hệ thống sạc đã được hiện đại hóa.
Uranus-9
Nga cũng không đứng yên trong cuộc đua phát triển vũ khí robot. Vũ khí này được trang bị pháo tự động 2A72 30 mm, súng máy 7,62 mm, súng phun lửa “Shmel-M” và hệ thống tên lửa chống tăng. “Thiên Vương 9” đã được thử nghiệm ở Syria, nơi nó đã nhận được nhiều đánh giá giúp nhà phát triển ghi nhận và sửa đổi.
Hiện tại, công việc phát triển đang được tiến hành đối với “Storm” và “Companion”, các hệ thống robot quân sự hạng trung và hạng nặng.
Với những vũ khí kể trên, có thể thấy Nga cũng có những đối trọng đáng nể để đáp trả những thách thức từ Mỹ, bất chấp sự khác biệt đáng kể về “hạng cân”.
Trương Mạnh Kiên