+
Aa
-
like
comment

Không còn ‘hạ cánh an toàn’ với bất kỳ ai

07/12/2020 09:03

Chưa bao giờ công cuộc đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực lại tạo ra khí thế và sự quan tâm lớn của xã hội như hiện nay. Sự quyết tâm của Đảng, lập trường rõ ràng, hành động quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh với tham nhũng đã và đang khơi dậy niềm tin của toàn xã hội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo, ngày 25/11.

Trước thềm Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng về những vấn đề mà nhân dân và dư luận đang quan tâm.

Vài năm trở lại đây, cụm từ “hạ cánh không an toàn” được sử dụng nhiều trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng khi rất nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự sau khi đã nghỉ công tác. Xin ông chia sẻ quan điểm về thực tế rất đáng mừng này?

Đồng chí Vũ Quốc Hùng: Cụm từ “hạ cánh an toàn” trước đây vẫn được nhắc tới để nói về việc một số quan chức sau khi về hưu là hết trách nhiệm với tổ chức và nhân dân, bất kể lúc đương chức có vi phạm thế nào. Có một thời gian dài, những cán bộ sai phạm đã không bị xử lý sau khi về hưu, hoặc có xử lý cũng chưa thực sự nghiêm khắc. Chính điều đó đã tạo nên tâm lý thu vén cá nhân, coi nhẹ đạo lý và luật pháp.

Nhưng ở nhiệm kỳ này, mọi chuyện đã khác. Việc cương quyết xử lý những những cán bộ vi phạm kỷ luật, dù đương chức hay đã nghỉ hưu cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng, thể hiện sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn của pháp luật, không chỉ giúp củng cố niềm tin trong nhân dân, mà còn là tiếng chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ với những cán bộ đang và sẽ có ý định “nhúng chàm”.

Sự quyết liệt trong đấu tranh với tham nhũng đang cho thấy, từ nay sẽ không còn khái niệm “hạ cánh an toàn” đối với bất kỳ ai khi bàn tay đã “nhúng chàm”. Đó cũng là yêu cầu, là đòi hỏi tất yếu để giữ cho Đảng trong sạch, vì cuộc sống của nhân dân, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”.

Lập trường chống tham nhũng của Chính phủ rất rõ ràng

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những giải pháp, hành động đồng bộ, quyết liệt, góp phần vào kết quả phòng chống tham nhũng trong nhiệm kỳ này. Ông nhìn nhận thế nào về những nỗ lực đó của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ?

Đồng chí Vũ Quốc Hùng: Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng đều tỏ rõ quan điểm của mình trong phòng chống tham nhũng, qua những phát biểu, chỉ đạo, giải quyết đơn thư của người dân, các ý kiến được Văn phòng Chính phủ truyền đạt. Nhiều đơn thư đã được chuyển đến các cơ quan chức năng để giải quyết cho người dân. Chính phủ đã có quan điểm chống tham nhũng với lập trường rất rõ ràng, hành động quyết liệt.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại tố cáo trong 6 tháng cuối năm 2020. Qua đó, tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Người đứng đầu bộ, ngành, địa phương phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định của Đảng, nhà nước về phòng chống tham nhũng; nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại đơn vị, cơ quan mình thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng. Ảnh: VGP/Nhật Nam

Các bộ, ngành, địa phương cần ban hành quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch, có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, thi hành án, hải quan, thuế, quản lý thị trường…, ngăn chặn cho được tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”, phục vụ động cơ cá nhân trong thực thi công vụ.

Người đứng đầu Chính phủ còn yêu cầu triển khai rộng rãi hệ thống ghi âm, ghi hình, camera trực tuyến tại các địa điểm có tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp và có bộ phận thường trực theo dõi, giám sát thường xuyên.

Bên cạnh đó, yêu cầu kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật, định kỳ luân chuyển vị trí công tác đối với những vị trí nhạy cảm, phức tạp theo đúng quy định.

Bên cạnh những hành động quyết liệt, chỉ đạo kịp thời đó, theo tôi, vẫn có tình trạng bộ phận tiếp nhận ý kiến không làm, có vụ việc loanh quanh không được giải quyết “đến nơi đến chốn”. Cần đẩy mạnh theo dõi, giám sát, đôn đốc việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng. Kiểm tra, giám sát để xem người khiếu nại tố cáo đúng sai đến đâu và cũng để kiểm tra hệ thống bộ máy của mình, xem yếu kém chỗ nào để chấn chỉnh. Nếu làm được như thế thì bộ máy của chúng ta sẽ nâng cao được sức chiến đấu.

Thực tế đã có hiện tượng tham nhũng xảy ra trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng. Giải pháp để phòng, chống  hiện tượng này là gì, thưa ông?

Đồng chí Vũ Quốc Hùng: Hiện tượng tham nhũng xảy ra trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng là không phổ biến nhưng tác hại, hậu quả mà nó gây ra rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tin của nhân dân.

Nhiều lần họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở về hiện tượng này. Điều nhắc nhở của Tổng Bí thư không thừa, bởi thực tế trong đời sống, tham nhũng không chừa một ai cả. Những người của cơ quan phòng chống tham nhũng còn nhũng nhiễu, đòi lót tay, hối lộ, tham nhũng thì nói được ai, chống ai? Vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên đang ở đâu?

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các cơ quan nội chính, kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử phải là những “thanh bảo kiếm” sắc bén, có dũng khí đấu tranh ngăn chặn những việc làm sai trái, lợi ích nhóm, mưu lợi cá nhân…

Nhìn lại con số kỷ luật cán bộ cấp cao thời gian qua, nguyên nhân sâu xa được xác định là do một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện, không đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ lợi ích vật chất, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Cho nên khi cán bộ được giao quyền lực trong tay mà không được kiểm soát tốt thì dễ dẫn tới suy thoái, hư hỏng, chỉ lo làm lợi cho cá nhân, nhóm của mình mà quên đi bổn phận trước Đảng, trước Nhân dân.

Một nguyên nhân nữa không thể không nói đến đó là tổ chức cơ sở Đảng buông lỏng quản lý, kiểm tra, giám sát, không thực hiện nghiêm nguyên tắc phê bình và tự phê bình, còn nể nang, né tránh, sợ đấu tranh.

Do đó, theo tôi, người đứng đầu cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan bảo vệ pháp luật cần tập trung rà soát, thanh lọc đội ngũ cán bộ, chuyển đổi vị trí công tác, bảo đảm bố trí đúng cán bộ có năng lực, phẩm chất và đạo đức công tác tại các vị trí nhạy cảm này.

Điều đặc biệt quan trọng có ý nghĩa quyết định là, những người làm công tác phòng, chống tham nhũng nói chung, những người trực tiếp làm việc trong các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng nói riêng phải thật sự liêm chính, trong sạch, biết gương mẫu giữ mình, trọng liêm sỉ, không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào, bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào của những kẻ phạm tội.

Những người chống tham nhũng không thể dính đến tham nhũng. Những người yếu đuối, không đấu tranh chống tham nhũng, nể nang, né tránh thì cũng không thể làm việc trong những trong cơ quan này.

Cần tăng cường sự giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan tư pháp trong hoạt động tố tụng, giữa các cơ quan kiểm tra, nội chính của Ðảng, cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước với các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Mọi cấp, mọi ngành, các tổ chức và cá nhân phải ủng hộ các cơ quan tiến hành tố tụng để cán bộ các cơ quan này “dĩ công vi thượng”, “thượng tôn pháp luật” trong thực thi pháp luật để chống tham nhũng thành công.

Bên cạnh đó, các ngành công an, thanh tra, nội chính, kiểm tra… cần tăng cường công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị. Kiên quyết xử lý nghiêm, loại ra khỏi bộ máy đối với những cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc và cả những cán bộ yếu về năng lực bản lĩnh, chuyên môn, nghiệp vụ trong phòng, chống tham nhũng.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Phương Liên/VGP

Bài mới
Đọc nhiều