Không có quyền xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân
Ngày 17/12/2020, được sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ, Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Cần Thơ đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trương Châu Hữu Danh (38 tuổi, đăng ký thường trú tại số 85 Khương Minh Ngọc, ấp Vĩnh Hòa, xã An Vĩnh Ngãi, thành phố Tân An, tỉnh Long An) để điều tra về hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, được quy định tại điều 331, bộ luật Hình sự 2015. Đây được xem là kết cục có dự báo trước của một gã “nhà báo bẩn” như Trương Châu Hữu Danh.
Trương Châu Hữu Danh trước đây từng là phóng viên của một số tờ báo trong nước nhưng do có những vi phạm nghiêm trọng về đạo đức nghề nghiệp nên đã bị thu thẻ hành nghề. Sau đó, Danh chuyển hẳn sang hành nghề “đánh BOT”, “viết báo bẩn”… để kiếm tiền.
Là thành viên thành lập nhóm “đánh BOT” với 3 thành viên chủ lực: Trương Châu Hữu Danh, Ngô Thị Oanh Phương (hay còn gọi là Phương Ngô) và Huỳnh Long, Danh nhận được sự ủng hộ rất lớn của một bộ phận tài xế và dư luận. Facebook “Trương Châu Hữu Danh” nhờ đó cũng thu hút được hơn 160.000 lượt theo dõi. Nhưng, lạm dụng sự “nổi tiếng” này, Trương Châu Hữu Danh bắt đầu sử dụng nhiều thủ đoạn để tư lợi cá nhân.
Tháng 8/2019, Trương Châu Hữu Danh lập nên một nhóm mang tên “Báo sạch”, quy tụ các thành viên đều là những người có ảnh hưởng trên cộng đồng mạng như: Bạch Thị Hoàn, Phạm Ngọc Hưng, Đỗ Văn Hùng, Nguyễn Phước Trung Bảo, Nguyễn Thanh Nhã, Đoàn Kiên Giang, Lê Thế Thắng. Mang danh nghĩa là đi “bảo vệ lẽ phải” nhưng cái nhóm này chủ yếu đi “tống tiền doanh nghiệp” nhằm kiếm chác. Điển hình là vụ việc ngày 27/8/2020, Trương Châu Hữu Danh bị Công ty Cổ phần giáo dục Việt Nam gửi đơn tố giác đến cơ quan Công an thành phố Hồ Chí Minh về tội vu khống. Theo đó, Trương Châu Hữu Danh có đăng tải bài viết trên trang Facebook cá nhân vu khống Công ty Cổ phần giáo dục Việt Nam chiếm đoạt mảnh đất của bà Dương Thị Túy Phượng. Tuy nhiên, sự thật là mảnh đất được nhắc đến đang có tranh chấp giữa bà Dương Thị Túy Phượng và ông Cao Văn Phú. Trước thời điểm tranh chấp, phía Công ty Cổ phần giáo dục Việt Nam có lập hợp đồng thuê đất với ông Cao Văn Phú theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, xuyên suốt các sự việc mang tính thời sự, xã hội được dư luận quan tâm, Trương Châu Hữu Danh cũng đều dùng Facebook cá nhân của mình để đưa ra những tư tưởng, quan điểm cá nhân một cách vô đạo đức. Thời điểm Đà Nẵng bùng nổ dịch Covid-19 và nhận được sự đóng góp, chung tay ủng hộ của người dân cả nước, Trương Châu Hữu Danh đã lấp liếm để bẻ lái rằng sự giúp đỡ này xuất phát từ “xã hội dân sự”, qua đó ủng hộ cái gọi là “tổ chức xã hội dân sự” tiếp tục phát triển tại Việt Nam. Vào thời điểm miền Trung xảy ra bão lũ, cụ thể là sự việc 13 chiến sĩ hy sinh tại thủy điện Rào Trăng, Trương Châu Hữu Danh dám vu khống rằng 13 chiến sĩ này vào thủy điện không phải “vì giúp dân” mà “do có cổ phần tại nhà máy thủy điện”… Những lời xảo trá đáng kinh tởm như vậy mà Trương Châu Hữu Danh còn dám bật ra để xúc phạm đến anh linh, những người đã chết thì hẳn nhiên lương tri và đạo đức của y đã không còn. Với đầy rẫy những tai tiếng như vậy, không khó để nhìn trước được viễn cảnh Trương Châu Hữu Danh bị bắt, khởi tố như ngày 17/12 vừa qua.
Sự hoảng sợ bất an của đồng bọn!
Ngay sau khi thông tin Trương Châu Hữu Danh bị bắt, khởi tố được công bố, một số đối tượng “đồng đảng”, có những hành vi phạm tội kiểu tương tự với Trương Châu Hữu Danh như Trịnh Kim Tiến, Nguyễn Thị Bích Nga… bắt đầu tỏ ra hoảng sợ. Những kẻ này liên tục dùng mạng xã hội để phản đối việc bắt Trương Châu Hữu Danh cũng như đòi xóa bỏ Điều 331, Bộ Luật Hình sự (quy định Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân). Theo chúng, quy định này của Bộ luật Hình sự là “vi Hiến, chà đạp lên quyền công dân…”. Dường như, đây là lý lẽ xảo trá cuối cùng của những kẻ thường xuyên lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để chống Đảng, Nhà nước.
Xem xét thực tiễn pháp luật thế giới và tại, các quyền tự do, dân chủ của cá nhân một công dân đều sẽ bị giới hạn trong một số trường hợp nhất định nhằm bảo vệ những giá trị chung lớn hơn. Vấn đề này hiện đã được cụ thể hóa rõ ràng tại khoản 2, Điều 14, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Quy trở lại với những hành vi của Trương Châu Hữu Danh, tên này tự do đăng tải quan điểm cá nhân, thực chất là tin giả trên Facebook mà vu khống, gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp khác; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các chiến sĩ hy sinh tại thủy điện Rào Trăng… Rõ ràng việc “tự do ngôn luận” một cách vô trách nhiệm, vô đạo đức của Danh đã xâm phạm đến những lợi ích lớn của cá nhân, tập thể khác, gây ảnh hưởng đến đạo đức xã hội,… Đây là một trong những ví dụ điển hình để khẳng định lý do phải đặt ra quy định về tội “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” như điều 331, Bộ luật Hình sự.
Bắt, khởi tố Trương Châu Hữu Danh hay còn nhiều đối tượng khác như hắn là điều cấp thiết để bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng. Không một cá nhân, không một tổ chức nào có quyền dùng “tự do, dân chủ vô nguyên tắc” mà xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác. Trước khi đòi hỏi quyền, lợi ích cá nhân, hãy tôn trọng quyền và lợi ích chung của cộng đồng!
Komi
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả