+
Aa
-
like
comment

‘Không có chuyện virus corona lây truyền qua bụi khí’

09/02/2020 11:36

Thông tin các nhà khoa học Thượng Hải, Trung Quốc, cho biết nCoV có thể lây truyền qua “bụi khí” là lỗi dịch thuật. Thực chất, nCoV không lây truyền qua không khí.

Đó là khẳng định của bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.

Bác sĩ Khanh cho biết “Aerosol” trong bối cảnh này không phải là “bụi khí” như có tờ báo đã dịch, mà đó là cách điều trị viêm hô hấp phổ biến trong các bệnh viện: Khí dung.

Đồng thời, ông Khanh cảnh báo thêm trong quá trình điều trị các bệnh truyền nhiễm như nCoV, xông khí dung là phương pháp dễ lây lan và bội nhiễm gây tử vong.

“Virus corona không tự lây truyền qua không khí mà chúng được bao bọc bên trong môi trường là các dịch cơ thể của người bệnh khi ho, hắt hơi, nói chuyện”, bác sĩ Khanh khẳng định.

Khí dung là phương pháp sử dụng máy khuếch tán thuốc theo dạng sương mù, tác động vào hệ thống niêm mạc đường hô hấp trên hoặc dưới. Đây là phương pháp điều trị tại chỗ cho các bệnh lý thuộc niêm mạc đường hô hấp như viêm thanh quản, viêm mũi họng, viêm khí – phế quản, viêm mũi xoang…

'Khong co chuyen virus corona lay truyen qua bui khi' hinh anh 1 khi_dung_Zing_.jpg
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho rằng thông tin các nhà khoa học Thượng Hải nói nCoV lây truyền qua “bụi khí” có thể là lỗi dịch thuật. Ảnh: VTC News.

Trước thông tin nCoV có thể lây qua khí dung, phương pháp chữa bệnh thường áp dụng cho trẻ nhỏ, PGS.TS Trần Minh Điển – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) – cho biết nếu một người dùng riêng bầu khí dung thì không sao, nhưng 2 người dùng chung sẽ bị lây bệnh.

Mặt khác, nếu khí dung trong buồng bệnh có ở khoảng cách 2 m trở xuống, sẽ lây bệnh vì virus từ hô hấp người bệnh sẽ ra theo con đường khí dung.

Đồng quan điểm trên, ThS.BS Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết trong điều trị các bệnh viêm hô hấp, một số trường hợp nhân viên y tế sẽ chỉ định xông khí dung cho người bệnh.

“Có thể nhiều người đang dịch sai chữ Aerosol thành bụi khí, nhưng thực chất là khí dung”, bác sĩ Nam khẳng định.

Theo bác sĩ Nam, bụi khí là không khí trong môi trường. Còn khí dung là nhân viên y tế sẽ đưa lượng nước và thuốc vào trong đường thở của bệnh nhân. Khi xông hơi, thuốc dạng sương do máy tạo ra sẽ bám vào lớp niêm mạc đường hô hấp và tác động trực tiếp lên những vị trí bị viêm nhiễm. Khi bệnh nhân ho, hắt hơi… có thể làm tăng nồng độ của các dịch bắn ra ngoài môi trường, tăng nguy cơ lây nhiễm hơn.

Đối với người mắc các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, việc sử dụng khí dung cần hết sức thận trọng để không làm phân tán virus ra môi trường bên ngoài. Khi quyết định khí dung, nhân viên y tế phải có đồ bảo hộ để đề phòng việc lây nhiễm.

Bác sĩ Nam cho rằng các cơ sở y tế nên thận trọng khai thác dịch tễ và kiểm tra xem bệnh nhân có mắc bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp hay không. Ngoài ra, không phải trường hợp nào cũng chỉ định khí dung mà phải chặt chẽ trong vấn đề kỹ thuật, vệ sinh bề mặt và trang bị đồ bảo hộ nếu chỉ định khí dung cho bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp.

PGS.TS Trần Minh Điển cũng khuyến cáo cần hạn chế khí dung, trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Khi khí dung phải tuân thủ quy trình kỹ thuật kiểm soát nhiễm khuẩn.

“Virus sẽ còn tồn tại trong bầu khí dung, máy và bề mặt vật dung quanh người bệnh, có nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc bề mặt. Nhân viên y tế làm thủ thuật này cho bệnh nhân cũng có nguy cơ mắc bệnh nếu không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật kiểm soát nhiễm khuẩn”, PGS Điển nói.

Hà Quyên – Bích Huệ/ZN

Bài mới
Đọc nhiều