+
Aa
-
like
comment

“Không có chuyện Việt Nam bán đất, bán thác cho Trung Quốc”

25/08/2020 11:45

TS Trần Công Trục nhớ rất rõ những ngày tháng kiên trì tìm kiếm nghiên cứu tài liệu, những lúc gian khổ băng rừng leo núi đi thực địa, những giờ phút căng thẳng, cân não trên bàn đàm phán. Nhân kỷ niệm 20 năm Hiệp ước Biên giới và 10 năm triển khai 3 văn kiện pháp lý về quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc, cùng lúc câu chuyện về thác Bản Giốc, Hữu Nghị quan lại rộ lên gần đây, ông chia sẻ với PV về quá trình đàm phán Hiệp ước Biên giới với Trung Quốc, để một lần nữa cung cấp những thông tin từ người trong cuộc về vấn đề vốn được cho là nhạy cảm này.

Video trao đổi của Tiến sĩ Trần Công Trục:

– Thưa Tiến sĩ Trần Công Trục, ông có thể kể lại việc đàm phán với Trung Quốc như thế nào để dẫn tới Hiệp định Biên giới?

– Những tuần gần đây dư luận mạng lại rộ lên câu chuyện “bán đất cho Trung Quốc”, “đàm phán bị thua thiệt”. Có những bài nghiên cứu rất chuyên sâu kỹ thuật bản đồ, bằng việc sử dụng bản đồ của Quân đội Mỹ có thể hiện đường biên giới, kể cả bản đồ của Quân đội Việt Nam sử dụng trước khi ký Hiệp ước, so với bản đồ thể hiện hướng đi của đường biên giới kèm theo Hiệp ước biên giới mới ký, để nói rằng đường biên giới mới đã xê dịch mấy trăm mét về phía Việt Nam và cho rằng như vậy Việt Nam đã “bán đất” cho Trung Quốc ở Lạng Sơn, Hữu Nghị Quan, Hà Giang.

Nhưng điều đáng nói, nếu chỉ xét về cơ sở khoa học có liên quan đến nội dung pháp lý, kỹ thuật, việc sử dụng bản đồ của quân đội Mỹ, thậm chí cả bản đồ của Quân đội Nhân dân Việt Nam, xuất bản trước khi có Hiệp ước Biên giới mới để làm cơ sở so sánh là một việc làm hoàn toàn sai lầm. Bởi vì, đường biên giới được vẽ trên bản đồ của Quân đội Mỹ xuất bản trước khi ký Hiệp ước mới không phải là đường biên giới có giá trị pháp lý, càng không phải tiêu chuẩn được thừa nhận của cả Việt Nam và Trung Quốc khi bước vào đàm phán về biên giới chính thức.

Muốn hiểu vấn đề này cần biết rõ quy trình đàm phán biên giới diễn ra như thế nào, cơ sở pháp lý, cách thức làm việc có thật sự khách quan khoa học không, có chứa đựng yếu tố như cáo buộc là “bán đất” hay “nhân nhượng vô nguyên tắc” hay không.

Sau khi khôi phục quan hệ, năm 1991, hai bên bắt đầu đàm phán biên giới. Tháng 11/1991 hai bên ký thỏa thuận đầu tiên về giải quyết các công việc trên biên giới để tạo môi trường ổn định đi vào đàm phán thực chất.

Từ năm 1993, bắt đầu triển khai cơ chế đàm phán cấp chính phủ. Lúc đó, bác Vũ Khoan là Thứ trưởng Ngoại giao làm trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ, tương đương Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc lúc đó là ông Đường Gia Triền làm Trưởng đoàn. Ban Biên giới Chính phủ là cơ quan tham mưu về chuyên môn pháp lý, kỹ thuật biên giới, lúc đó tôi là Phó Trưởng ban, được phân công làm Phó Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ.

Thỏa thuận đầu tiên mà hai bên đạt được ngay từ cuộc đàm phán cấp chính phủ lần thứ nhất là thỏa thuận nguyên tắc đàm phản giải quyết các vấn đề biên giới giữa 2 nước. Với biên giới trên bộ, hai bên thống nhất dùng Công ước Pháp – Thanh về hoạch định biên giới, do chính quyền Pháp đại diện Chính phủ Việt Nam ký với nhà Thanh năm 1887, năm 1895 ký bổ sung. Công ước cùng các bản đồ tài liệu kèm theo Công ước là nền tảng pháp lý cơ bản để hai bên giải quyết tranh chấp, bất đồng nảy sinh trên biên giới trong lịch sử.

– Tại sao lại là Công ước Pháp – Thanh, thưa ông?

– Trước khi Pháp đàm phán với nhà Thanh, hai bên chưa có biên giới, mới chỉ là khu vực biên cương, với công tác quản lý qua lại biên cương qua cửa ải, cửa khẩu, còn biên giới hoạch định rõ ràng theo phương thức hiện đại chưa có.

Khi Pháp sang mới tiến hành đàm phán và chính thức ký được hiệp ước hoạch định biên giới với nhà Thanh 1887 – 1895, kèm theo đó là bản đồ thể hiện đường biên giới biên giới, tỷ lệ 1/100.000 của Pháp xuất bản. Vào thời kỳ đó trình độ khoa học kỹ thuật về bản đồ, việc đi lại khu vực biên giới rất hiểm trở nên các lực lượng tham gia quá trình hoạch định, phân giới cắm mốc lúc đó không có đủ điều kiện để thực hiện một cách chính quy hiện đại như bây giờ. Và vì thế đã để lại những nhận thức khác nhau về hướng đi của đường biên giới cả trên bản đồ, lẫn tại thực địa…

Do vậy khi tiến hành đàm phàn về biên giới trên bộ, cả hai bên Việt Nam và Trung Quốc, sau khi đã cân nhắc rất kỹ mọi yếu tố, điều kiện, những thuận lợi, khó khăn có liên quan đến cơ sở pháp lý và thực tế quản lý biên giới tồn tại trong lịch sử giữa 2 nước, hai bên đã thống nhất quyết định dựa vào công ước hoạch định biên giới Pháp-Thanh 1887 – 1895, và đây được coi là Công ước quốc tế đầu tiên về biên giới được ký kết chính thức, để tiến hành đàm phán giải quyết về biên giới trên bộ. Bởi vì, nếu quay lại lịch sử sẽ càng mơ hồ, không bao giờ có thể giải quyết được những tranh chấp do lịch sử để lại.

Sau khi thống nhất nguyên tắc trên, hai bên thiết lập cơ chế đàm phán, tổ chức nhóm công tác liên hợp giải quyết vấn đề biên giới trên bộ, phân định Vịnh Bắc Bộ và các vấn đề trên biển. Thời gian đầu, tôi được phân công làm trưởng nhóm chuyên viên của 3 nhóm đó.

Liên quan đến biên giới trên bộ, dựa vào thỏa thuận nguyên tắc nói trên, mỗi bên về tập hợp lực lượng chuyên gia bản đồ, pháp lý giỏi nhất, để nghiên cứu sưu tầm các tài liệu liên quan Hiệp ước này và tự thể hiện hướng đi của đường biên giới theo chủ trương của mình lên bộ bản đồ địa hình mà hai bên đã thống nhất lựa chọn.

Các nhóm chuyên gia làm việc rất khẩn trương, trách nhiệm, tích cực. Ngoài việc nghiên cứu tài liệu, họ đi khảo sát kiểm tra tại thực địa xem biên giới theo tài liệu văn bản của mình có có đúng với thực tế không, rồi phải thống nhất với các địa phương đang quản lý trực tiếp trước khi vẽ “đường biên giới chủ trương” lên bộ bản đồ địa hình đã được thống nhất lựa chọn. Toàn bộ công việc đó đã thể hiện trong các phương án đàm phán được trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét và Thủ tướng sẽ báo cáo Bộ Chính trị để thông qua phương án đàm phán cho từng khu vực biên giới cụ thể.

Sau khi hoàn tất công việc thể hiện đường biên giới chủ trương theo quy trình chặt chẽ nói trên, hai bên trao cho nhau bản đồ đường biên giới chủ trương đó. Năm 1994, chính tôi là người cầm bộ bản đồ biên giới chủ trương của ta trao cho trưởng nhóm chuyên viên Trung Quốc, Đại sứ Du Minh Sinh tại Bắc Kinh, và thống nhất dựa vào bản đồ chủ trương của bên kia đối chiếu với bản đồ của mình, xem đường biên giới mỗi bên có đoạn nào trùng nhau hay không, tại sao có đoạn không trùng, để đi vào đàm phán giải quyết các khu vực còn khác nhau.

Sau khi đối chiếu với biên giới chủ trương của nhau, có khoảng gần 70% chiều dài trùng nhau, 30% không trùng nhau, thể hiện ở 289 khu vực loại A, B và C.

Những khu vực hai bên thể không trùng nhau bởi lý do gì? Thứ nhất, loại A, B do kỹ thuật vẽ bản đồ, vẽ chưa đến nơi, hoặc vẽ quá đi, gồm 125 khu vực, diện tích rất nhỏ chỉ 5-6km2. Còn lại là loại C có 164 khu vực, hai bên vẽ khác nhau với lý do quản lý và pháp lý.

Hai bên tiếp tục cùng xem xét các khác biệt về biên giới chủ trương loại C để giải quyết dần, cuối cùng còn lại một số khu vực nhạy cảm. Hai bên đi tới thỏa thuận mới: Với khu vực không đủ hồ sơ tài liệu, bản đồ có giá trị pháp lý để chứng minh, thì phải căn cứ nguyên tắc pháp lý và thực tiễn quốc tế đang áp dụng.

Ví dụ với biên giới sông suối, hai bên áp dụng nguyên tắc ở đâu tàu thuyền đi lại được thì đường biên giới là trung tuyến của luồng tàu đi lại chính, còn nơi không đi lại được biên giới là chính giữa của dòng chảy chính. Đó là quy định của luật pháp quốc tế.

Thứ hai, hai bên tính đến sự quan tâm, việc quản lý của nhau, chiếu cố đến quá trình làm ăn, vấn đề tín ngưỡng, mồ mả tổ tiên… để điều chỉnh cân bằng. Ví dụ Trung Quốc nhường cho ta khu này thì ta nhường lại khu kia để cuối cùng có biên giới tương đối bằng nhau.

Đó là các nguyên tắc để biên giới được quản lý công bằng sau này, và không làm xáo trộn đời sống, tâm linh của dân cư khu vực biên giới.

– Xin ông giải thích rõ hơn về việc đàm phán một số khu vực nhạy cảm như Thác Bản Giốc, Hữu Nghị Quan mà dư luận nhắc tới khi nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu qua đời – bởi Tổng Bí thư là người đã thay mặt Bộ chính trị trực tiếp chỉ đạo việc ký Hiệp định Biên giới với Trung Quốc?

– Tôi sẽ nói rõ từng vấn đề một. Về thác Bản Giốc, khi hai bên dựa vào Công ước Pháp – Thanh làm cơ sở và vẽ biên giới chủ trương, thì biên giới chủ trương của hai bên hoàn toàn trùng nhau ở giữa dòng Quây Sơn cho đến giữa đỉnh thác chính. Hai bên chỉ khác nhau từ điểm đỉnh thác trở lên vùng thượng nguồn của thác Bản Giốc. Khu vực thượng nguồn của thác theo tài liệu pháp lý do Pháp để lại không mô tả rõ ràng. Công ước Pháp – Thanh nói biên giới đi từ chính giữa đỉnh thác đến mốc 53 bên sườn chân núi. Nhưng trên thực tế ở thượng nguồn còn có cồn Pò Thoong được bao bọc bởi 2 dòng chảy mà Công ước không nhắc đến. Đây là chỗ hai bên nhận thức khác nhau.

Trong thực tế quản lý, những năm 1960 Việt Nam xây trạm thủy nông trên cồn Pò Thoong. Sau khi tìm mọi tư liệu không chứng minh được, hai bên dựa trên Thỏa thuận mới theo nguyên tắc đường biên giới đi theo sông suối: Ở sông suối tàu không đi lại được thì biên giới phải đi chính giữa dòng chảy chính. Theo thỏa thuận đó, dòng chảy chính về phía Việt Nam, nếu như vậy thì toàn bộ cồn Pò Thoong thuộc về Trung Quốc.

Nhưng vì thỏa thuận mới nói cần chiếu cố đến sự quản lý, sự quan tâm mỗi bên, nên khi đàm phán, cuối cùng hai bên đồng ý vẽ biên giới đi vào trạm thủy nông mà Việt Nam xây, như vậy khoảng 2/3 cồn thuộc về Trung Quốc và 1/3 thuộc Việt Nam. Đường biên giới được mô tả ở khu vực có tranh chấp trên thượng nguồn là như vậy.

Thác chính ta được một nửa, toàn bộ thác phụ, thác cao hoàn toàn thuộc về Việt Nam. Cách phân chia đó phù hợp với cơ sở pháp lý theo Công ước Pháp – Thanh và phù hợp với thông lệ quốc tế theo đúng thỏa thuận của hai bên.

Nhưng tại sao có câu chuyện dư luận nói Việt Nam “bán thác”? Vì các tài liệu lịch sử, văn học, những câu chuyện trong SGK, thậm chí tài liệu chính thức của ta trước 1979 nói thác là của Việt Nam. Nhưng các tài liệu đó không liên quan đến giá trị pháp lý của Công ước mà hai bên dựa vào, nên không thể dựa vào đó để nói đó là đất của mình, là thác của Việt Nam.

Khi lên khu vực đó nhiều bà con cho biết, trước đây toàn bộ thác này, sông này của Việt Nam, vì phía bên bờ Trung Quốc còn tồn tại mốc của Pháp – Thanh, mà phía Việt Nam không có. Người dân nghĩ mốc ở phía bên kia thì toàn bộ thác là của Việt Nam. Nhưng theo thông lệ quốc tế, khi cắm mốc ở sông suối thì không cắm giữa dòng, mà cắm mốc so le hai bờ, phía Trung Quốc một mốc Việt Nam một mốc. Qua lịch sử hàng trăm năm thì phía Trung Quốc còn mốc, phía Việt Nam đã mất. Nhưng điều đó không có nghĩa là toàn bộ sông Quây Sơn thuộc về Việt Nam. Nhiều người mơ hồ điều đó. Không hề có chuyện Việt Nam nhân nhượng Trung Quốc. Không hề có chuyện mất thác Bản Giốc tươi đẹp.

Tôi cũng nói luôn chuyện cửa sông Bắc Luân ra biển, bởi thác Bản Giốc và sông có sự đối trọng. Sông Bắc Luân ra biển có tranh chấp bãi Tục Lãm phía ra cửa sông. Trong Công ước Pháp – Thanh không mô tả rõ ràng, không có tài liệu nói các cồn bãi thuộc về ai, mặc dù trong quản lý hai bên tranh chấp căng thẳng với nhau. Vì vậy phải dựa trên nguyên tắc biên giới sông suối.

Ở đây, luồng tàu chạy chính nằm về phía Trung Quốc. Theo nguyên tắc đó thì toàn bộ cồn thuộc về Việt Nam, nhưng tại thác Bản Giốc họ đã nhân nhượng ta ở trạm thủy nông trên cồn Pò Thoong, nên ở đây ta chiếu cố sự quan tâm của Trung Quốc, vẽ đường biên giới đi gần như giữa bãi Tục Lãm, để tạo ra sự cân bằng về diện tích, dù theo nguyên tắc Tục Lãm thuộc về Việt Nam và Pò Thoong thuộc về Trung Quốc. Đây là sự nhân nhượng chiếu cố một cách hợp lý trên một về khu vực chưa có cơ sở pháp lý hay tài liệu chứng minh giải quyết thuộc về ai.

Một câu chuyện nữa là Hữu Nghị Quan, cũng là điểm rất nóng và phức tạp, là khu vực 164C từ cửa khẩu Thanh Thủy ra mốc 20 phía bắc của Hữu Nghị Quan. Rất nhiều ý kiến cũng như trong suy nghĩ và trong tâm khảm người Việt, Hữu Nghị Quan tức Mục Nam Quan, Ải Nam Quan là của Việt Nam. Các câu chuyện lịch sử nói các sứ thần của mình đi Trung Quốc đã dừng ở Ải Nam Quan như dấu mốc của đường biên giới theo lịch sử.

Nhưng thực tế Mục Nam Quan có phải mốc biên giới hay không? Câu chuyện quay lại cơ sở pháp lý để ta giải quyết.

Thứ nhất, căn cứ tài liệu pháp lý còn lại, theo mô tả ở đây biên giới đi về phía nam Mục Nam Quan chừng 100m, đúng như Công ước Pháp – Thanh và tài liệu phân giới cắm mốc Pháp – Thanh nêu ra. Điều này nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài nói rõ. Nghĩa là biên giới không đi qua Ải Nam Quan, mà cách đó về phía nam khoảng 100m. Nhưng 100m là tính từ đâu, từ giữa, hay phía nam, phía bắc Ải Nam Quan?

Trong thực tế quản lý, khi hòa bình lập lại, phía Trung Quốc giúp ta xây dựng đường xá, theo quan niệm của họ bấy giờ họ đặt điểm nối ray đường sắt biên giới Đồng Đăng – Bằng Tường theo ý kiến chủ quan của họ.

Khi đàm phán, Trung Quốc dùng “điểm nối ray” để làm đường biên giới. Còn ta nói biên giới cách đó 300m về phía “nhà mái bằng” là trạm kỹ thuật đường sắt. Hai bên tranh chấp 300m ở đây, vẽ đường biên giới chủ trương của mình nhưng không đủ tài liệu chứng minh. Vì thế phải giải quyết theo sự chiếu cố về việc quản lý, về diện tích cho cân bằng, theo điều kiện tự nhiên cho dễ bề quản lý.

Cuối cùng chúng ta xử lý khu vực này theo đường biên giới mới, không đi qua Ải Nam Quan như quan niệm của chúng ta, không đi qua “điểm nối ray” mà đi vào gần như giữa khu vực này để tạo ra diện tích tương đối bằng nhau.

Đó là câu chuyện của Ải Nam Quan. Nhiều người dựa vào mô tả của lịch sử, văn học để nói ta nhân nhượng là hoàn toàn sai. Khu vực này là khu vực tranh chấp, không có đầy đủ tài liệu pháp lý, mà có sự mơ hồ ở đây thì giải quyết như vậy hoàn toàn phù hợp.

Giải quyết xong thì ở đây không phải điểm cực bắc, mà Cột cờ ở Lũng Cú, Hà Giang là điểm cực Bắc của Tổ Quốc.

– Ý nghĩa và bài học từ mấy chục năm đàm phán biên giới trên bộ là gì, thưa TS?

– Quy trình giải quyết biên giới trên bộ không dễ dàng. Không bất kỳ ai có quyền phán xét theo tư duy chủ quan, mà phải làm đúng bài bản quy trình như tôi trình bày ở trên, để thấy đây là quá trình có sự chỉ đạo, thống nhất trong nội bộ chúng ta.

Khi giải quyết biên giới đã vấp phải những khu vực nhạy cảm, những thử thách về tình cảm tâm lý rất lớn.

Ví dụ Hữu Nghị Quan và đường sắt biên giới Đồng Đăng – Bằng Tường. Đây là nơi các chiến sĩ và người dân đã đổ máu trong chiến tranh 1979. Với Ải Nam Quan, lịch sử đã ghi ấn tượng lãnh thổ chúng ta “từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau”. Đó là khu vực đã nằm trong nhận thức, tiềm thức của người dân. Điều chỉnh, thay đổi những điều này không dễ, nhưng khi không đủ cơ sở pháp lý thì phải đàm phán trên tinh thần cầu thị khách quan.

Câu chuyện giải quyết biên giới trên bộ thành công vì đáp ứng được nguyện vọng nhân dân hai nước, có cơ sở khoa học để xác định biên giới rõ ràng, có quyết tâm chính trị, đảm bảo khách quan khoa học, tinh thần nghiêm túc cầu thị. Nếu tiếp tục phát huy những điều đó thì sẽ giải quyết được biên giới trên biển.

Trung Quốc đưa ra cái gọi là “biên giới lưỡi bò” trên biển là sự áp đặt chủ quan, không có cơ sở khoa học, căn cứ pháp lý. Muốn giải quyết tranh chấp trên biển thì cần thay đổi lập trường nhận thức, không áp đặt chủ quan. Nếu áp dụng được bài học đó cho xử lý các vấn đề trên biển thì tôi tin câu chuyện trên biển giải quyết được. Nhưng điều này phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc.

Việc chúng ta giải quyết biên giới trên bộ tất nhiên là nguyện vọng nhu cầu chính đáng hai bên, tạo môi trường hòa bình ổn định hợp tác để phát triển. Nếu để tranh chấp thì phức tạp. Đó là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử cần phát huy, tiếp tục bảo vệ thành quả đã đạt được.

Sau khi ký Hiệp ước hoạch định biên giới tháng 12.1999, giai đoạn thứ hai là giai đoạn phân giới cắm mốc. Đầu năm 2001 đã triển khai phân giới cắm mốc, cố định biên giới thực địa bằng hệ thống mốc. Đến năm 2008 chúng ta mới hoàn thiện được bộ hồ sơ pháp lý về đường biên giới thực địa. Giai đoạn này cũng phức tạp vất vả. Dù dựa vào cơ sở pháp lý vững vàng hai bên đã ký nhưng ra thực địa còn rất nhiều tranh chấp cần xử lý. Đó là câu chuyện hết sức phức tạp mà Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc của hai bên Việt Nam- Trung Quốc đã xử lý suốt 9 – 10 năm. Kết thúc giai đoạn này, đường biên giới trên bộ đã được chuyến từ bản đồ ra thực địa và được cố định bằng một ghệ thống mốc quốc giới gồm 1970 mốc rất kiên cố, chính quy, hiện đại…

Giai đoạn 3 là sau phân giới cắm mốc, hai bên ký Nghị định thư quản lý biên giới trên bộ và nghi định thư về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu biện giới. Hai bên cũng ký thỏa thuận về quản lý và sử dụng tài nguyên nước, các cảnh quan trên khu vực sông biên giới, sông Bắc Luân, quản lý tàu thuyền đi lại thế nào, đặc biệt tài nguyên du lịch. Đến giờ chúng ta vẫn phát huy các thỏa thuận đó.

Việc đàm phán biên giới trên bộ mang ý nghĩa lịch sử với cả Việt Nam và quốc tế. Đây là bài học thực tiễn, tạo tiền lệ pháp lý quan trọng để các nước áp dụng giải quyết vấn đề biên giới.

– Ông có thể chia sẻ những thời khắc gay cấn trong đàm phán?

– Đó là giai đoạn tồn lại các khu vực nhạy cảm như tôi đã kể. Ví dụ việc khai thông đường sắt Đồng Đăng – Bằng Tường. Sau khi nối lại quan hệ và triển khai ngay đàm phán, hai bên phải đẩy mạnh quan hệ kinh tế trong đó có khai thông đường sắt liên vận.

Năm 1995 , trong chuyến thăm của Tổng Bí Thư Đỗ Mười đến Trung Quốc có việc ký thỏa thuận khai thông đường sắt. Nhưng đây là khu vực tranh chấp, đang đàm phán không ai chịu ai. Đây là khu vực căng thẳng vì năm 1979 ở đây đã đổ máu rất nhiều. Khi đưa ra các ý kiến trao đổi, nhiều bộ ngành kiên quyết không chịu nhân nhượng, rằng dứt khoát Trung Quốc không thể áp đặt, đường biên giới phải là 300m từ “điểm nối ray” của đường sắt liên vận mà Trung Quốc giúp ta xây dựng khi hòa bình lập lại. Nếu Trung Quốc không nhân nhượng thì không thể khai thông đường sắt.

Trước tình hình đó liệu ta có giữ lập trường duy ý chí đó không? Ai là người đứng lên nói ra? Nhưng trong một cuộc họp Bộ Chính trị, với tư cách cơ quan tham mưu, chúng tôi phải đứng dậy báo cáo sự thật rằng đây là khu vực có nhận thức khác nhau mà hiện nay Việt Nam và Trung Quốc đều chưa đủ cơ sở, tài liệu pháp lý.

Để khai thông đường sắt thì có thể có giải pháp tạm thời: “Đông cứng” vùng tranh chấp 300m này, khi con tàu đến điểm “nhà mái bằng” thì các lực lượng mang tính chất nhà nước Trung Quốc như hải quan, quan chức chính quyền xuống, khi đến đường nối ray thì quan chức Việt Nam xuống để tàu đi qua… Đó là giải pháp tạm thời mang tính kỹ thuật. Sau khi nghe ý kiến về giải pháp tạm thời đượcchúng tôi trình bày một cách thẳng thắn, hết sức khách quan đó, các đồng chí trong Bộ Chính trị thấy có lý và đã chấp nhận ý kiến đề xuất của Ban Biên giới, giao cho tôi là thành viên đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tháp tùng Tổng Bí thư Đỗ Mười đi thăm Trung Quốc, gặp Thứ trưởng Đường Gia Triền đàm phán khai thông đường sắt theo phương án đã thông qua.

Chúng tôi đàm phán một ngày trời với Đường Gia Triền. Trung Quốc dù đồng ý giải pháp “đông cứng” tạm thời, nhưng đề nghị Việt Nam lùi từ đường nối ray về phía nam 300m nữa, tức là khu vực đóng băng phải 600m, họ muốn duy trì điểm nối ray là biên giới, lùi vào phía Việt Nam. Nhưng chúng tôi không đồng ý, lùi vào nghĩa là lập trường của Trung Quốc không thay đổi. Đoàn Việt Nam rất cương quyết, mãi đến cuối ngày đàm phán vẫn không thỏa thuận được. Nhưng chúng tôi vẫn kiên định, nếu không thỏa thuận được thì không còn cách nào khác vì điều này hoàn toàn vi phạm lãnh thổ của Việt Nam, không thể chấp nhận, không thể lùi.

Khi tạm thời ra về, tưởng không ký được thỏa thuận, nhưng trước bữa tiệc của Tổng Bí Thư Giang Trạch Dân chiêu đãi Tổng Bí thư Đỗ Mười, thì ông Hồ Càn Văn – thành viên đoàn đàm phán chịu trách nhiệm phiên dịch, sau này là Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, gõ cửa phòng tôi nói đoàn Trung Quốc đồng ý đề xuất của Việt Nam, giao chuyên viên chuẩn bị văn bản ký trước bữa tiệc.

Nhờ đó, sau một thời gian hai bên khai thông đường sắt, mở ra mốc mới trong phát triển quan hệ mang tính chất quốc tế giữa hai nước với đường sắt Đồng Đăng – Bằng Tường và Lào Cai – Sơn Yêu.

Kể như vậy để thấy, nếu đất của ta đủ cơ sở pháp lý không bao giờ chúng ta nhân nhượng, còn không đủ cơ sở phải tính giải pháp đôi bên cùng nhân nhượng lẫn nhau, cùng có lợi. Đàm phán nhân nhượng lẫn nhau không có nghĩa là bán đất, mà đòi hỏi nghiên cứu thấu đáo, nhân nhượng dựa trên nguyên tắc, đồng thuận nội bộ, đòi hỏi bản lĩnh người đàm phán, tinh thần cầu thị để nói rõ sự thực, có chủ trương đúng đắn, chính điều đó để dẫn tới ký được Hiệp ước.

Không phải như dư luận nói Việt Nam đàm phán bán đất cho Trung Quốc. Nếu là đất của Việt Nam thì một tấc đất, một tác núi, một tấc sông cũng không bao giờ nhân nhượng.

– Xin trân trọng cảm ơn TS Trần Công Trục.

Mỹ Hằng/DV

Bài mới
Đọc nhiều