‘Không có chuyện Intel hủy kế hoạch mở rộng sản xuất chip do Việt Nam thiếu điện’
GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận định, thông tin Intel hủy kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD mở rộng sản xuất chip tại Việt Nam do thiếu điện và thủ tục hành chính rườm rà là không có căn cứ.
Trao đổi với Nhadautu.vn , GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, thông tin trên là không có căn cứ.
Việt Nam luôn ưu tiên điện cho các khu công nghiệp
Theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, sự cố thiếu điện xảy ra vào mùa hè năm nay cho thấy đúng là Việt Nam có thiếu điện, tuy nhiên, đó không phải là lý do khiến Intel rút dự án.
“Hạ tầng các khu công nghiệp Việt Nam hiện nay rất tốt, đặc biệt là các khu công nghiệp công nghệ cao như Khu công nghiệp công nghệ cao TP.HCM, nơi Intel đặt nhà máy lại càng tốt hơn. Ngoài ra, chính sách của Việt Nam cũng ưu tiên điện cho các doanh nghiệp lớn an tâm sản xuất. Những nhà máy, sản xuất nằm ở khu công nghiệp không bao giờ thiếu điện. Vì vậy, nhận định này không đúng”, GS-TSKH. Nguyễn Mại phân tích.
Còn về vấn đề thủ tục hành chính rườm rà, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, đúng là có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn sách nhiễu, tuy nhiên không phải là tất cả.
Thực tế, từ khi Intel bắt đầu kế hoạch xây dựng nhà máy tại Việt Nam vào năm 2006 đã được hưởng một số “đặc quyền” chưa từng có. Vì vậy, bản thân Intel và nhiều doanh nghiệp FDI lớn khác đánh giá rất cao môi trường đầu tư tại Việt Nam. Đồng thời, thời gian qua, Việt Nam cũng đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tinh giản bộ máy nhà nước.
“Việt Nam đang rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Những cải cách này được nhiều tập đoàn lớn và ngay cả Intel cũng đánh giá rất cao. Như vậy, luận điểm thủ tục hành chính rườm rà cũng không đúng”, Chủ tịch VAFIE nhận định.
“Ông lớn” ngành chip không dại gì mà không đầu tư vào Việt Nam
Lý giải quyết định hủy kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD mở rộng nhà máy chip ở Việt Nam của Intel, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, đây là chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
“Intel đang phải đối mặt với những khó khăn từ sự cạnh tranh khốc liệt từ các công ty đối thủ như Nvidia và AMD. CEO Pat Gelsinger của hãng đang đứng trước một ván cược đánh đổi bằng cả sự nghiệp. Từng là tập đoàn thống trị ngành chip nhưng giờ đây, đại gia công nghệ Mỹ đang phải hành động thật nhanh để không bị các đối thủ bỏ lại phía sau. Do vậy, Intel chắc chắn có chiến lược kinh doanh riêng của mình. Đầu tư ở đâu, khi nào là quyết định của họ”, Chủ tịch VAFIE Nguyễn Mại nhận định.
Cũng theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, các “ông lớn” sản xuất chip bán dẫn như Intel, Samsung hay Foxconn không dại gì mà không chọn đầu tư vào Việt Nam, bởi Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên rất quan trọng, đó là 22 triệu tấn đất hiếm và trữ lượng Vonfram đáng kể.
“Việt Nam có nhiều ưu thế, trong đó nổi bật là việc sở hữu trữ lượng đất hiếm rất lớn, đây là nguyên liệu quan trọng dùng trong sản xuất bán dẫn, sản xuất pin. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến các ông lớn trong ngành này tìm tới Việt Nam để đầu tư”, ông Mại chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam đã ký kết, thực thi 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), và quan hệ Việt – Mỹ mới nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện cũng là yếu tố được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao.
“Đại diện Intel tại Việt Nam cũng đã khẳng định doanh nghiệp này đánh giá cao môi trường chính trị – xã hội ổn định của Việt Nam, sự sẵn sàng của lực lượng lao động trẻ và tài năng, cũng như vị trí địa lý nằm ngay trung tâm châu Á, những điều kiện để Intel tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Do đó, tôi khẳng định những luận điểm về thủ tục, thiếu điện là không có căn cứ”, Chủ tịch VAFIE nói.
Bích Vân