Không có ca Covid-19 thứ 1000 vào ngày 31/3 ý nghĩa thế nào với VN ?
Ngày 27/3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, nhờ có các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ mà Việt Nam chắc chắn sẽ không đạt con số 1.000 ca Covid-19 vào vào mốc quan trọng ngày 31/3 tới.
Tại sao lại là mốc 31/3?
Đó là vì theo thống kê trên thế giới, thời gian trung bình để số ca nhiễm Covid-19 từ 100 lên 1.000 là 7 ngày (riêng Nhật Bản là 28 ngày), nên tính chung là khoảng trên 9 ngày.
Phó Thủ tướng Đam phân tích, đối với Việt Nam nếu suy luận theo logic đó, ngày 22/3 Việt Nam đã ghi nhận 100 ca Covid-19 nhiễm mới (không tính 16 ca trong giai đoạn 1) thì hết ngày 31/3 chúng ta có khả năng có 1.000 ca nhiễm.
Nhưng Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ không có 1.000 ca nhiễm vào thời điểm ngày 31/3 bởi vì chúng ta có các giải pháp chống dịch và đến giờ phút này các giải pháp đó là rất hiệu quả.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã có “bài học đau xót” khi đạt đến mốc 1.000 ca Covid-19 trong thời gian rất ngắn.
Theo trang www.worldometers.info/coronavirus thống kê, ở Mỹ, ngày 3/3 Mỹ đạt mốc 100 ca và chỉ sau 8 ngày, vào ngày 11/3, Mỹ đạt mốc 1.000 ca và cho đến 11h30 ngày 27/3, sau 17 ngày đạt mốc 1.000, Mỹ “đột biến” lên đến hơn 93.000 ca Covid-19, với hơn 1.382 ca tử vong.
Ở Italy, ngày 23/2, Italy đạt mốc 100 và chỉ sau 6 ngày, Italy đạt mốc 1.000 ca. Còn đến giờ, chỉ 26 ngày, Italy đã “vươn lên” hàng thứ 3 các nước có ca Covid-19 nhiều nhất: Hơn 80.500 ca. Đáng nói, số ca tử vong tại Italy vượt trội, với hơn 8.215 ca tử vong (chiếm tỷ lệ 10,19% các ca mắc), trong khi tỷ lệ tử vong do Covid-19 trung bình trên toàn thế giới khoảng 4,5%.
Hay như ở Tây Ban Nha, ngày 2/3 nước này đạt mốc 100 ca Covid-19, vào ngày 9/3, sau 6 ngày, Tây Ban Nha đạt mốc 1.000 và sau 20 ngày, lập tức tăng vọt lên gần 64.000 ca và số tử vong cũng rất cao 4.963 ca. Đức đạt 100 ca vào ngày 1/3 và đến 8/3 đạt hơn 1.000 ca và sau 19 ngày đạt gần 49.300 ca với 304 ca tử vong.
Một số nước tăng tốc từ 100 lên 1000 trong vài ngày gần ngay sát Việt Nam có Malaysia, Indonesia, Thái Lan… Malaysia đạt mốc 100 vào ngày 9/3 và chỉ sau 11 ngày (20/3) ngày leo lên mốc 1.000 và hiện giờ tăng tốc đạt 2.160 ca mắc, trong đó 26 người tử vong. Tương tự, Indonesia đạt 100 ca vào ngày 15/3, hiện giờ sau 11 ngày (26/3) đạt hơn 1.000 ca.
Như vậy, nhiều nước thường mất 6-10 ngày để từ mốc 100 lên 1.000 và sau đó các ca bệnh Covid-19 tăng với tốc độ phi mã, rất khó kiểm soát.
Việt Nam đã kiểm soát dịch rất tốt
Trong khi tại Việt Nam, với sự tỉnh táo, vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, tính từ ngày 7/3, khi chúng ta ghi nhận ca nhiễm số 17 thì đến hết ngày 27/3 (20 ngày), chúng ta chỉ có 147 ca nhiễm mới, trong đó 90 ca đã cách ly ngay từ khi đến Việt Nam, còn 57 ca đã vào cộng đồng. Trong giai đoạn mới đã có 4 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh ra viện (nâng tổng số ca bệnh xuất viện ở Việt Nam lên 20 ca). Trong ngày 29-30/3 sẽ có 7 bệnh nhân nữa được xuất viện, chuyển về cơ sở khác theo dõi sức khỏe 14 ngày nữa.
1 trong 3 bệnh nhân nặng phải hồi sức tích cực từ ngày 15/3 ((có 1 bệnh nhân chỉ định can thiệp ECMO; 2 bệnh nhân còn lại thở oxy) đã có nhiều tiến triển, không còn phải thở máy xâm nhập. Cho đến nay, Việt Nam chưa phải nhận tin buồn nào về bệnh nhân Covid-19.
Giai đoạn 2 chống dịch, chúng ta cũng đã có 1 số ổ dịch có ca bệnh lây lan ra cộng đồng như tại Bệnh viện Bạch Mai (có 2 điều dưỡng, 2 bệnh nhân, và 3 F1 lây nhiễm ngoài cộng đồng); ổ dịch ở quán bar Buddha (TP.HCM) có 13 người mắc (trong đó 8 người đã đến quán bar và 5 người khác là người tiếp xúc gần F1, F2)…; ổ dịch liên quan đến bệnh nhân 34 (Bình Thuận) khiến 7 F1 và 2 F2 mắc bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã khẳng định, Việt Nam đã và đang kiểm soát rất tốt các ổ dịch Covid-19. Trước đó chúng ta đã kiểm soát tốt ổ dịch ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), tiếp đến là Trúc Bạch (Hà Nội). Và các ổ dịch hiện giờ, các lực lượng khoanh vùng, cách ly và kiểm tra y tế với hàng trăm hộ dân, tiếp tục rà soát, sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm. Hàng ngàn người tiếp xúc với các bệnh nhân Covid-19 tại các ổ dịch này đã được xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2.
“Về cơ bản các ổ dịch đang được kiểm soát” – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Như vậy, Việt Nam đã trải qua 20 ngày kể từ khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên của giai doạn hai, đạt mốc 100 vào ngày 22/3 và đến giờ, sau 6 ngày, chúng ta vẫn khống chế tốt để ca bệnh mới đạt số 147 ca Covid-19 mắc mới. Theo Phó Thủ tướng Đam, kết quả này là nhờ sự kiểm soát rất tốt của Việt Nam mà thế giới đã ghi nhận.
Phó Thủ tướng Đam đã khẳng định, chúng ta càng kéo dài được thời gian từ mốc 100 ca lên 1.000 ca càng lâu càng tốt (đương nhiên tốt nhất là không bao giờ xảy ra-PV). Khi đó chúng ta có thời gian để chuẩn bị nhân lực, vật lực và triển khai các biện pháp dự phòng chặt chẽ, quyết liệt hơn để chặn dịch.
“Chúng ta đã và đang kiểm soát tốt các điểm được tạm gọi là ổ dịch, thậm chí tiếp cận những điểm bị coi là ổ dịch tiềm năng để khoanh vùng, dập dịch ngay. Tôi tin nếu chúng ta thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và khuyến cáo của cơ quan y tế thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ thành công như giai đoạn 1 và phải quyết tâm để không có đến 1.000 ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Cả nước bước vào cao điểm chống dịch Covid-19
Từ 0h ngày 28/3, Việt Nam bước vào giai đoạn cao điểm có ý nghĩa quyết định trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, ngày 26/3,Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị số 15/CT-TTg yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Nước ta đã bước vào giai đoạn cao điểm có ý nghĩa quyết định trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Từ 0h ngày 28/3 đến 15/4, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người từ 00 giờ ngày 28/3 đến hết ngày 15/4.
Trừ các cơ sở kinh doanh mặt hàng thiết yếu (ăn uống, thuốc…) thì tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác đều đóng cửa.; Hạn chế việc di chuyển của người dân nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác; Kiểm soát mọi trường hợp nhập cảnh;
Chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở, cảnh sát khu vực, công an xã, thanh niên xung kích trên địa bàn, tổ dân phố, thôn bản… tăng cường việc giám sát các trường hợp cách ly tại gia đình, hạn chế tối đa việc giao tiếp của các đối tượng bị đề nghị cách ly y tế; thực hiện cưỡng chế cách ly y tế đối với các trường hợp chống đối cách ly theo quy định…
Tiếp tục kiểm soát chặt mọi trường hợp nhập cảnh trên các tuyến biên giới trên bộ (nhất là biên giới với Lào, Campuchia), đường thủy, đường biển, các cảng hàng không.
Diệu Linh/DV