+
Aa
-
like
comment

Không có ca Covid-19 mới, tăng cường công tác tiêm vắc xin Covid-19

30/03/2021 18:40

Chiều 30/3, Bộ Y tế cho biết, trong ngày không ghi nhận ca Covid-19 mới. Bộ trưởng cũng đã ban hành Chỉ thị nhằm tăng cường công tác tiêm vắc xin Covid-19.

Theo Bộ Y tế, tính đến 18h ngày 30/3, Việt Nam có tổng cộng 1.603 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 910 ca.

Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 46.454 người.

Trong ngày có 51 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng số bệnh nhân khỏi bệnh lên 2.359 người/2.594 bệnh nhân Covid-19.

Không có ca Covid-19 mới, tăng cường công tác tiêm vắc xin Covid-19 - Ảnh 1.
Đã có hơn 46.000 người được tiêm mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên

Chuẩn bị tiêm vắc xin Covid-19 trên diện rộng hơnChiều 30/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng ban hành Chỉ thị số 05 về việc tăng cường công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19.

Theo Chỉ thị, hiện đợt tiêm chủng đầu tiên cho các cán bộ, nhân viên thuộc lực lượng phòng chống dịch tuyến đầu đã được triển khai cho hơn 46.000 người. Trong thời gian tới, vắc xin Covid-19 sẽ được triển khai tiêm trên quy mô rộng hơn, cho nhiều đối tượng tiêm hơn, việc đảm bảo an toàn cho người được tiêm là vô cùng cần thiết.

Để tăng cường công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả và đạt tỷ lệ cao, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị Sở Y tế tỉnh, thành phố rà soát, cập nhật danh sách các đối tượng để triển khai tiêm chủng theo đúng quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ; Huy động tối đa các cơ sở y tế trên địa bàn, cơ sở đào tạo về y tế để tổ chức tiêm vắc xin Covid-19;

Tổ chức tập huấn cho cán bộ tham gia tiêm chủng để đảm bảo thực hiện đúng quy trình tiêm chủng an toàn, theo dõi sau tiêm chủng, xử trí, cấp cứu kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng bao gồm cả phản ứng phản vệ.

Chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng bố trí đầy đủ trang thiết bị, cử cán bộ đầu mối thực hiện giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng để xử lý kịp thời khi có trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng. Yêu cầu các điểm tiêm chủng niêm yết số điện thoại của đơn vị để người dân liên hệ khi cần thiết.

Tham mưu chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về việc tiêm vắc xin Covid-19: các nhóm đối tượng ưu tiên, thông tin về loại vắc xin, lợi ích của tiêm chủng và hướng dẫn theo dõi sự cố bất lợi sau tiêm chủng; Đề xuất các ban ngành, đoàn thể, các lực lượng ngoài y tế trên địa bàn tham gia phối hợp, vận động đối tượng thuộc diện tiêm chủng đến các điểm tiêm chủng để tiêm vắc xin Covid-19 theo hướng dẫn của ngành y tế.

Sử dụng hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân để thực hiện đăng ký, quản lý đối tượng, theo dõi sự cố bất lợi sau tiêm chủng, báo cáo kết quả tiêm chủng và cấp giấy chứng nhận tiêm chủng.

Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu bố trí thường trực cấp cứu xử trí tai biến nặng sau tiêm chủng tại đơn vị và tổ chức các đội hỗ trợ cho các điểm tiêm chủng, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn.

Tiếp nhận, xử trí, cấp cứu kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng khi có yêu cầu.

Đối với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu tập huấn, hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương, đơn vị, bộ, ngành về việc tổ chức, thực hiện tiêm chủng an toàn và hiệu quả.

Phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, phân tích tình hình dịch bệnh Covid-19, giám sát chặt chẽ, tổng hợp kết quả tiêm chủng vắc xin Covid-19 tại các địa phương và đề xuất các biện pháp nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, đảm bảo tiêm chủng an toàn, hiệu quả.

PV

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều