Không chịu tác động của thế lực nào, chọn đúng nhân sự đại hội Đảng
Thời gian qua, có tình trạng làm đúng quy trình, thủ tục nhưng chọn không đúng người nên không lâu sau, một số cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm đã vi phạm.
Nhân dịp Năm mới, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân chia sẻ với PV về những trăn trở trong 4 năm đảm nhiệm vai trò “gác gôn” cho Chính phủ về công tác cán bộ.
Có tình trạng làm đúng quy trình nhưng chọn không đúng người
Ông nhắc lại câu nói của Bác Hồ “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, quyết định tất cả mọi vấn đề. Vì vậy trong công tác cán bộ, phải có những quy định rất chặt chẽ, đặc biệt là phát hiện ra được cán bộ để đề bạt đúng người.
“Thời gian qua có tình trạng làm đúng quy trình, đúng thủ tục nhưng khi đã đề bạt, bổ nhiệm, không lâu sau thì cán bộ vi phạm. Như vậy rõ ràng chúng ta chọn không đúng người”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân chia sẻ.
Bộ trưởng cho rằng, việc chọn đúng người, nắm bắt được triển vọng, tương lai phát triển cũng như về đạo đức và năng lực của cán bộ là hết sức quan trọng.
Đi tìm cán bộ
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy tố, xét xử. Đảm nhiệm vai trò người “gác gôn” thẩm định, tham mưu cho Chính phủ trong công tác cán bộ, Bộ trưởng rút ra được những bài học, kinh nghiệm gì để “chọn đúng người”, chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng sắp tới?
Để chọn đúng người, người làm tổ chức phải đi tìm cán bộ chứ không phải để cán bộ sắp được đề bạt bổ nhiệm đi tìm tổ chức. Người làm tổ chức phải đi tìm người tốt, tìm người tài giới thiệu cho Đảng, Nhà nước bổ nhiệm vào vị trí xứng đáng để làm tốt nhiệm vụ.
Thứ hai, phải thực hiện trên tinh thần hết sức công tâm, khách quan, không chịu tác động của bất cứ thế lực nào. Bất cứ người nào cũng cần được nhận xét, đánh giá sâu sắc, lấy ý kiến một cách đồng bộ, thực hiện đúng theo các quy trình và đề bạt, bổ nhiệm công tâm.
Làm công tác cán bộ không được vì lợi ích cá nhân, không vì quen biết, không vì việc trao đổi quyền lợi giữa cá nhân với cá nhân, nếu không rất dễ gây ra tình trạng chọn người không đúng.
Thứ ba, trong công tác cán bộ, chúng ta phải đánh giá cả một quá trình. Đây là việc khó nhất trong quy trình cán bộ mà như trước diễn đàn QH, nhiều ý kiến nêu tỷ lệ đánh giá cán bộ hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiều quá. Tôi nói đến tỉ lệ 0,63% cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ thì không biết đánh giá kiểu gì mà không tìm được người để tinh giản biên chế.
Lần này đánh giá cán bộ chúng ta phải có sản phẩm cụ thể, đánh giá đa chiều, xuyên suốt cả quá trình và dựa trên sự tín nhiệm của các cấp, của cấp dưới đối với cấp trên, cấp trên cấp dưới. Như vậy mới có thể lựa chọn được những người có tài, có đức, phục vụ tốt.
Một vấn đề không kém phần quan trọng nữa là phải tiếp tục theo dõi, đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ phát triển, không phải chỉ chọn một lần.
Ngoài ra, tôi nghĩ phải đấu tranh xây dựng nội bộ, góp ý cho cán bộ. Phải mạnh dạn đấu tranh và chia sẻ những vấn đề đúng, sai để cán bộ công chức thấy khuyết điểm.
Từ những khuyết điểm nhỏ đã biết sai rồi thì sửa ngay; còn những khuyết điểm nhỏ mà không được đóng góp, không được sửa sai thì dần dần nhỏ thành lớn dẫn đến sai phạm và thậm chí là vi phạm pháp luật. Không có ai mới có khuyết điểm mà dẫn đến việc ở tù cả.
Trong công tác chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng cũng như công tác quy hoạch cán bộ, chúng ta đã chuẩn bị nhiều năm trước để lựa chọn những người xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, điều kiện đưa vào quy hoạch, cơ cấu chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp.
Để phục vụ cho công tác nhân sự đại hội Đảng sắp tới, Bộ Chính trị đã ban hành hàng loạt quy định, trong đó có quy định về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền trong công tác cán bộ. Vậy Bộ Nội vụ đã triển khai quy định của Bộ Chính trị như thế nào?
Để thực hiện chủ trương này, Bộ Nội vụ quán triệt, công tác cán bộ được thực hiện công khai, minh bạch theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước và của Bộ về công tác tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật… đối với công chức, viên chức, người lao động.
Ban cán sự đảng Bộ, lãnh đạo Bộ chỉ đạo kiên quyết thực hiện nghiêm các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ; không vận dụng, ưu tiêu bất cứ trường hợp nào. Hồ sơ tuyển dụng (tiếp nhận), bổ nhiệm phải đầy đủ, đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; không để tình trạng nợ văn bằng, chứng chỉ.
Việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp vụ và tương đương trở lên phải thông qua Ban cán sự đảng Bộ và có nghị quyết để Vụ Tổ chức cán bộ có cơ sở tham mưu và thực hiện quy trình, thủ tục theo quy định. Hồ sơ bổ nhiệm phải phối hợp với Thanh tra Bộ để thẩm định.
Ngoài ra, Bộ cũng tổ chức các đoàn kiểm tra của Bộ (gồm Vụ Tổ chức cán bộ, Thanh tra Bộ, Vụ Công chức Viên chức, Văn phòng Ban cán sự đảng Bộ) để kiểm tra công tác tổ chức cán bộ tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ.
Đồng thời, Bộ cũng xử lý nghiêm đối với các công chức, viên chức có biểu hiện, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín để lừa đảo, trục lợi.
Cùng với đó, tăng cường chấn chỉnh tình trạng lợi dụng dân chủ trong khiếu nại, tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ, hạ uy tín người khác, làm ảnh hưởng đến sự ổn định của đơn vị.
Giảm 10% biên chế để tăng lương năm 2021
Chủ trương của Đảng đòi hỏi đẩy mạnh việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Là cơ quan trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ này, Bộ trưởng có gặp phải áp lực hay sức ép nào từ các bộ ngành khác cũng như từ địa phương?
Như các bạn biết, các vấn đề sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế và thực thi chính sách cán bộ là vấn đề nóng, đụng chạm đến nhiều cơ quan, đơn vị, thậm chí đối với cá nhân mỗi người. Nhưng đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, chúng ta không thể không làm và phải đối diện với sự thật.
Quan trọng là chúng ta làm bằng cách nào để mang lại hiệu quả và thuyết phục, kể cả với cá nhân của mỗi cán bộ, công chức, viên chức cũng như đối với từng tổ chức, làm sao quyết tâm thực hiện được. Và cuộc cách mạng này phải gắn giữa trách nhiệm và quyền lợi thì chúng ta mới có thể thực hiện được.
Như vấn đề tổ chức sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, mục đích để tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện cho được chính sách cải cách tiền lương vào năm 2021.
Nếu không tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, chúng ta không tăng lương được, thu nhập của cán bộ, công viên chức vẫn cứ thấp. Như thế càng ngày, những người giỏi sẽ không làm trong khu vực công nữa, chất xám sẽ chảy ra khu vực tư.
Tôi rất mừng là trong thời gian qua đã nhận được sự đồng thuận của các bộ ngành, địa phương. Đến giờ này có thể khẳng định tinh giản biên chế khu vực công chắc chắn sẽ đạt 10% trong năm 2021.
Là người miền Nam, Bộ trưởng cảm thấy như thế nào khi ra Bắc sống và làm việc xa quê với nhiều khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán, khí hậu?
Thời kỳ đầu, nếu nói là hoàn toàn không thấy sự khác biệt là chưa chính xác nhưng qua thời gian, tôi đã quen với phong tục tập quán, khí hậu miền Bắc.
Theo tôi, mọi người Việt Nam, dù sinh sống và làm việc nơi đâu, địa phương nào đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, phát huy phẩm chất, năng lực, trình độ, đồng thời, có trách nhiệm bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa Việt.
Trong lịch sử, nhiều lãnh đạo phía Nam ra Bắc, phía Bắc vào Nam sinh sống và làm việc đều phát huy tốt phẩm chất, năng lực, trình độ, cống hiến và phục vụ nhân dân, được nhân dân đánh giá cao.
Tôi cũng đã và đang nỗ lực cùng lãnh đạo Bộ Nội vụ và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành đoàn kết, phát huy vai trò, trách nhiệm cá nhân, tập trung hoàn thành xuất sắc chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra.
Thu Hằng/VNN