Không chỉ định thầu cho ACV là ‘trói chân, trói tay Chính phủ’?
Cho rằng Quốc hội không nói rõ đồng ý chỉ định thầu cho ACV là “trói chân, trói tay Chính phủ”, và “như thế này thì Chính phủ không cần Quốc hội nữa”, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng bị Phó chủ tịch Quốc hội nhắc “làm đúng vai”.
“Nếu như thế này thì Chính phủ không cần Quốc hội nữa”
Nhận thức “đối với Long Thành thì chúng ta không được phép lùi mà cũng không thể lùi được nữa”, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, dự án này đã được đưa vào tăng trưởng giai đoạn 2020 – 2025, nghĩa là muốn đạt tăng trưởng 6,8 hoặc hơn nữa thì Long Thành đóng góp rất quan trọng.
“Ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế, nó còn có ý nghĩa nhiều mặt khác. Tôi thấy đây cũng là một dấu ấn của một giai đoạn”, đại biểu Hồng nói và nêu kinh nghiệm quyết định đầu tư đường dây 500 kV cách đây 25 năm, với hi vọng “nếu giao cho một doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện để làm (Long Thành) thì tương lai chúng ta sẽ có một công nghiệp hàng không”.
Đặt ra vấn đề “chúng ta có nguồn lực, có Quốc hội, có Chính phủ, có sự chỉ đạo” thì không có lý gì không làm được Long Thành, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, việc Quốc hội ra nghị quyết về báo cáo khả thi dự án là rất cần thiết.
“Trong khoản 3 (của dự thảo Nghị quyết), thực ra quy định như thế này chúng ta cũng ngầm hiểu là Quốc hội giao Chính phủ 4 điều kiện để chọn nhà thầu. Tôi nghĩ thực tế đây là cách chúng ta chỉ định thầu hoặc là chỉ duy nhất nhà đầu tư. Tôi cho rằng, nếu như thế này Chính phủ cũng không cần Quốc hội nữa, bởi vì trong tờ trình Chính phủ đề nghị Quốc hội giao cho ACV, không phải là đưa ra các điều kiện như thế này”, đại biểu Hồng nói.
Theo đại biểu thì “bởi vì chúng ta muốn giao cho ACV”, nên Quốc hội cần có câu trả lời rõ là có giao cho ACV không, thay vì đưa ra các điều khoản ngầm ý như trong dự thảo.
Về lo ngại ACV đi vay đến 2,6 tỉ USD sẽ làm gia tăng nợ công, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cho rằng “nếu cần thiết vẫn phải dùng nợ công và tăng nợ công, bởi vì theo như báo cáo của Chính phủ và nghị quyết của Quốc hội cho thấy, nợ công chúng ta ngày càng giảm, ở ngưỡng an toàn. Tại sao không tăng nợ công trong trường hợp cần thiết này để đầu tư cho Long Thành? Quốc hội ra (nghị quyết) như thế này chính là trói tay, trói chân Chính phủ và tôi thấy như thế không ổn”.
Với quan điểm trên, đại biểu Hồng đề nghị Chính phủ nghiên cứu thành lập Ủy ban quốc gia do một phó thủ tướng đứng đầu trực tiếp chỉ đạo, để “ACV là hạt nhân, là người cầm càng” trong đầu tư dự án này.
Sau ý kiến của đại biểu Hồng, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, người điều hành phiên thảo luận, đã phải “đề nghị đại biểu lưu ý phải làm đúng vai”, không đi quá sâu vào những vấn đề đã được quy định ở trong luật là thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
“Quốc hội rất tin vào Chính phủ và Chính phủ cũng rất cần đến Quốc hội, đó là mối quan hệ hữu cơ. Quốc hội quyết định những gì đúng với vai của mình và Chính phủ làm cũng đúng quy định, chức năng, nhiệm vụ của mình”, Phó chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Trước đó, liên quan đến đề xuất của Chính phủ cho phép chỉ định thầu cho ACV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đã từng khẳng định Quốc hội chưa bao giờ chỉ định thầu cho ai, vì đó là thẩm quyền của Chính phủ.
Giao cho ACV chưa chắc đã nhanh
Phản hồi quan điểm của một số đại biểu về việc chỉ định thầu cho ACV sẽ tiết kiệm thời gian hơn, do đó, hiệu quả hơn, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), cho rằng giao cho ACV chưa chắc đã nhanh.
“Lý do Chính phủ đề xuất giao cho ACV không qua đấu thầu vì sẽ tiết kiệm được khoảng 1,5 năm để triển khai sớm dự án, nhưng toàn bộ quá trình đầu tư chưa chắc đã rút ngắn thời gian so với tư nhân, vì ACV là một doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối, về nguyên tắc, bất kể một hạng mục công trình nào đều phải đấu thầu. Một trong lý do hiện nay là giải ngân vốn đầu tư công chậm, vì chúng ta mất nhiều thời gian cho việc thực hiện chuẩn bị những gói thầu nhỏ trong quá trình triển khai dự án”, đại biểu Cường nói.
Ông Cường cũng cho rằng chưa thể khẳng định chỉ có ACV mới có kinh nghiệm trong việc đầu tư cảng hàng không; mà giao cho ACV cũng chưa chắc đã phải là phương án huy động vốn tốt nhất, vì ACV cũng chỉ đảm bảo được 1/3 số vốn, còn 2/3 số vốn vẫn phải đi huy động của các tổ chức tài chính quốc tế.
Tương tự, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đặt vấn đề luật Đấu thầu đã quy định rất rõ đối tượng nào được chỉ định thầu và trong trường hợp nào, nên cứ làm theo luật.
“Hai đường giao thông kết nối trị giá hơn 4.000 tỉ đồng thì ACV có phải nổi trội trong lĩnh vực làm đường giao thông không mà chúng ta cũng phải chỉ định thầu cho ACV? Hay hạng mục 4 là các công trình dịch vụ, ACV có lợi thế về các loại dịch vụ không?”, đại biểu Hạ đặt câu hỏi và cho rằng, có những việc liên quan đến quốc phòng, an ninh có thể chỉ định thầu, nhưng có việc phải xem xét.
Khoản 3 “Về nguồn vốn và hình thức đầu tư” trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội:
“Chấp thuận phương án đề xuất của Chính phủ. Giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện việc đầu tư đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Sử dụng vốn của doanh nghiệp; không làm tác động đến nợ công; không sử dụng bảo lãnh Chính phủ đối với các khoản vay của doanh nghiệp;
b) Đảm bảo dự án khả thi và hiệu quả cao nhất; đảm bảo quốc phòng an ninh và lợi ích nhà nước;
c) Đảm bảo vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc đầu tư, quản lý khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành;
d) Đảm bảo nguyên tắc một cảng hàng không – một nhà khai thác cảng.
e) Đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản công và các quy định có liên quan.”
Vũ Hân/Thanh Niên
/blockquote