+
Aa
-
like
comment

‘Không chấp nhận TQ dùng đường lưỡi bò để xâm phạm vùng biển VN’

20/08/2019 08:22

Tàu khảo sát Hải Dương 8 và các tàu hộ tống Trung Quốc đã quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của VN từ hôm 13/8, tiếp tục các hành vi gây hấn “dựa trên sức mạnh”.

Trong tuyên bố ngày 16/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982”.

‘Khong chap nhan TQ dung duong luoi bo de xam pham vung bien VN’ hinh anh 1
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh. Ảnh: Việt Linh.

Việt Nam “đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam”, bà Hằng cho biết.

Trao đổi với Zing.vn về diễn biến này, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh nhận định Trung Quốc đã xâm phạm vùng biển các nước không chỉ lần này, mà từ nhiều năm qua, trong “mưu đồ kiểm soát Biển Đông” và ngăn cản các nước “khai thác và sử dụng tài nguyên trên những vùng biển hợp pháp” của mình.

Cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ cũng nói nếu không ngăn chặn, đây sẽ là tiền lệ nguy hiểm trong khu vực và Việt Nam cần “chuẩn bị mọi phương án”, bao gồm “đưa ra công lý quốc tế” trước hành vi vi phạm công ước luật biển của Trung Quốc.

‘Khong chap nhan TQ dung duong luoi bo de xam pham vung bien VN’ hinh anh 2
Tàu Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc. Ông Phạm Quang Vinh nói Trung Quốc đang sử dụng đường lưỡi bò đã bị quốc tế phản bác là phi lý để xâm phạm vùng biển Việt Nam. Ảnh: Cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc.

Trung Quốc tái diễn vi phạm: Tiền lệ nguy hiểm ở khu vực

– Tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng các tàu hộ tống đã quay lại xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 13/8. Ông nhận xét gì về diễn biến này?

– Đây là việc rất nghiêm trọng khi Trung Quốc tái diễn xâm phạm các vùng nước, vùng biển của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Trung Quốc vẫn nói là muốn phát triển quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác với khu vực nhưng chính việc làm này của Trung Quốc đã làm xói mòn lòng tin ở khu vực. Không thể chấp nhận việc Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, ỷ vào sức mạnh, sử dụng đường lưỡi bò đã bị quốc tế phản bác là phi lý để xâm phạm vùng biển hợp pháp của các nước.

Việc Trung Quốc tái diễn vi phạm luật pháp quốc tế và UNCLOS hiện nay, nếu không ngăn chặn, sẽ là tiền lệ nguy hiểm ở khu vực và với các nước. Điều này làm xói mòn lòng tin và nỗ lực của khu vực mong muốn hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, điều có lợi cho tất cả các nước, trong đó có chính bản thân Trung Quốc. Càng là nước lớn, càng phải có trách nhiệm trong việc đóng góp vào hòa bình, ổn định, thực hiện luật pháp quốc tế và công ước luật biển.

– Các nhà quan sát cho biết sau khi rời khu vực vào ngày 7/8, tàu Hải Dương 8 có thể đã đi đến tiếp nhiên liệu tại khu vực Đá Chữ Thập, đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái pháp luật thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các đảo nhân tạo này đã bắt đầu được Trung Quốc tận dụng, phục vụ cho các hành vi hung hăng trên Biển Đông?

– Trung Quốc tôn tạo các đảo đá ở Biển Đông nhằm thực hiện mưu đồ kiểm soát Biển Đông. ASEAN và các nước đã phản đối, bác bỏ việc làm này của Trung Quốc, coi đây là hành động bất hợp pháp. Nay họ lại dùng làm căn cứ để xâm phạm vùng biển hợp pháp của các nước khác thì lại càng không thể chấp nhận.

Lúc này, hơn bao giờ hết, quốc tế và khu vực càng cần lên tiếng phản đối các hành vi vi phạm của Trung Quốc, trong đó có việc tôn tạo trái phép, quân sự hóa ở các đảo đá, bãi tạm ở Biển Đông.

– Điều tàu thăm dò địa chất xuống khu vực nam Biển Đông, liệu Trung Quốc có ý đồ muốn Việt Nam từ bỏ ý định khai thác dầu khí ngay trên vùng đặc quyền kinh tế của mình và khiến các công ty nước ngoài e sợ khi hợp tác với VN?

– Trước hết, cần phản đối việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển hợp pháp của Việt Nam. Đây là sự vi phạm luật pháp quốc tế, công ước luật biển. Trung Quốc đã xâm phạm vùng biển các nước không chỉ lần này mà từ nhiều năm qua.

Quốc tế cần cảnh giác và phản đối việc Trung Quốc mưu toan áp đặt đường lưỡi bò, biến vùng biển của các nước thành vùng tranh chấp để xâm phạm và tìm cách kiểm soát khu vực Biển Đông. Điều này không có lợi cho hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn trong khu vực. Thế giới cần phải phản bác điều đó.

Thứ hai, bằng việc lấn tới như vậy, Trung Quốc mưu toan cản phá các nước thực thi các quyền hợp pháp của mình, trong đó có việc khai thác và sử dụng tài nguyên trên những vùng biển hợp pháp theo luật pháp quốc tế và UNCLOS.

Cần nhấn mạnh, Trung Quốc không chỉ làm vậy với Việt Nam, mà còn với nhiều nước trong khu vực. Việc này là không thể chấp nhận và là tiền lệ nguy hiểm, cần phải bị phản bác.

‘Khong chap nhan TQ dung duong luoi bo de xam pham vung bien VN’ hinh anh 3
Tàu hải cảnh 3901 của Trung Quốc tham gia hộ tống tàu Hải dương Địa chất 8. Ông Phạm Quang Vinh nói Trung Quốc đang dùng các đảo nhân tạo, xây dựng trái pháp luật làm căn cứ hậu cần để xâm phạm vùng biển hợp pháp của các nước. Ảnh: SCMP.

Việt Nam chuẩn bị “mọi phương án”, bao gồm “đưa ra công lý quốc tế”

– Việt Nam có nên cân nhắc biện pháp pháp lý trước các hành động vi phạm luật pháp quốc tế và công ước luật biển của Trung Quốc?

– Chúng ta muốn hoà bình, hoà hiếu, song kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chúng ta luôn dựa trên luật pháp quốc tế, công ước luật biển để nói với quốc tế và khu vực chính nghĩa của mình và yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ.

Thời gian qua, chúng ta đã luôn căn cứ vào những quy định của luật pháp quốc tế để đấu tranh với Trung Quốc, để kêu gọi cộng đồng quốc tế.

Chúng ta cũng luôn kiên trì đối thoại với Trung Quốc, yêu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế. Chúng ta cũng kêu gọi công luận chú trọng và đề cao việc các nước, nhất là Trung Quốc, phải tuân thủ luật pháp quốc tế, công ước luật biển. Đây là điều rất quan trọng.

Nhưng tôi tin rằng, chúng ta đã và sẽ chuẩn bị mọi phương án phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả việc sử dụng các biện pháp đưa ra công lý quốc tế để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp trên biển của mình theo đúng luật pháp quốc tế và công ước luật biển.

Không bao giờ có thể chấp nhận Trung Quốc biến vùng biển hợp pháp của ta thành vùng tranh chấp. Chúng ta không loại trừ và cần áp dụng mọi biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền biển đảo chính đáng của mình.

– Phán quyết tháng 7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, đã bác bỏ các yêu sách chủ quyền bằng đường 9 đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông. Phán quyết này có thể áp dụng khi Trung Quốc đưa tàu vào xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế ở Việt Nam?

– Phán quyết của Tòa án PCA năm 2016 là thể theo quy định của UNCLOS và để thống nhất cách diễn giải và áp dụng công ước này ở Biển Đông.

Phán quyết của Toà do vậy hoàn toàn có giá trị pháp lý và là một bộ phận của luật pháp quốc tế. Từ nay, bất kỳ việc xử lý tranh chấp nào cũng sẽ có thể viện dẫn phán quyết để xử lý và diễn giải công ước.

Phán quyết của Tòa trọng tài rất quan trọng. Trước hết, Toà đã phản bác Trung Quốc dùng căn cứ lịch sử và đòi hỏi chủ quyền theo đường lưỡi bò, và theo đó, bác bỏ việc Trung Quốc dùng đường lưỡi bò để can thiệp vào vùng biển hợp pháp của các nước.

Phán quyết đã là một bộ phận của luật pháp quốc tế. Vì vậy, Việt Nam và quốc tế cần nhấn mạnh giá trị pháp lý của phán quyết. Cộng đồng quốc tế, càng nhiều nước trong và ngoài khu vực lên tiếng, ủng hộ thì hiệu lực, hiệu quả của phán quyết sẽ càng có giá trị, dù Trung Quốc có muốn hay không, hoặc tìm cách chống lại phán quyết.

‘Khong chap nhan TQ dung duong luoi bo de xam pham vung bien VN’ hinh anh 4
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS John C. Stennis (CVN-74) của Mỹ trong một lần hoạt động trên Biển Đông hồi đầu năm 2019. Ông Phạm Quang Vinh nói quốc tế phải phản bác và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi vi phạm. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Trung Quốc mưu toan “biến vùng biển hợp pháp thành vùng tranh chấp”

– Việt Nam cần phải làm gì trước các hoạt động trên của Trung Quốc?

– Bãi Tư Chính nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn là vùng nước hợp pháp của Việt Nam theo công ước luật biển, không dính gì đến những vùng tranh chấp ở Trường Sa.

Đây là điều chúng ta cần làm rõ, không thể chấp nhận và phải kiên quyết bác bỏ các lập luận mập mờ của Trung Quốc, với mưu toan biến vùng biển hợp pháp của ta thành vùng tranh chấp, để xâm lấn.

Việt Nam đã luôn thể hiện lập trường hoà bình và chính nghĩa trên cơ sở luật pháp quốc tế, kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình, bao gồm các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa theo đúng luật pháp quốc tế và công ước luật biển.

Đồng thời, chúng ta cần tiếp tục đề cao “công pháp, công luận và công khai”, cũng như duy trì sự hiện diện và thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng, chấp pháp của Việt Nam tại các vùng biển của chúng ta. Chúng ta không chấp nhận bất cứ ai xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển hợp pháp của mình.

Việt Nam chủ trương hòa bình, hòa hiếu, thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, nhưng chúng ta cũng nói rõ không chấp nhận việc Trung Quốc xâm phạm và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các vùng biển hợp pháp của Việt Nam như luật pháp quốc tế quy định.

Việt Nam cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế và khu vực phải lên tiếng đòi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và công ước luật biển. Lập trường của Việt Nam trước sau như một: vừa theo đuổi hòa bình, hòa hiếu, nhưng vẫn dựa vào luật pháp quốc tế, kêu gọi công luận ủng hộ, đồng thời tiếp tục sự hiện diện các lực lượng thực thi pháp luật của mình trên biển để đảm bảo chủ quyền, cũng như đóng góp vào hòa bình và ổn định khu vực.

– Trách nhiệm của khu vực và quốc tế như thế nào trước các hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc?

– Hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển đông là lợi ích chung của quốc tế, khu vực và các nước. Do vậy, cộng đồng quốc tế, các nước trong và ngoài khu vực cần và có trách nhiệm đóng góp vào duy trì trật tự, luật pháp quốc tế ở khu vực này.

Việc Trung Quốc hay một vài nước nói các nước ngoài khu vực không được có tiếng nói hay đóng góp vào hòa bình, an ninh và hợp tác ở khu vực là không đúng. Trong các khuôn khổ hợp tác của mình, ASEAN cũng đã luôn đề cao sự hợp tác và đóng góp của các nước về việc này.

Quốc tế và khu vực cần phải phản bác và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi vi phạm hiện nay, bảo đảm tôn trọng luật pháp quốc tế. Nếu không ngăn chặn, các hành động xâm phạm của Trung Quốc sẽ là tiền lệ nguy hiểm đối với các nước, với khu vực và quốc tế, với các nỗ lực về hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển trong khu vực.

Mọi quốc gia, dù lớn hay bé, đều phải có trách nhiệm tôn trọng luật pháp quốc tế, đóng góp vào hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực, bao gồm bảo đảm hoà bình, an ninh, an toàn hàng hải và duy trì trật tự, an ninh trên biển ở Biển Đông.

Tự do hàng hải, tự do hàng không ở trên biển, bao gồm ở khu vực Biển Đông, là quyền và quyền lợi của các nước theo công ước luật biển. Theo đó, các nước, trong và ngoài khu vực, đều có trách nhiệm, đóng góp vào hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khi vực này.

– Xin chân thành cảm ơn ông!

Trọng Thuấn/Zing News

Bài mới
Đọc nhiều